| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi đất Dự án Điện gió số 2, chính quyền thiếu trách nhiệm với dân

Chủ Nhật 20/11/2022 , 10:05 (GMT+7)

SÓC TRĂNG_ Nhiều hộ dân TX Vĩnh Châu cho rằng đã bị Chủ đầu tư công trình Dự án Điện gió số 2 “lừa dối”

Chị Dương Hùi Xinh, chia sẻ với PV NNVN. Ảnh: TL.

Chị Dương Hùi Xinh, chia sẻ với PV NNVN. Ảnh: TL.

Đặc biệt, có nhiều hộ chưa có quyết định thu hồi đất, người dân chưa tự nguyện giao đất, chưa rõ mức giá bồi thường … thì Chủ đầu tư dự án đã cho xây dựng các trụ điện trên phần đất nuôi trồng thủy sản của người dân, gây thiệt hại về kinh tế, đời sống của người dân.

Thu hồi hay cho thuê?

Trao đổi với Báo NNVN, chị Dương Hùi Xinh, ngụ khóm Biển Trên, phường Vĩnh Phước (TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có trụ móng VT4 và đường dây 110KV của Dự án Điện gió số 2 đi ngang qua khu đất đang nuôi tôm. Khi nghe có thông tin dự án đi ngang đất của mình, chị đã rất lo lắng cho việc nuôi tôm của gia đình. Chị Xinh cho biết khi thi công công trình, họ đã lấy đất để xây trụ điện từ ngày 10/01/2022 nhưng chưa hề có một quyết định thu hồi đất nào.

Chị Xinh cho biết, sự việc kéo dài đến ngày 10/11/2022, chị Xinh được ngành chức năng mời lên UBND phường Vĩnh Phước để họp thông qua phương án thu hồi đất và đền bù nhưng chị không đồng tình với cách làm trên và cho rằng, chính quyền với nhà đầu tư không làm đúng trình tự thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, chị Xinh khẳng định từ khi Dự án Điện gió số 2 được triển khai và xây dựng trụ VT4 đến nay, chính quyền địa phương chưa gặp mình lần nào, cũng không hề thông báo thu hồi đất, chỉ có chủ đầu tư dự án nhiều lần đến xin chị hỗ trợ 10 năm sau sẽ trả lại”.

Trụ móng VT4 và đường dây 110KV của dự án điện gió số 2 trên đất nuôi trồng thủy sản của gia đình chị Xinh. Ảnh: Trọng Linh.

Trụ móng VT4 và đường dây 110KV của dự án điện gió số 2 trên đất nuôi trồng thủy sản của gia đình chị Xinh. Ảnh: Trọng Linh.

Theo chị Xinh, chủ đầu tư nhiều lần đến xin thuê đất nhưng chị không đồng ý, sau đó họ nhờ người thân chị thuyết phục nên chị mới đồng ý cho thuê (chỉ 16m2). Sau khi xây dựng trụ điện mới mời lên làm việc và thông báo sẽ thu hồi đất, chị kiên quyết không giao vì doanh nghiệp và địa phương lật lọng, ban đầu chỉ nói thuê nhưng xây dựng xong họ lại thông báo thu hồi”.

Còn phía chủ đầu tư thì khẳng định đã đền bù thu hồi diện tích 100m2  (không phải là thuê 16m2 như đã nói với chị Xinh) đất cho chị Xinh là 200 triệu đồng, cao gấp 20 lần rồi, chị Xinh cũng đã ký nhận tiền.

Chị Xinh thì khẳng định số tiền 200 triệu là tiền hỗ trợ 10 năm, khi hết thời hạn sẽ trả lại đất. Cũng theo chị Xinh, lúc đầu đơn vị thi công chỉ nói xây dựng 4 chân trụ với diện tích 16m2, chứ không hề nói gì liên quan đến thu hồi 100m2 như chính quyền và doanh nghiệp nói tại cuộc họp ngày 10/11/2022.

Chị Xinh cho biết, từ khi xây trụ điện VT4 thì diện tích nuôi trồng thủy sản còn lại của gia đình cũng bị bỏ hoang gần 1 năm nay, không thể chăn nuôi được do bờ vuông đã bị lở hết.

Ông Lý Chí Linh (thứ hai từ phải sang) cùng các hộ dân trao đổi với NNVN. Ảnh: TL.

Ông Lý Chí Linh (thứ hai từ phải sang) cùng các hộ dân trao đổi với NNVN. Ảnh: TL.

Thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản 

Theo đơn gửi Báo NNVN, ông Lý Chí Linh( sinh năm 1972) cho biết, gia đình ông có diện tích 3ha đất nuôi tôm đã xuống giống gần 50 ngày, tôm đang phát triển bình thường thì đường dây điện gió số 2 kéo ngang qua mà không được sự chấp thuận của gia đình ông.

Ông Linh cho biết: “Khi tôi không đồng ý, họ bất chấp thi công, vật tư xây dựng rơi xuống ao nuôi làm nước ô nhiễm, tôm bị chết cả hai ao” họ hứa sẽ bền bù (chính quyền địa phương có làm biên bản xác nhận thiệt hại). Sau đó, ông Linh yêu cầu công ty điện gió đền bù thiệt hại 57 triệu đồng tiền con giống thì họ yêu cầu làm đơn gửi lên phường Vĩnh Phước. Tuy nhiên, không hiểu sao họ cứ đổ thừa trách nhiệm qua lại, đến nay vẫn chưa đền bù.

Hộ bà Lâm Thị Ói, cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Gia đình bà có diện tích 3.500m2 nuôi tôm bị chết khi công trình thi công đi ngang. Bà yêu cầu đền bù tiền chi phí nuôi bị thiệt hại là 52 triệu đồng nhưng phía điện gió chỉ đền bù 10 triệu đồng. Gia đình bà Ói không thống nhất giá đền bù trên.

Anh Trần Nguyên Bình (con trai bà Lâm Thị Ói) chỉ phần đất nuôi tôm bị thiệt hại. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Trần Nguyên Bình (con trai bà Lâm Thị Ói) chỉ phần đất nuôi tôm bị thiệt hại. Ảnh: Trọng Linh.

Ghi nhận thực tế của PV NNVN, không có trường hợp nào đã giao đất trên thực địa với ranh mốc giới cụ thể, hàng loạt các trụ điện đều đang cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Hơn nữa, một số nhà dân còn nằm dưới đường dây này liệu có đảm bảo an toàn? Thêm điển hình như trụ điện T3 dựng trên toàn bộ bờ kênh 700, có vi phạm hành lang thủy lợi hay không?

Chia sẻ với Báo chí, ông Trần Văn Tảng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước (TX Vĩnh Châu) dù khẳng định không có phản ánh hay khiếu nại nhưng lại biết rất rõ bên Dự án tự thỏa thuận “mua đứt luôn” đất của bà Xinh, không phải là thuê 10 năm vì đây là Dự án? Ông Tảng lập luận “nếu không bán đứt làm sao người ta dám tự ý vào đất của dân mà làm”.

Khi được hỏi việc thu hồi và giao đất như vậy có đúng trình tự không, ông Chủ tịch Phường “không đánh giá” mà chốt “mua bán đất là quyền của người dân, phải tôn trọng”. Nói như ông Chủ tịch phường Vĩnh Phước thì mọi biến động về đất đai như giao dịch: mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê... đều không liên quan đến trách nhiệm quản lý của UBND phường?

Vậy trách nhiệm UBND TX Vĩnh Châu và UBND phường Vĩnh Phước quản lý về đất đai như thế nào?

Ngành chức năng địa phương đã tiến hành quy trình nào để doanh nghiệp thực hiện dự án? Có giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất? Có khảo sát, xác minh hiện trạng, kiểm đếm tài sản trên đất? Giá cả đền bù có thống nhất và có sự đồng tình ủng hộ của tất cả gần 100 hộ liên quan trước khi triển khai không?

Để làm rõ những vấn đề liên quan này, Báo NNVN đã liên hệ làm việc với UBND TX Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng).

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.