| Hotline: 0983.970.780

Thu tiền chặt hạ cây trái quy định?

Thứ Sáu 03/07/2020 , 10:58 (GMT+7)

Cây gỗ lớn trong sân Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) bị chặt hạ và phụ huynh phải đóng tiền cho nhà trường làm việc này.

Sau khi cây gỗ lớn trong sân trường bị gãy cành, Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 quyết định chặt hạ cây. Ảnh: TT.

Sau khi cây gỗ lớn trong sân trường bị gãy cành, Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 quyết định chặt hạ cây. Ảnh: TT.

Bất ngờ thông báo thu tiền chặt cây

Theo phản ánh của một số phụ huynh Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1, hội trưởng phụ huynh cũng như giáo viên chủ nhiệm của con em họ đã thông tin một số nội dung hoạt động chung của lớp, của trường dịp cuối năm học.

Song bất ngờ nhất là thông báo huy động mỗi phụ huynh ủng hộ một ngày công lao động là 50 nghìn đồng cho việc chặt hạ cây trong sân trường bị đổ.

“Tôi nhận được thông tin qua Zalo, nhà trường đã thuê máy cưa, thuê người cắt cây, thuê máy cẩu đưa đi và dọn dẹp sân trường. Đồng thời đổ bê tông khu vực gốc cây đã chặt và làm lại một số bảng biểu do cây đổ đè hỏng. Chia đầu các lớp, mỗi em đóng 50 nghìn đồng”, một phụ huynh cho biết.

Cũng theo phụ huynh của trường phản ánh, việc thu tiền chặt cây này không có hóa đơn chứng từ, và cũng không được trao đổi trong các buổi họp phụ huynh mà thực hiện theo lối áp đặt. Coi như việc đã rồi thì phải làm.

Quan sát dấu vết cũ tại sân trường và qua ảnh phụ huynh cung cấp, cây gỗ lớn bị nhà trường thuê người chặt hạ này có tuổi đời lên tới hàng chục năm, đường kính khoảng 1,6m. Đây cũng là cây to nhất ở gần chính giữa sân Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1.

Bà Nguyễn Văn Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 – xác nhận thông tin trường thuê người chặt cây do gió bão làm đổ vào ngày 22/4/2020.

“Sau khi xảy ra sự việc, trường đã cho chặt cây này và di dời đảm bảo an toàn học sinh và giáo viên khi trở lại trường” – bà Tình nói.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 đã cung cấp ảnh cây gãy đổ cho phóng viên vào thời điểm trên. Theo đó, một số cành lớn của cây cổ thụ này bị gãy toác, đè xuống ghế bê tông đặt dưới gốc cây trong sân trường. Rất may, khi sự việc xảy ra không có thiệt hại về người.

Được biết, Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 có hơn 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Và nhiều phụ huynh đều đã đóng số tiền 50 nghìn đồng này song họ không khỏi băn khoăn vì cách làm của nhà trường.

Sân trường sau khi đã được dọn dẹp, đổ bê tông. Ảnh: H.Đ

Sân trường sau khi đã được dọn dẹp, đổ bê tông. Ảnh: H.Đ

Bùi Thị Hải Vân – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng – cho biết, việc tu sửa cơ sở vật chất của nhà trường nếu xã hội hóa cũng phải làm đúng quy trình, thủ tục.

Cây gỗ lớn cho chặt… không tốn tiền?

Theo quan điểm của một số phụ huynh, họ mong muốn việc xã hội hóa một số hoạt động của nhà trường cần minh bạch, rõ ràng, nên tổ chức họp thông tin, không nên làm kiểu thông báo và “đánh úp” như vậy.

“Nhà trường làm như vậy là áp đặt bởi bất cứ khoản thu nào cũng phải được bàn bạc và thống nhất ý kiến.

Khi có kế hoạch rõ ràng và một cây gỗ lớn như vậy, nếu nhà trường đồng ý cho thợ họ lấy gỗ thì chi phí dọn dẹp, san lấp mặt bằng... sẽ không tốn một đồng tiền công”, một phụ huynh cho hay.

Một số phụ huynh khác đồng quan điểm cho rằng, “cho người ta cây, người ta đến chặt ngay. Thậm chí còn bán được lấy tiền với những cây lâu năm như thế này, thu thêm ít cũng được 5-6 triệu đồng. Cây to có thể sử dụng làm gỗ ván cốt pha, ván canh… dễ bán và không rẻ”.

Ngoài ra, một số người cảm thấy nuối tiếc khi cây gỗ lớn bị chặt hạ bởi phải mất hàng chục năm cây mới trưởng thành được. Trong khi, cành gẫy cũng đã gẫy rồi.

Trước khi Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 chặt hạ cây, và thông báo thu tiền chặt hạ cây, khắc phục mặt bằng sân trường, thì hồi tháng 5 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra sự việc cây phượng đổ đè vào một học sinh khiến em này tử vong.

Bà Bùi Thị Hải Vân – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng – cho biết, trước mùa mưa bão huyện đã chỉ đạo và có các ban ngành liên quan rà soát các cây có nguy cơ mất an toàn và việc rà soát đã thực hiện xong.

Qua rà soát các trường học đề nghị chặt 34 cây có nguy cơ mất an toàn, còn lại là tỉa cành lá. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện phụ thuộc vào tùy từng trường vì hiện nay đã tách tài khoản riêng, bà Vân thông tin.

Về việc chặt hạ những cây gỗ lớn có nguy cơ mất an toàn trong trường học, bà Vân cho rằng, "đa phần những cây đó chặt bán, thì thợ họ vào chặt cũng không mất tiền".

Còn việc nhà trường thu 50 nghìn đồng, theo bà Vân việc này phòng mới biết. Tuy nhiên, cây trong sân trường bị đổ là xảy ra từ trước khi có chỉ đạo rà soát cây trong các trường học trên địa bàn huyện trước mùa mưa bão.

Liên quan vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Lu số 1 cho biết, “về việc thu 50 nghìn đồng/học sinh đã thông báo đến phụ huynh để huy động ngày công lao động của cha mẹ các em.

Phụ huynh nào đi lao động được thì thôi còn phụ huynh nào không đi được thì hỗ trợ nhà trường thanh toán tiền công cho thợ vì khi cây đổ phải sử dụng máy móc chặt cây, múc gốc cây đi, đổ bê tông 30m2 sân trường và dọn dẹp... chứ không chỉ để chặt cây”.

Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, “nếu làm tờ trình bổ sung để xã hội hóa việc đổ bê tông sân trường thì các con sẽ không có sân chơi khi trở lại trường”.

Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận, việc một số lớp truyền đạt đến phụ huynh không đến nơi đến trốn nên họ có ý kiến. Ngoài ra, việc hạ tán các cây cao sau khi rà soát thì trường chưa thực hiện được.

Một vấn đề khác, phụ huynh phản ánh do thiếu phòng học nên có lớp học trong trường dùng phòng ăn, vừa làm phòng học và ngủ trưa nên khá mất vệ sinh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.