| Hotline: 0983.970.780

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Bộ trưởng quyết liệt

Thứ Sáu 27/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Giải quyết nhanh chóng mọi thắc mắc, đề xuất của DN, Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong cuộc họp về thu hút đầu tư vào nông nghiệp sáng 26/3 tại Hà Nội, đã rất quyết liệt trong việc này.

Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong giai đoạn phát triển mới nền kinh tế cũng như riêng ngành nông nghiệp, bên cạnh vai trò điều hành Chính phủ, vai trò chủ lực của người SX, cần phải có sự đồng hành quyết định của DN.

img-7409151245272
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại cuộc họp

“DN là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, và cũng chỉ có chủ thể này mới hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Đó là: Các DN có nguồn vốn lớn có thể tăng cường đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả; DN nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế; DN có tiềm lực ứng dụng KHCN, đặc biệt là công nghệ cao vào SX và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản”, Bộ trưởng khẳng định.

Đề dẫn cuộc họp trên, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT cho rằng, Việt Nam nên là mảnh vườn, góc bếp của thế giới. Và đây cũng chính là nội lực bản sắc của Việt Nam.

 Việc chúng ta tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng chính là chúng ta đang tạo cơ hội cho toàn bộ nền kinh tế có những động lực mới, năng suất, hiệu quả hơn.

Và trong thời gian qua, cũng rất vui mừng nhận thấy, hàng loạt những DN lớn đi tiên phong đầu tư vào ngành nông nghiệp như: Tập đoàn Minh Phú, Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Cty Phân bón Bình Điền, TH Truemilk, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hòa Phát... đều nhất trí rằng, với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị XK cao như gạo, tôm, cá tra, cá basa, DN và sản phẩm nông nghiệp Việt đã phần nào định vị được vị trí của mình trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Tuy nhiên, cái khó mà các DN Việt gặp phải vẫn là một chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi hay cụ thể là vẫn cần một chuỗi liên kết đủ mạnh để cạnh tranh với các cường quốc nông nghiệp khác trên thế giới.

Còn trong chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, các tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup, FPT... đều hết sức lạc quan khi cho rằng, họ sẵn sàng tham gia đầu tư vào nông nghiệp với đúng sở trường, tiềm lực của mình.

Điều quan trọng ở đây là Chính phủ và các bộ ban ngành cần thống nhất nhận thức, nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam và đầu tư vào nông nghiệp đang là xu hướng chung của thế giới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng, ông rất vui mừng khi các DN, đặc biệt là 17 DN lớn, hào hứng tham gia cuộc họp hôm nay. “Cuộc họp hôm nay giữa Bộ với DN là cầu nối thực thi chính sách, chia sẻ thông tin, hợp tác trên các lĩnh vực tài chính, công nghệ. Qua đây sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả, tạo làn sóng đầu tư vào nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Giải quyết tại chỗ những khúc mắc

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, thời gian gần đây, khách hàng thường đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn của các sản phẩm thủy sản nói chung, tôm chế biến nói riêng.

Tuy nhiên, họ lại không trả tiền cao hơn cho các sản phẩm này. Đây là cái khó, sự bất công bằng trong thị trường mà các DN chế biến như Minh Phú và nông dân buộc phải chấp nhận.


Nông nghiệp đang là lĩnh vực được nhiều DN quan tâm đầu tư

“Người dân không được hưởng lợi từ việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, ASC…, và đương nhiên họ không muốn áp dụng. Như thế, các cơ quan quản lý Nhà nước buộc phải dùng mệnh lệnh hành chính để bắt họ thực hiện. Từ đó nảy sinh bất cập”, ông Quang phân tích.

Theo vị này, phải có chuỗi giá trị thủy sản để mọi thành viên, từ DN, nông dân, hay khách hàng tham gia vào chuỗi đều được hưởng lợi mới phát triển bền vững được.

“Khát vọng cháy bỏng của DN Việt Nam là muốn đầu tư đóng góp cho ngành nông nghiệp, cho đất nước và tiềm năng là rất lớn. Minh chứng là nông sản Việt Nam đã được định danh trên bản đồ thế giới, công đầu thuộc về các DN. Về phía Bộ, chúng tôi cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp để thu hút DN.
Lâu nay chúng ta đã có nhiều biện pháp giúp nông dân, và nông dân ta rất giỏi. Tuy nhiên, họ vẫn khó khăn, vì chưa làm tốt khâu thương mại, chưa theo kịp với thế giới nên lợi ích thu được chưa tương xứng. Chúng tôi hết sức mong muốn khối DN trước hết là thúc đẩy khâu chế biến, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, để tăng giá trị nông sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Với Minh Phú, tập đoàn này thành lập Viện nghiên cứu Kkhoa học và ứng dụng, đồng thời xây dựng quy chuẩn nuôi tôm năng suất cao và an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, DN hướng dẫn người dân cách nuôi tôm thành công, nếu thất bại, DN phải chịu trách nhiệm bồi thường.

“Năm 2014, kim ngạch XK của Minh Phú đạt gần 750 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch XK tôm của cả nước. Với mục tiêu 2,2 tỷ USD kim ngạch XK năm 2020 và 3,5 tỷ USD năm 2025, Minh Phú cần mở rộng đầu tư ra các tỉnh, đặc biệt là miền Bắc. Tuy nhiên, giấy phép và mặt bằng nuôi thủy sản vẫn là những vấn đề khó mà một mình DN chưa thể giải quyết ngay được”, ông Quang đặt vấn đề.

Trả lời ngay thắc mắc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, về phía Bộ NN-PTNT, rất hoan ngênh sáng kiến của Tập đoàn Minh Phú về xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy sản thống nhất quy trình kỹ thuật với Minh Phú theo tiêu chuẩn chung.

“Tổng cục sẽ cùng với DN tổ chức nhân rộng, sử dụng quỹ khuyến ngư để thực hiện các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, nếu có thể, Bộ sẽ sử dụng ngân sách góp vốn với Minh Phú cùng nghiên cứu, chọn tạo giống và xử lý dịch bệnh trên tôm”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng mong muốn Minh Phú đứng ra vận động thành lập liên minh tôm, trước mắt là trong nước và khối ASEAN, đồng thời ủng hộ việc bảo hiểm nông nghiệp, nhất là thủy sản.

Ở lĩnh vực trồng trọt, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, rất nhiều DN mong muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không biết đầu tư vào đâu, chính sách ưu đãi thế nào… Ngoài ra, việc thuê đất xây dựng nhà máy, khu nuôi trồng thực nghiệm… cũng hết sức gian nan đối với DN.

 “Cty chúng tôi làm một nhà máy diện tích 1,2 ha mà phải đàm phán với 27 hộ dân, 3 năm trời mới xong. Đáng lẽ nhà máy hoạt động được ngay sau 1 năm xây dựng thì hiện chúng tôi phải mất 5 năm”, ông Báo than thở.

Ông Báo cũng đề xuất, nên khẩn trương xây dựng cơ chế để các viện nghiên cứu kết hợp được với DN cho ra những giống cây trồng chất lượng tốt, năng suất cao.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát quyết đáp: “Vụ KH- CN và MT của Bộ sẽ phối hợp với các viện thuộc Bộ bàn bạc để cho ra cơ chế hợp tác với DN. Ngân sách sẽ đầu tư cùng với DN nghiên cứu giống, thậm chí nâng cao nguồn nhân lực của DN”.

Về thủ tục giải phóng mặt bằng, thuê đất phục vụ đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ làm việc với các địa phương về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

Tại cuộc họp, rất nhiều ý kiến hoan nghênh Bộ NN-PTNT tổ chức đối thoại chính sách, đồng thời kiến nghị nhiều bất cập trong thực tế. Những ý kiến đó đã được Bộ trưởng ghi nhận, đồng thời giải quyết triệt để trên cơ sở quy định của pháp luật.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.