| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ cây có múi lao đao vì giống rởm

Thứ Năm 10/05/2018 , 13:05 (GMT+7)

Tại Nghệ An, chưa bao giờ diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây cam lại phát triển “nóng” như hiện nay. 

Vấn đề đáng báo động là, các cơ sở sản xuất cây giống không được quản lý chặt chẽ đã và đang để lại những hệ lụy khôn lường.
 

Nông dân “chuộng” giống trôi nổi

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An, hiện chỉ có một số đơn vị sản xuất giống cây ăn quả đã đăng ký như Trung tâm Giống Cây ăn quả Phủ Quỳ, Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2, Cty TNHH MTV 1/5, Nông trường 19/5, Cty Nafoods Nghệ An. Mới đây, TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã hợp tác với 1 đơn vị nữa để xây dựng cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là cây có múi đạt chất lượng cao.

07-47-20_nguoi_dn_vung_trong_cm_nghe_n_khong_kiem_sot_duoc_dich_benh_khi_tu_uom_cy_giong
Người trồng cam Nghệ An không kiểm soát được dịch bệnh khi tự ươm cây giống

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An, quy mô sản xuất cây giống của các đơn vị này hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu thị trường của nông dân Nghệ An. Nhưng một thực tế là, giá cây giống ở những đơn vị này xuất ra thị trường thường khá cao do phải qua các bước kiểm định chất lượng. Trong khi đó, có hàng trăm cơ sở sản xuất giống cây ăn quả bên ngoài, chi phí sản xuất thấp, họ sẵn sàng bán với “mềm” nhưng vẫn có lãi.

Chưa kể, không ít hộ dân bỏ tiền mua nguồn giống cây ăn quả được nhập về từ các tỉnh khác. Nguồn giống này giá thành thấp nhưng trôi nổi, không rõ lai lịch, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không đảm bảo. Hậu quả là không ít nhà vườn “ôm hận”, phải chặt bỏ khi cây mới bước qua thời kỳ kiến thiết cơ bản.

“Một số cán bộ nông, lâm trường nghỉ hưu, họ có kiến thức về tạo giống cây ăn quả nhưng nguyên liệu đầu vào để sản xuất không đảm bảo. Chưa kể, một số hộ còn tự làm cây giống nhưng không kiểm soát được dịch bệnh. Đáng lo nhất là các nhà vườn mua giống trôi nổi với giá rẻ. Khi phát hiện ra bệnh trên cây trồng thì đã muộn, phải chặt bỏ. Còn nếu vẫn duy trì thì năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, hiệu quả kinh tế thấp”.

Một thực tế là, diện tích cam nói riêng và cây ăn quả nói chung trên địa bàn Nghệ An bị thoái hóa đang có xu hướng tăng. Không chỉ diện tích cam đã hết chu kỳ kinh doanh mà cả những vườn cam đang thời kỳ kinh doanh hoặc kiến thiết cơ bản cũng bị thoái hóa.

07-47-20_co_so_che_bien_chu_dp_ung_nhu_cu_khien_nguoi_trong_cq_o_nghe_n_do_khoc_do_cuoi
Cơ sở chế biến chưa đáp ứng nhu cầu khiến người trồng cây ăn quả dở khóc dở cười

Theo thông tin từ Cty TNHH MTV Xuân Thành và Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2, hai đơn vị này hiện có trên 1.000ha cam bị thoái hóa. Trong đó có hơn 1/2 là diện tích cam đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Hầu hết diện tích cam này đều do người dân tự nhân giống hoặc mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nghệ An chưa kiểm soát được phần lớn chất lượng nguồn gốc cây cam giống của các tổ chức, cá nhân SX, KD. Hầu hết giống cây bán ra không được dán nhãn hàng hóa để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Việc trà trộn giống kém chất lượng vào giống tốt nên rất khó phân biệt. Công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng cây giống cam còn làm chiếu lệ.

Theo Phòng Trồng trọt (Chi cục TT-BVTV) thì Nghệ An có 12 loại cây ăn trái chính nhưng cây có múi vẫn là chủ lực. Thực trạng người dân “ưa chuộng” giống kém chất lượng, giá rẻ đang khiến nhiều nhà vườn dở khóc dở cười. “Qua khảo sát sơ bộ, hiện có khoảng 600 ha cam cần chặt bỏ vì sâu bệnh, thoái hóa sớm, năng suất thấp. Các huyện, thị đang thống kê nhưng diện tích cam thoái hóa sớm có thể lớn hơn nữa, nên số cần chặt bỏ chưa dừng lại ở đó”, ông Cao Đăng Tâm, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục TT-BVTV) cho biết.
 

Phát triển “nóng”

Nếu như các loại cây ăn trái khác ở Nghệ An đang chạm ngưỡng quy hoạch và đi đúng lộ trình thì cây cam lại đang có tốc độ gia tăng chóng mặt. Hiện nay, cam đang là cây ăn quả chủ lực ở Nghệ An, chiếm khoảng 50% diện tích cây ăn qủa, đem lại cho người trồng nguồn lợi nhuận lớn. Nhưng cũng chính cây cam cũng khiến địa phương này nguy cơ “vỡ trận” vì phát triển “nóng” trong những năm gần đây.

Theo quy hoạch, đến 2020 Nghệ An sẽ có 5.150ha cam và đến 2030 là 6.440ha. Tuy nhiên, chỉ đến hết năm 2017, Nghệ An đã có 5.589ha cam, vượt quy hoạch đến năm 2020 là 439ha và chỉ còn 851ha nữa sẽ cán đích quy hoạch năm 2030. Trong khi đó, mỗi năm Nghệ An trồng mới khoảng 500 - 600ha cam. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, diện tích cam sẽ vượt quy hoạch đến năm 2030 chỉ trong 1 - 2 năm tới.

Diện tích cam tăng lên đồng nghĩa với sản lượng quả tăng. Tuy nhiên, những vườn cam kém chất lượng do chất lượng cây giống kém đã khiến “cam ngơ” chiếm tỷ lệ lớn. Có thời điểm, những nhà vườn ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… cay đắng, phải bán cam với giá chỉ 3 - 4 nghìn đồng/kg.

07-47-20_cong_tc_qun_ly_giong_cq_o_nghe_n_dng_bi_th_noi
Công tác quản lý giống cây ăn quả bị thả nổi?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây cam đang phát triển “nóng” là do địa phương có nhiều tiềm năng phát triển loại cây ăn quả này. Bên cạnh đó, giá cam ở Nghệ An thời gian qua cao khiến người dân bất chấp quy hoạch, đổ xô trồng cam. Năm 2017, khi tỉnh xây dựng thành công thương hiệu tập thể Cam Vinh thì phong trào trồng cam càng bùng phát mạnh mẽ.

Đã trở thành một vùng trồng cam lớn, có thương hiệu và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân nhưng đầu ra cho cây cam đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí có thời điểm rất khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Đức cho rằng, người trồng cam ở Nghệ An đang chạy theo cái lợi trước mắt, thiếu hẳn chiến lược lâu dài.

Nghệ An có tiềm năng sản xuất cây có múi nhưng không có tiềm năng XK trái cây do không có thương hiệu, chủ yếu tiêu thụ nội vùng. Trái cây Nghệ An chỉ ăn tươi, một phần được làm nước ép XK. Một thực tế là, đến nay Nghệ An chưa có nhiều chuỗi liên kết sản xuất cây ăn trái. Các chuỗi trồng, chế biến, tiêu thụ trái cây còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có độ đồng đều cao do công nghệ sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Nghệ An hiện chỉ có vài nhà máy chế biến nước ép hoa quả của Tập đoàn TH và Nafoods, chủ yếu chế biến nước ép hoa quả XK nhưng bản thân các đơn vị này cũng đã có vùng nguyên liệu của riêng mình, trong khi sản lượng trái cây đưa vào ép hàng năm chưa đáng kể. Riêng cây cam, trước đây có dự án Jica (Nhật Bản) đến khảo sát để xây dựng NM chế biến xuất sang Nhật nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì lại không triển khai nữa”, ông Đức cho biết.

 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.