| Hotline: 0983.970.780

Dự án điện gió Amaccao gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp

Thứ Năm 09/06/2022 , 10:35 (GMT+7)

Đất sản xuất bị vùi lấp, trong khi nhiều hộ dân thôn Cheng đang “chạy ăn” từng bữa thế nhưng chủ đầu tư dự án điện gió Amaccao vẫn mãi không trả tiền đền bù.

Bát cơm chan đầy nước mắt…

Những thửa ruộng 'chết' dưới chân dự án điện gió Amaccao đẩy nhiều hộ dân ở huyện Hướng Hóa vào bước đường cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Những thửa ruộng "chết" dưới chân dự án điện gió Amaccao đẩy nhiều hộ dân ở huyện Hướng Hóa vào bước đường cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa của gia đình cạnh suối La La, Hồ Văn Thoong, thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bùi ngùi xót xa.

Bài liên quan

Là người dân tộc Vân Kiều, thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Trị, không đọc thông, viết thạo, những con số đối với Thoong khá lạ lẫm. Thoong không biết diện tích đất lúa của gia đình mình bị vùi lấp bao nhiêu, chỉ biết rằng, kể từ khi hai trụ điện gió của dự án điện gió Amaccao thi công, gia đình anh rơi vào cảnh “chạy ăn” từng bữa.

“Khoảng tháng 9/2021, khi lúa gần chín, một trận mưa lớn kéo theo đất, đá từ bãi thải hai trụ điện gió của Amaccao trôi xuống vùi lấp toàn bộ đất lúa. Từ đám ruộng này, mỗi năm 2 vụ, nhà ta cũng có 50 bao lúa nhưng hơn 1 năm nay không trồng được cây gì nữa. Gia đình ta có 2 vợ chồng, 3 đứa con nhỏ. Ta đi làm thuê, bữa có việc, bữa không, về đong gạo ăn từng ngày. Giờ đang còn nợ cả 1 triệu đồng tiền gạo chưa biết lấy đâu ra mà trả”, anh Thoong buồn bã đưa tay lên ngực, ra hiệu ruộng lúa đã bị vùi lấp đến gần 1 m.

Mất tư liệu sản xuất trở thành bi kịch đối với người nông dân thôn Cheng. Ảnh: Võ Dũng.

Mất tư liệu sản xuất trở thành bi kịch đối với người nông dân thôn Cheng. Ảnh: Võ Dũng.

Phía trên ruộng lúa, gia đình anh Thoong có 1 nghìn gốc cà phê. Nhưng mấy năm nay cà phê xuống giá, anh Thoong vừa chặt hết để trồng sắn. Cây sắn vừa mới nhú mầm lên khỏi mặt đất cũng bị những trận mưa cuốn theo đất đá từ bãi đất thải của dự án điện gió Amaccao tràn xuống. Cây sắn không thể mọc lên được. Sắp tới, 5 miệng ăn trong gia đình anh Thoong chưa biết nhìn vào đâu.

Tôi hỏi, vì sao gia đình không cải tạo lại ruộng để tiếp tục trồng lúa? Anh Thoong thành thật trả lời: “Nhà không có tiền thuê máy, sức người thì không thể đào hốt đất đi đổ được. Nếu có cải tạo được, mưa lớn cũng sẽ lại vùi lấp hết thôi. Cái ăn của cả nhà chỉ nhìn vào chừng ấy ruộng lúa, nhiều hôm không đủ gạo vợ chồng ta phải nhường cơm cho 3 đứa con ăn”.

Không chỉ gia đình anh Thoong, gia đình ông Hồ Văn Chịu và nhiều hộ dân tại thôn Cheng cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

“Nhà ta chỉ có 1,6 nghìn m2 ruộng lúa nhưng đã bị bãi đất thải của điện gió Amaccao vùi lấp hết rồi. Nhà còn ít tiền để dành, rồi đi làm thuê nhưng lâu nay cũng tiêu hết cho 5 miệng ăn hằng ngày. Sắp tới ta cũng chưa biết tính sao đây”, ông Hồ Văn Chịu rầu rĩ.

Ruộng lúa của người dân thôn Cheng nằm dọc khe suối La La, lọt thỏm giữa những ngọn núi. Suối La La và ruộng lúa bị vùi lấp thành bình địa, trơ sỏi đá, cỏ dại mọc um tùm chỉ còn le re dòng nước chảy từ trên cao xuống, không thể trồng được một loại cây gì.

Từ trên các ngọn núi, quạt điện của nhiều dự án điện gió vẫn quay vù vù. Dưới chân nhiều trụ điện gió, nhiều cánh rừng trồng của người dân đã bị san phẳng để nhường đất cho các dự án điện gió. Chủ đầu tư các dự án bạt núi, dựng lên những trụ điện gió nhưng lại quên mất việc thực hiện các cam kết trong việc trồng cây, trải lưới chắn xói mòn đất, bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư nhiều dự án điện gió đã không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Chủ đầu tư nhiều dự án điện gió đã không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Riêng bãi đất thải 2 trụ điện gió của dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh), sau trận mưa tháng 9/2021 đã tràn xuống ruộng lúa, ao nuôi cá của 11 hộ dân thông Cheng khiến gần 1 ha bị vùi lấp không thể cải tạo. Nhiều hộ dân trong số này đã mất toàn bộ diện tích đất sản xuất. Không ít hộ hiện đang lâm vào đường cùng.

“Sống chết mặc bay”

Cán bộ địa chính- nông nghiệp xã Tân Liên dẫn chúng tôi từ trung tâm xã đi trên con đường được đổ bê tông cách đây 2-3 năm, qua các thôn Tân Hòa, Tân Tiến, Tân Hữu. Đầu con đường, bảng thông báo được trưng lên: “Cấm xe tải trọng quá 3 tấn”.

Thế nhưng, để triển khai dự án điện gió, đơn vị thi công đã thuê lại tuyến đường này chở nguyên vật liệu với tải trọng lên đến hàng chục tấn kèm theo lời hứa, khi nào dự án hoàn thành, con đường cũng sẽ được sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay khi dự án đã đi vào hoạt động đã hơn nửa năm, con đường bị cày xới nham nhở vẫn chưa được khắc phục.

Tuyến đường chủ đầu tư dự án điện gió  mượn sử dụng tại xã Tân Liên đã tan nát nhưng không được khắc phục, sửa chữa như cam kết. Ảnh: Võ Dũng.

Tuyến đường chủ đầu tư dự án điện gió  mượn sử dụng tại xã Tân Liên đã tan nát nhưng không được khắc phục, sửa chữa như cam kết. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho hay, trên địa bàn có 2 dự án điện gió với 4 trụ điện. Năm 2020, dự án điện gió Liên Lập cũng gây sạt lở vùi lấp đất nông nghiệp nhưng sau đó đã khắc phục nhanh.

Riêng 2 trụ điện gió của Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh (Dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1) đã thu hồi 2,6 ha đất rừng sản xuất. Khi triển khai, bãi thải của 2 trụ điện gió này này đã vùi lấp gần 1 ha đất lúa của người dân. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa có động thái đền bù thiệt hại. Con đường bê tông bị phá tan nát cũng không chịu khắc phục.

“Bãi thải của dự án điện gió Amaccao bị mưa đẩy trôi đất đá xuống đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Hơn 1 năm nay, xã nhiều lần đề nghị, huyện cũng nhiều lần làm việc với chủ đầu tư nhưng họ không chịu đền bù. Người dân ngày nào cũng ra ủy ban xã yêu cầu xã phải làm việc để công ty đền bù thỏa đáng. Thế nhưng, quản lý các trụ điện gió này cứ khất lần, bảo sẽ báo cáo với lãnh đạo công ty đền bù nhưng đến nay cũng chưa thấy gì”, ông Tân cho hay.

Ông Tân cho biết thêm, 100% hộ dân tại thôn Cheng là đồng bào dân tộc Vân Kiều, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn hết sức khó khăn. Cuộc sống người dân thôn Cheng phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên khi bị mất đất sản xuất, đời sống người dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Trước đó, như NNVN đã đưa tin, dự án Điện gió Amccao của Công ty CP Điện gió Khe Sanh cũng đã vùi lấp 2,7 ha đất lúa, ao cá của 38 hộ dân khóm 6, thị trấn Khe Sanh. Tuy nhiên, đến nay, một số hộ dân vẫn không chịu nhận tiền “hỗ trợ”. Người dân cho rằng, bản chất của vấn đề là “đền bù” thiệt hại chứ không phải là hỗ trợ. Hơn nữa, “hỗ trợ” 8 nghìn đồng/m2 là mức quá thấp không thể chấp nhận được.

Dưới chân các trụ điện gió, cuộc sống nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh khốn cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Dưới chân các trụ điện gió, cuộc sống nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh khốn cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ xã Tân Liên, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa cũng chịu chung số phận. Có thể kể đến xã Húc, một địa phương có hàng chục hộ dân hiện nay vẫn chưa nhận được tiền đền của chủ đầu tư các dự án điện gió.

Theo thống kê của UBND xã Húc, kể từ khi dự án điện gió của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị triển khai và đi vào hoạt động, khoảng 30 hộ bị bồi lấp ruộng, đất sản xuất.

Mặc dù UBND xã Húc đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư đến cùng thống kê thiệt hại, nhưng đến thời điểm này, sau gần 1 năm, vẫn chưa đi đến thống nhất về việc đền bù cho người dân.

Trước thực trạng trên, mới đây, UBND huyện Hướng Hóa đã đi kiểm tra, làm việc với 2 dự án nhà máy điện gió nói trên. Tại đây, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa đề nghị, Công ty Cổ phần điện gió Khe Sanh và Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị phối hợp với các địa phương xác định thiệt hại của người dân để chi trả.

Song song với việc đền bù đối với những hộ bị ảnh hưởng, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ gia cố bãi thải, trồng cây bản địa ở các khu vực đã quy hoạch để giảm xói mòn, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Dự án điện gió triển khai, người dân được gì?

“Các dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa mọc lên như nấm. Nhiều hộ dân sau nhận nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã mua sắm xe máy, xây dựng nhà cửa. Nhưng đồng bào sống phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, muốn phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững thì tư liệu sản xuất vẫn là thứ đáng giá nhất”, một cán bộ xã Tân Liên nêu quan điểm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.