| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Vì sao mỏ vàng Minh Lương chưa yên?

Thứ Sáu 12/06/2020 , 09:10 (GMT+7)

Việc quản lý trật tự tại mỏ vàng lớn nhất Tây Bắc trông chờ vào doanh nghiệp. Song doanh nghiệp cũng chỉ cho bảo vệ trông coi vì giấy phép khai thác hết hạn.

Một cửa hầm được khoá kỹ càng và có bảo vệ trông 24/24 tránh người dân vào mót vàng. Ảnh: H.Đ

Một cửa hầm được khoá kỹ càng và có bảo vệ trông 24/24 tránh người dân vào mót vàng. Ảnh: H.Đ

18 bảo vệ trông không xuể

Cách đây hơn 1 tháng, Công ty cổ phần vàng Lào Cai quản lý, bảo vệ mỏ vàng Minh Lương (xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã cho dựng cổng sắt ngay đường vào khu mỏ, nhằm ngăn chặn người dân lên khu vực khai thác.

Tất cả hầu như chưa được công ty đầu tư gì nhiều, cái có thể thấy được là đường điện và một số đường đi được san gạt tạm bợ, rải đá lởm chởm. Có nhiều điểm ở đường vào đất đá từ trên đỉnh núi sạt xuống ngổn ngang vì những trận mưa rừng.

Ghi nhận của chúng tôi, tại một trong số cửa hầm được lắp cửa sắt chắc chắn và khóa kỹ càng nằm trên tuyến đường chính đi dọc mỏ, đá lở xuống theo dòng chảy ngay cạnh lán của bảo vệ trông coi.

“Ở đây phải có lán cắt cử bảo vệ thay phiên nhau ngủ ở cửa hang, không dân họ cạy cửa vào bên trong đục khoét”, người bảo vệ giải thích.

Cũng theo người này, toàn bộ khu mỏ rộng hàng chục hecta hiện có 18 bảo vệ trong coi. Mỗi tháng họ được công ty trả 6-7 triệu đồng còn việc ăn uống do những bảo vệ tự cung tự cấp bằng cách trồng rau nuôi gà. Cứ mỗi tháng, họ được về nhà một lần.

Trước đây, tình trạng bà con địa phương lên mỏ bòn, mót vàng ở khu vực mỏ khá phổ biến, nên ngoài việc xây cổng thì các bảo vệ được phân chia trực ở 3 chốt gác để trông coi toàn bộ diện tích mỏ. Song họ cũng chỉ đủ sức quản lý, bảo vệ được khu vực chính còn các khu vực phụ là rất khó, không thể quản lý nổi.

Một bảo vệ cho hay, 18 người trông coi cả diện tích tới hàng chục hecta nên còn có những nhức nhối mà bảo vệ cũng phải “bó tay”.

Cũng theo người này, “chúng tôi làm bảo vệ thường xuyên đi tuần và gặp phải các đối tượng dọa dẫm liên tục. Chuyện bị chặt dây diện, đường nước để anh em không có nước sinh hoạt là thường tình. Đêm hôm còn bị ném đá vào chốt của bảo vệ”.

Quang cảnh một phần khu mỏ vàng do Công ty cổ phần vàng Lào Cai quản lý. Ảnh: H.Đ

Quang cảnh một phần khu mỏ vàng do Công ty cổ phần vàng Lào Cai quản lý. Ảnh: H.Đ

Xóa các điểm nghiền quặng vàng

Việc khai thác thổ phỉ, trái phép tại mỏ vàng Minh Lương đã qua thời hoàng kim. Khi đó những hầm thổ phỉ mà người ta có thể quan sát thấy bằng mắt thường qua những điểm lỗ chỗ trên đỉnh núi và những ánh đèn sáng rực khi màn đêm buông xuống.

Thế nhưng việc người dân đi bòn, mót vàng quanh khu vực này vẫn tái diễn. Lên mỏ, ngày may mắn họ có thể kiếm thêm 50-100 nghìn đồng. Minh Lương từng là thủ phủ của dân khai thác vàng trái phép trong nhiều năm, nên với người dân ở đây họ quá quen với việc khai thác thủ công. Chỉ cần một cái đục, một chiếc búa, và bao tải khoác lên người là có thể lên mỏ tìm vận may.

Theo người bảo vệ, khi một người dân, hoặc một đội nhóm lên đào hang mới, sáng ra những bảo vệ phát hiện vận động họ ra về thì chiều họ lại mò vào và cứ nhiều lần như thế không giải quyết được triệt để. Còn nếu có giấy phép thì công ty phối hợp với chính quyền sẵn sàng mang mìn vào đánh sập hang thổ phỉ này để người dân không còn mò lên mỏ nữa.

Bên trong một hầm khai thác tại mỏ vàng Minh Lương. Ảnh: H.Đ.

Bên trong một hầm khai thác tại mỏ vàng Minh Lương. Ảnh: H.Đ.

Theo người này, khi bảo vệ đi tuần phát hiện, thì họ nói chúng tôi vào hang phải bán máu, bán mạng vào trong này đào được tí quặng thì các anh thu. Các bảo vệ cũng chỉ có cách tuyên truyền bà con đây là tài sản quốc gia, công ty đang quản lý bảo vệ.

Gần đây, cuối năm 2019, UBND huyện Văn Bàn đã ra quân truy quét, đẩy đuổi 179 đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng Xanh, rừng Vầu của xã Minh Lương, phá hủy 71 lều lán trại, 21 lán nghiền, 13 bể ngâm ủ hóa chất, 7 máy nổ, 4 máy nghiền... 

Sau đó vài tháng (tháng 2/2020), tiếp tục một đợt truy quét khác của chính quyền địa phương để ngăn chặn hiện tượng các hộ gia đình, cá nhân hoạt động nghiền sắt quặng vàng, chiết tách, tiếp tay cho tận thu vàng trái phép. 16 hộ gia đình, cá nhân ở đây đã bị cắt điện ba pha do dùng cho máy nghiền quặng sắt, quặng vàng thay vì xay xát gạo như đã đăng ký. Thế nhưng, việc làm này dường như cũng chỉ giải quyết phần ngọn.

Một điểm nghiền quặng vàng trái phép bất ngờ hoạt động khi phóng viên có mặt. Ảnh: H.Đ

Một điểm nghiền quặng vàng trái phép bất ngờ hoạt động khi phóng viên có mặt. Ảnh: H.Đ

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Theo chính quyền địa phương, Công ty cổ phần vàng Lào Cai đã buông lỏng quản lý, dẫn đến các đối tượng tự ý xâm nhập vào khu vực mỏ để khai thác, vận chuyển quặng vàng ra ngoài khu vực mỏ để nghiền sắt, chiết tách vàng trái phép.

Mặt khác, Công ty cổ phần vàng Lào Cai đã chuyển nhượng quyền khai thác trên sàn chứng khoán cho một đơn vị ở Hà Nội. Hiện thời hạn thuê đất của công ty này đã hết hạn từ 18/1/2015 và giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản cũng không còn hiệu lực kể từ ngày 26/4/2019. Còn chủ đầu tư mới đang hoàn thiện các thủ tục về gia hạn cấp phép khai thác, thuê đất. Tuy nhiên, thời gian này công ty vẫn phải quản lý, bảo vệ khu mỏ.

Ông Hứa Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Minh Lương – cho biết, bà con nhà nông lúc nhàn rỗi, đi lọ mọ nhặt vàng là có, là sự thật để kiếm đồng ra đồng vào. 

“UBND xã tổ chức tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết, tháo máy nghiền quặng trong thôn nhằm đảm bảo vệ an ninh trật tự, không để ô nhiễm môi trường. Đề nghị cơ quan quản lý sớm cho Công ty cổ phần vàng Lào Cai đi vào hoạt động để quản lý chặt chẽ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Minh nói.

Còn theo ông Nguyễn Huy Việt - Trưởng phòng Tài Nguyên – Môi Trường huyện Văn Bàn: "Chúng tôi đã thị sát, nắm bắt tình hình, tham mưu cho huyện thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, cũng có vấn đề là trách nhiệm của công ty...".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.