Cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, vùng đất trung du được mệnh danh là “thủ phủ cây ăn quả” của tỉnh Bình Định. Việc tổ chức Ngày hội nông sản nhằm tạo điều kiện để nông dân và các HTX trên địa bàn xây dựng mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Đây cũng là cơ hội tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ tích cực cho việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Cũng theo ông Tín, để chuẩn bị cho Ngày hội nông sản Hoài Ân lần thứ I - 2022, Hoài Ân xây dựng 17 quầy trưng bày nông sản của các địa phương, HTX trên địa bàn và các đơn vị liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, các nhóm nông sản trong lĩnh vực trồng trọt như bưởi da xanh, bơ, cam, quýt, mít Thái, dừa xiêm, tiêu hột; nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm thịt heo, gà thả vườn, chim trĩ hoặc nhóm đặc sản địa phương như nem chả, trà nụ hoa hòe, trà Gò Loi sẽ được trưng bày. Ngày hội còn tổ chức cho nông dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất thông qua việc tham quan mô hình tiêu biểu. Trong khuôn khổ Ngày hội, Hoài Ân sẽ tổ chức công bố quyết định công nhận các nhãn hiệu cho nông sản đặc trưng của địa phương.
“Tham gia Ngày hội, HTX Công nghệ cao La’farm Ân Phong chúng tôi trưng bày 2 sản phẩm dưa lưới và dưa lê. Các sản phẩm dưa của chúng tôi có đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Thông qua Ngày hội, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm các đối tác để đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX Công nghệ cao La’farm Ân Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân cho biết: “Ngày hội chú trọng vào việc tổ chức cho nông dân học tập các mô hình sản xuất; giao lưu, kết nối, ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngày hội là một phần trong kế hoạch đưa nông sản chủ lực Hoài Ân vươn xa, do vậy, thông qua Ngày hội, huyện kỳ vọng sẽ tìm kiếm được các nhà đầu tư tiềm năng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp”.
Dân rủng rỉnh tiền nhờ chuyển đổi sang cây ăn quả
Chỉ qua 6 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ xác định đúng hướng, cách làm phù hợp, huyện Hoài Ân đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bây giờ, những nông sản mang thương hiệu Hoài Ân như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, tiêu hột, trà Gò Loi, heo thịt, gà ta thả vườn… đã vươn xa khắp đất nước.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, nhờ thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 1.653 ha, tập trung tại các xã: Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và Thị trấn Tăng Bạt Hổ. Nhiều khu vườn trồng thâm canh bưởi da xanh, dừa xiêm, cam đường, tuy mới bắt đầu chu kỳ khai thác nhưng có mức lợi nhuận hằng năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Hoài Ân cũng đã tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất; rà soát, vận động người dân phá bỏ cây keo trồng trên đất nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, cam, quýt đường, bơ sáp, mít Thái… Song song đó, Hoài Ân đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình thâm canh gắn với bao tiêu sản phẩm theo liên kết chuỗi. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, những khu vườn tạp trước đây không cho hiệu quả nay đã cho nông dân rủng rỉnh tiền, nhiều gia đình từng nghèo khó nay đã thoát nghèo, nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú.
Đến nay, Hoài Ân đã có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm. Ngoài ra, thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hoài Ân đã có 14 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định cấp chứng nhận OCOP. Trong đó, có 13 sản phẩm xếp hạng 3 sao, 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Những sản phẩm tiêu biểu có thể kể tới như: Nhang trầm hương, bưởi da xanh, chè Gò Loi, chè nụ hoa hòe, gạo sản xuất theo hướng hữu cơ, bún gạo khô, mật ong dú, nem chả Ngọc Liễu...
“Hoài Ân đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như: Heo nuôi, gà ta thả vườn, mít Thái, tiêu hột. Đồng thời, đăng ký 28 sản phẩm nông nghiệp ở địa phương để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.
“Tham gia Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân, chúng tôi sẽ ký hợp tác với UBND tỉnh Bình Định trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó tập trung vào 2 nội dung là xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Trong đó, Hoài Ân là huyện mở đầu cho chương trình hợp tác này.
Trong Ngày hội nông sản, chúng tôi sẽ tiến hành ký kết với Hoài Ân về việc phát triển vùng trồng cây ăn quả với diện tích dự kiến là 5.500 ha. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ về hợp tác sản xuất giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật trong ngành nông nghiệp, đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành nông nghiệp”, ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi (Bến Tre) cho hay.