Cơ hội rộng mở
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, nhất là cửa khẩu phía Bắc được kiểm soát chặt chẽ.
Cùng với đó, một số địa phương thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, kéo theo việc xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa bị ảnh hưởng, trong đó có mặt hàng thanh long.
Tuy nhiên, phía ngành nông nghiệp nhận định việc xuất khẩu thanh long những tháng cuối năm 2021 vẫn có thể đạt kết quả tốt.
Thứ nhất, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt tại Chỉ thị 26 ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời hiện nay một số địa phương tình hình dịch Covid-19 cũng cơ bản được kiểm soát nên việc vận chuyển hàng hóa cơ bản được thuận lợi hơn.
Thứ hai, các bộ, ngành Trung ương cũng đã vào cuộc hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản; kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản; mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch. Cũng như đàm phán với cơ quan liên quan giảm tỉ lệ kiểm dịch động thực vật vào thị trường Trung Quốc.
Thứ 3, hiện thanh long Bình Thuận đã được các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Qatar, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất; các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha; châu Mỹ như Canada, Mỹ; châu Đại Dương như Úc, New Zealand.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc có chung thời điểm Tết Nguyên đán, sau đó đến rằm tháng Giêng, Tết Thanh minh, thanh long là mặt hàng trái cây chính của thị trường này thời điểm đó. Vì vậy, tình hình tiêu thụ cũng như sản lượng thanh long vào cuối năm vào thị trường Trung Quốc cũng sẽ nhiều hơn.
Mặt khác, thanh long thu hoạch vào cuối năm, chúng ta cũng bước vào đón Tết Nguyên đán nên việc thanh long tiêu thụ nội địa cũng chiếm sản lượng khá nhiều.
Thứ 4, mới đây thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Điều này có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản. Cùng với đó, sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho việc xuất khẩu thanh long Bình Thuận đến các thị trường khác.
Chính vậy, sản lượng thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch có thể sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2021 cũng như thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 33.750 ha thanh long, với sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu thanh long Bình Thuận được bền vững, tỉnh xác định trước hết sản xuất phải đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng truy xuất nguồn gốc và phải tổ chức sản xuất GAP, sản xuất theo hữu cơ. Vì vậy, đến nay toàn tỉnh có hơn 16.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 20.000 ha diện tích thanh long toàn tỉnh đạt chứng nhận GAP.
Lưu ý cập nhật thị trường Trung Quốc
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, dự báo trong thời gian tới, việc phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, hoa quả, đặc biệt là thanh long tươi của Bình Thuận.
Do đó, ông Tài lưu ý các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu. Cũng như các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc, để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hoá, tính toán phương án vận chuyển hàng lên cửa khẩu đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, xuất nhập hàng hóa hợp lý để tránh ùn ứ hàng nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình, những yêu cầu của thị trường xuất khẩu; chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương; liên hệ với đối tác để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…
Cũng như tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước trong thời gian tới (bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp) để kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, chuẩn bị các tài liệu giới thiệu thông tin về đơn vị mình, sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ, sản lượng và khả năng cung ứng cho đối tác bằng hình thức tập gấp, video clip hoặc brochure (là loại ấn phẩm quảng cáo duới dạng tập/cuốn sách mỏng)… và bố trí nhân sự hợp lý để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Về phía ngành công thương để hỗ trợ việc tiêu thụ thanh long, theo ông Tài, sẽ tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại theo Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh.
Trong đó hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, thông báo nội dung các chương trình xúc tiến thương mại theo chương trình của Bộ Công Thương để doanh nghiệp lựa chọn chương trình phù hợp để tham gia.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch số 3049 ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng như theo dõi tình hình, diễn biến thị trường, giá cả của mặt hàng nông sản, chủ yếu là thanh long để kịp thời tham mưu tỉnh chỉ đạo các biện pháp bình ổn thị trường, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Từ đó không để tiểu thương ép giá, ép cấp, gây thiệt hại cho người trồng, các hộ sản xuất nông sản và cũng hạn chế tình trạng “được mùa mất giá - được giá mất mùa”…
Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết, hiện tín hiệu xuất khẩu thanh long sang thị trường châu Âu và Mỹ rất khả quan. Bởi HTX đã nhận rất nhiều đơn đặt hàng sản xuất cung ứng sản phẩm từ nay đến cuối năm, nhất là tập trung vào dịp Noel, Tết Nguyên đán và lễ phục sinh.
Vì vậy, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian qua, HTX đã tập trung dưỡng cây, thực hiện chong đèn theo kiểu cuốn chiếu nhằm đảm bảo sản phẩm thu hoạch liên tục từ nay đến cuối năm.
Được biết, HTX thanh long Thuận Tiến hiện có 24 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất GAP với nông dân bên ngoài với diện tích khoảng 200 ha, để đáp ứng sản phẩm cho thị trường.
Chú trọng thị trường Trung Quốc
Mới đây, Sở Công Thương đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Hội thảo giao thương quốc tế trực tuyến kết nối 3 thị trường Việt Nam - Singapore - Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam” thông qua nền tảng Zoom.
Trên cơ sở tổng hợp danh sách các nhà thu mua, nhập khẩu, phân phối thanh long và một số nông sản khác của thị trường Trung Quốc đã tham gia kết nối tại hội thảo nêu trên, Sở Công Thương tiếp tục chuyển đến các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm thanh long và nông sản khác của tỉnh để trao đổi, đàm phán, thiết lập quan hệ đối tác, hướng tới hợp tác, ký kết hợp đồng kinh doanh.
Vì vậy, Sở Công thương đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội thanh long Bình Thuận phối hợp triển khai, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã là thành viên tiếp tục hoạt động kết nối để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long và nông sản khác của tỉnh vào thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch trong thời gian tới.
KIM SƠ