| Hotline: 0983.970.780

Thu hoạch quanh năm từ vườn xen canh

Thứ Tư 19/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Người dân thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có nguồn thu nhập quanh năm nhờ vườn cây xen canh, lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ha.

Nông dân thị trấn Dran phát triển kinh tế bền vững nhờ mô hình trồng xen quýt đường, hồng, bơ… trong vườn cà phê.

Nông dân thị trấn Dran phát triển kinh tế bền vững nhờ mô hình trồng xen quýt đường, hồng, bơ… trong vườn cà phê.

Dịp giáp tết vừa qua, gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ, thôn Phú Thuận (thị trấn Dran) cấp tập thu hoạch hồng vuông để bán cho thương lái. Diện tích lớn, nông sản được mùa nên ngoài hai vợ chồng làm việc, gia đình anh phải thuê thêm 3 nhân công để kịp hái trái chín.

Khu vườn của gia đình anh Vũ rộng 2,5ha và nằm ở khu vực sườn đồi. Khoảng 15 năm trước, nông dân này đầu tư vốn trồng cà phê. Những năm sau đó, cà phê có xu hướng giảm giá khiến cuộc sống rơi vào khó khăn. Để đảm bảo nguồn thu nhập, anh Vũ tìm hiểu và quyết định trồng xen cây hồng vuông, bơ và quýt đường.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ: “Cây cà phê mỗi năm cho thu hoạch một lần vào cuối năm. Vậy nên giá thấp thì tết rất chật vật. Khoảng 2 năm nay, nhờ cây hồng và quýt cho thu hoạch nên có khoản lãi cả trăm triệu đồng”. Cũng theo nông dân này, hồi tháng 9 vừa rồi, những cây bơ trồng xen trong vườn cho năng suất cao và gia đình có lãi hàng chục triệu đồng.

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Quý, ngụ thôn Phú Thuận 2 (thị trấn Dran) cũng thực hiện đa dạng hóa cây trồng trên diện tích 2,5ha. Ở nông hộ này, một diện tích rộng lớn được bao phủ bởi màu xanh của lá cây với những tầng, tán cao thấp khác nhau. Ông thổ lộ, gia đình vẫn ưu tiên cây cà phê làm chủ đạo nên những cây xen phải đảm bảo được độ che phủ phù hợp và đảm bảo về độ ẩm của đất lẫn chất dinh dưỡng.

Trong vườn cà phê, ông Quý trồng những cây hồng, xoài ở những đường ranh đất, bờ lô với khoảng cách lớn. Ở ngang tán với cà phê, gia đình ông chọn những vị trí phù hợp để đặt cây ca cao, quýt đường. Từ việc phân bổ đồng đều giữa các loại cây, nông dân này đã tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, cây trồng nào cũng phát triển tốt, năng suất cao.

Trên diện tích vườn 2,5ha, cứ vào tháng độ tháng 7 là gia đình ông Quý thu hoạch xoài và đến cuối năm thì thu hoạch cà phê, hồng, quýt. “Năm nay gia đình tôi thu hoạch hơn 10 tấn xoài, 10 tấn hồng, 20 tấn cà phê và hơn chục tấn quýt đường, ca cao. Nhờ vậy nên năm nay có lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Quý thổ lộ.

Mô hình trồng xen cho nhiều gia đình có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình trồng xen cho nhiều gia đình có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo nông dân, vùng Dran có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng. Về mùa khô, nguồn nước tưới được đáp ứng bởi những con khe, suối ở đồi. Hơn nữa, những năm gần đây, nông dân vùng Dran hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ và thay vào đó, họ thực hiện bằng các phương pháp phát thủ công.

Anh Nguyễn Hoàn Vũ chia sẻ, ở dưới tán cây, lớp cỏ dại vẫn được duy trì như một phương thức giữ đất về mùa mưa, giữ ẩm về mùa khô. Anh cho biết: “Những năm trước, việc lạm dụng thuốc diệt cỏ đã ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Gần đây, chúng tôi dùng máy cắt hoặc dùng dao phát những vùng rậm rạp và để lớp mỏng bề mặt vườn”.

Ông Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Dran cho biết, Dran hiện có khoảng 1.000ha diện tích trồng xen. Việc canh tác cùng lúc nhiều loại cây trên cùng diện tích vườn đã được người dân thực hiện từ nhiều năm và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại nông sản của địa phương đều được tiêu thụ bởi các vựa thu mua trong vùng với giá cả tương đối ổn định nên nông dân phấn khởi.

Theo ông Trung, việc trồng xen ở địa phương không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng đạt hiệu quả. Vậy nên, mô hình này là hướng đi khả quan, giúp người dân có được lợi nhuận cao. Mô hình này giúp nông hộ nâng cao hiệu suất sản xuất trên các diện tích vườn rẫy, địa hình dốc.

Tại thị trấn Dran, nông dân vẫn xác định cà phê là cây trồng chủ đạo dù giá xuống thấp. Theo ông Trần Văn Tám, mỗi ha cà phê cho gia đình thu lãi chỉ 30 - 35 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, gia đình vẫn tiếp tục phát triển và chờ đợi nông sản này lên giá trở lại.

“Giá có thấp nhưng vẫn còn lợi nhuận. Hơn nữa, không thể làm theo kiểu cứ hạ giá là chặt bỏ. Áp lực lớn nhất của gia đình là nguồn thu nhưng nguồn này đã đảm bảo được nhờ trồng xen nên cứ thế duy trì, phát triển. Lấy nguồn thu cây nọ bù cây kia thì sống khỏe”, ông Tám thổ lộ.

Xem thêm
Kỹ thuật phối giống cho bò sinh sản

THÁI NGUYÊN Kỹ thuật phối giống đóng vai trò then chốt trong quy trình chăn nuôi bò sinh sản. Phối giống sai cách, bò sẽ khó có thai hoặc không sinh được bê con.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.