Hồi tháng 12/2021, các cửa khẩu trên bộ của Việt Nam ùn tắc hàng nghìn container nông sản. Tình hình càng diễn biến khó lường từ ngày 1/1/2022, khi Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 khiến nhiều doanh nghiệp trong nước bỡ ngỡ với các quy định mới.
Trao đổi tại buổi Họp báo thường kỳ Bộ Công thương ngày 30/3, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện tượng ùn tắc nông sản không phải mới. Ông lật ngược vấn đề: "Ai cũng biết lợi ích của việc xuất khẩu chính ngạch, nhưng tại sao người dân vẫn chưa chuyển hướng?"
Lãnh đạo Bộ Công thương nêu một số lý do, như nền sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún; sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nông dân và chính quyền còn một số điểm nghẽn, bất cập; các chính sách, kế hoạch đề ra có độ trễ khi đi vào cuộc sống.
Điều quan trọng nhất, theo Thứ trưởng Hải, là việc chuyển hướng từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đòi hỏi phải có lộ trình.
"Lượng tiêu thụ nội địa của Việt Nam chỉ có mức độ. Sản phẩm, hàng hóa chúng ta sản xuất ra, nếu không bán được thì sẽ mang đi đâu? Hoa quả còn ăn được, nhưng mủ cao su, hạt tiêu thì sẽ như nào?", ông Hải nói.
Trên quan điểm ấy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề ra chủ trương: Một mặt là khuyến khích doanh nghiệp, người dân xuất khẩu theo chính ngạch, nhưng một mặt vẫn phải tập trung tháo gỡ lập tức các khó khăn. Đây là vấn đề từ "yếu tố lịch sử, thói quen sản xuất và nhiều yếu tố phi chuyên môn", theo ông Hải.
Giải pháp trước mắt được Thứ trưởng Hải nêu, là các tỉnh biên giới của Việt Nam phải quan hệ khăng khít với các tỉnh biên giới Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại nông sản. Qua nhiều buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao phía bạn, Thứ trưởng cho biết, quyền hạn của các tỉnh Trung Quốc về vấn đề thương mại biên mậu (tiểu ngạch) khác Việt Nam.
Gần nhất, hồi giữa tháng 2/2022, TP. Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây đã thông báo với Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn về yêu cầu bao bì hàng khô phải được bọc màng ni lông, tránh virus xâm nhập.
Trong tháng 3 và Quý I/2022, Việt Nam tăng trưởng nhiều mặt hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản Quý I ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm: cà phê tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch; hạt tiêu giảm 11,5% về lượng nhưng tăng 40,8% về kim ngạch; gạo tăng 24% về lượng và 10,5% về kim ngạch.
Điểm nổi bật nhất là xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 900 triệu USD, tăng 41% so với tháng 2/2022 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong Quý I/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
"Tăng trưởng về xuất khẩu chứng tỏ chúng ta làm chính ngạch rất tốt", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Một xu hướng nữa, Thứ trưởng Hải lưu ý doanh nghiệp và người dân là sự phát triển của thương mại điện tử. Thời gian qua, Bộ Công thương đã làm việc với nhiều tập đoàn lớn như Amazon, Alibaba, với mục tiêu đưa nông sản Việt lên các "chợ ảo" này.
"Amazon có tới 300 triệu khách hàng. Nếu đưa được sản phẩm lên đây, giá trị thu lại không thể đo đếm dù chi phí đầu tư ban đầu không đáng kể", ông Hải chia sẻ.
Trong Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2022, Bộ Công thương chỉ rõ, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hàng hóa ước đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Riêng nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 19,7% - cao hơn mức bình quân.
"Một số mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, thủy sản đạt mức tăng trưởng rất cao trong Quý I/2022. Điều này chứng tỏ nhóm hàng này có dư địa lớn", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết.
Ông Trần Thanh Hải cam kết, thời gian tới Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ NN-PTNT để tăng số lượng trái cây xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường; phối hợp Bộ Giao thông vận tải để đa dạng hóa phương thức vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không.
Về phía Bộ Công thương, đơn vị sẽ huy động hệ thống Thương vụ tại các nước để biên soạn cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.