| Hotline: 0983.970.780

'Thủ phủ' dưa hấu Gia Lai: Kỳ vọng vụ thu hoạch đầu năm

Thứ Tư 09/02/2022 , 13:45 (GMT+7)

Nông dân tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang tất bật cho vụ thu hoạch dưa hấu đầu xuân, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Anh Nguyễn Vạn tập trung chăm sóc vườn dưa để chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Anh Nguyễn Vạn tập trung chăm sóc vườn dưa để chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Trở về huyện Krông Pa ngày đầu xuân, những cánh đồng dưa hấu bạt ngàn, xanh mơn mởn như muốn níu chân du khách ghé tham quan. Theo nhiều người dân, năm nay mưa thuận gió hòa, cùng với sự đầu tư chăm sóc bài bản, “thủ phủ” dưa hấu huyện Krông Pa kỳ vọng sẽ có một mùa vụ bội thu.

Ngày Tết không về nhà

Tại huyện Krông Pa, rất nhiều nông dân chọn thời điểm xuống giống dưa hấu vào những tháng cận Tết và dự kiến cho thu hoạch vào đầu năm mới. Theo lý giải của nhiều người dân, sau Tết cửa khẩu sang Trung Quốc sẽ lưu thông nên việc xuất khẩu dưa hấu gặp thuận lợi và giá bán sẽ cao hơn.

Những ngày đầu năm mới, nhiều người dân vẫn miệt mài kiểm tra vườn dưa. Ảnh: Tuấn Anh.

Những ngày đầu năm mới, nhiều người dân vẫn miệt mài kiểm tra vườn dưa. Ảnh: Tuấn Anh.

Hơn 1 tháng nay, anh Trương Văn Hưng (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) gần như sinh hoạt và ngủ luôn ở lán trại bên cạnh ruộng dưa hấu 2ha của mình. Do khoản đầu tư lên đến vài trăm triệu nên anh Hưng phải tập trung tối đa để trông coi, chăm sóc. Thậm chí, những ngày Tết Nguyên đán rơi vào thời điểm “chọn trái” rất quan trọng nên anh Hưng ở hẳn bên ruộng dưa, không có thời gian quây quần bên gia đình khi xuân về.

Anh Hưng cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu xuống giống từ tháng 11 âm lịch, sau 2 tháng dây dưa đã vươn dài được hơn 1m và trái to bằng nắm tay. Thời điểm này phải cắt hết phần ngọn, sau đó thực hiện công việc “chọn trái”. Trung bình 1 gốc sẽ có 3 dây và mọc ra nhiều trái dưa non. Theo nguyên tắc, một gốc chỉ được chọn 2 trái dưa tốt nhất, còn lại phải cắt bỏ hết để đảm bảo đủ dinh dưỡng và trái phát triển tốt hơn”.

Cũng theo anh Hưng, trung bình 1ha trồng được 8 ngàn gốc dưa, đến khi thu hoạch mỗi gốc dưa sẽ cho khoảng 6kg. Như vậy, trung bình 1ha sẽ đạt khoảng trên 40 tấn dưa.

“Trồng dưa hấu cũng rất vất vả, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cao. Cùng với khoản đầu tư khá lớn, nếu không tập trung chăm sóc bài bản, tỷ lệ thất bại sẽ rất cao”, anh Hưng chia sẻ.

Trồng dưa tại huyện Krông Pa luôn cho năng suất cao. Ảnh: Tuấn Anh. 

Trồng dưa tại huyện Krông Pa luôn cho năng suất cao. Ảnh: Tuấn Anh. 

Đang chăm sóc ruộng dưa hấu tại xã Ia Rmok, anh Nguyễn Vạn (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) cho biết, gia đình vừa thực hiện xong việc “chọn trái” và khoảng 20 - 25 ngày nữa sẽ đến thời điểm thu hoạch. Trước đó, việc “chọn trái” diễn ra trong 3 ngày lại rơi đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán nên gia đình tranh thủ làm mâm cơm cúng đầu năm rồi lại gấp rút ra đồng.

“Năm nay, gia đình trồng 1,2ha dưa với khoản đầu tư dự kiến gần 200 triệu đồng. Chi phí lớn nên tôi gần như không về nhà mà ăn ngủ tại ruộng để trông coi, chăm sóc dưa”, anh Vạn cho biết.

Huyện Krông Pa được xem là thủ phủ trồng dưa của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1.000ha. Nơi đây có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp trồng dưa nên không chỉ người dân địa phương mà rất nhiều nông dân từ Bình Định, Phú Yên cũng lên Krông Pa thuê đất để trồng dưa.

Hồi hộp chờ thông tin cửa khẩu

Đến huyện Krông Pa những ngày này, nơi đâu cũng nghe người dân bán tán về mùa vụ dưa hấu với những câu chuyện về chi phí đầu tư, thuê nhân công, kỹ thuật chăm sóc… Đặc biệt, người dân đều hồi hộp khi ngày thu hoạch dưa đã cận kề, tất cả đều hy vọng sản phẩm làm ra sẽ tiêu thụ tốt và mang lại lợi nhuận cao.

Anh Nguyễn Vạn cho biết, thông thường, trước khi thu hoạch ít ngày, thương lái sẽ đến đặt cọc mua dưa cho người dân. Hiện tại, thương lái thông tin giá dưa khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thay vì bán theo sản lượng, nhiều người dân chấp nhận bán khoán cho thương lái theo diện tích vườn dưa. Như vậy, giá bán chắc chắn sẽ thấp hơn nhưng người dân lại khỏe hơn vì không phải lo việc thu hoạch, vận chuyển.

Nhiều hộ dân kỳ vọng dưa hấu năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân kỳ vọng dưa hấu năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, ông Huỳnh Giản (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) lại ví von việc đầu tư trồng dưa giống như chơi chứng khoán. Cụ thể, vào thời điểm thu hoạch, giá dưa lên xuống theo từng ngày, từng giờ, người dân chỉ biết nín thở dõi theo. Nguyên nhân của việc giá dưa “nhảy múa” xuất phát từ thông tin từ cửa khẩu Trung Quốc.

“Mùa vụ trước, cửa khẩu Trung Quốc đóng cửa, giá hạ xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg thậm chí thương lái cũng không đến thu mua, lúc bấy giờ nhiều người dân mất trắng. Sau đó, thông tin cửa khẩu mở cửa trở lại, giá dưa lại tăng vọt, những hộ dân nào xuống giống chậm hơn ít ngày thì lại thắng lớn”, ông Giản nói và cho biết, trồng dưa nhiều rủi ro nhưng có thời điểm được giá, lợi nhuận thu về tương đối cao nên người dân sẵn sàng đầu tư.

Ông Võ Ngọc Châu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, vụ dưa năm nay tương đối được mùa, trung bình đạt khoảng 40 - 50 tấn/ha. So với trước Tết giá dưa chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, thì hiện giá dưa đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Với giá này, người dân cũng thu lợi nhuận đáng kể.

“Hiện chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng thông thường sau Tết giá dưa sẽ cao hơn và việc tiêu thụ của người dân cũng tốt hơn. Chẳng hạn, năm ngoái cũng rơi vào thời điểm sau Tết, giá dưa thậm chí lên đến 11.000 đồng/kg”, ông Châu thông tin.

Cũng theo ông Châu, nếu vụ thu hoạch năm nay, giá dưa xuống thấp và người dân khó khăn trong tiêu thụ, huyện sẽ gấp rút báo cáo lên tỉnh để sẵn sàng có những chương trình giải cứu dưa kịp thời cho người dân.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.