Tạm dừng thông quan 1 ngày
“Xe container của Trung Quốc gặp sự cố trong hầm đường bộ. Từ sáng đến giờ chưa giải quyết xong. Việc này dẫn đến xe hàng của Việt Nam cả ngày nay không sang được”, một nguồn tin của Nông nghiệp Việt Nam tại UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết chiều 30/3.
Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, hàng trăm xe container của Việt Nam xếp hàng chờ. Nhiều lái xe khi trả lời phỏng vấn tỏ ra khá bình tĩnh, bởi theo kinh nghiệm của họ, việc này là sự cố giao thông, nên không nghiêm trọng. Theo đó, nếu phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19, Trung Quốc sẽ đóng biên khoảng vài ngày để phun khử khuẩn, truy vết.
Trong khi đó, tại ga Đồng Đăng, ước tính 3 tháng đầu năm, có khoảng 110.000 tấn hàng đã được xuất sang Trung Quốc. Số lượng hàng nhập vào Việt Nam là hơn 200.000 tấn. Lãnh đạo ga Đồng Đăng cho biết việc xuất khẩu hàng hóa, gồm cả nông sản, có “tăng nhẹ” so với cùng kỳ năm ngoái.
“Từ giữa năm 2021 đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc đi qua cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng tăng trưởng. Năm 2021 tăng trưởng 84% so với năm 2020. Hai tháng đầu năm 2022, sản lượng khoảng 150.000 tấn, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2021. Xu hướng thời gian tới tiếp tục tăng cao”, đại diện ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết.
Hiện nay, giữa ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường (Trung Quốc) chạy khoảng 5 đôi tàu/ngày. Còn theo Nghị định thư đường sắt giữa hai nước, hàng ngày được phép chạy 6 đôi và vẫn còn dư địa để tăng số tàu.
“Khó khăn hiện tại là hệ thống đường sá, kho bãi đã xuống cấp, không thể đáp ứng nhu cầu liên vận. Nếu cải thiện được kho, hệ thống bốc xếp, đường sá, lượng nông sản xuất khẩu qua đường sắt chắc chắn tăng, góp phần ‘hạ nhiệt’ cho đường bộ”, lãnh đạo ga Đồng Đăng cho biết.
Cùng chung quan điểm với ga Đồng Đăng, đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng thời gian qua tăng trưởng tốt. Hiện, ngoài một số mặt hàng chính xuất đi Trung Quốc, châu Âu là quặng, điện tử, dệt may, nội thất còn có thêm các mặt khác như tinh bột sắn, than (than ép từ đốt xơ dừa)... và một số mặt hàng quá cảnh từ Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, năng lực bãi hàng, đường ga hiện chưa đáp ứng được.
Do đó, thời gian tới cần có phương án nâng cấp kho bãi, nhất là các kho bãi đủ điều kiện để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu như bãi container, làm thủ tục hải quan. Trước mắt là đối với một số ga trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng như Yên Viên, Kép, Đồng Đăng. Về lâu dài, cần nâng cấp các ga đủ điều kiện tại miền Trung, miền Nam để làm ga đầu mối, lập tàu liên vận quốc tế.
Cửa khẩu Hữu Nghị thông quan “nhỏ giọt”
Theo thông tin từ cơ quan chức năng Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hiện nay chủ yếu chỉ còn diễn ra tại cửa khẩu Tân Thanh, ở cửa khẩu Hữu Nghị chỉ có hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu rất nhỏ giọt, có ngày không có xe nào xuất sang Trung Quốc.
Cụ thể, trong ngày 29/3, toàn tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu được 89 xe container, hoàn toàn ở cửa khẩu Tân Thanh, ở cửa khẩu Hữu Nghị ngoài không xuất khẩu được thì cũng không có xe từ nội địa lên chờ xuất hàng. Trong số 89 xe hàng xuất khẩu này 83 xe hoa quả và 6 xe hàng loại khác. Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu của ngày 29/3 là 78 xe, 64 xe ở cửa khẩu Tân Thanh và 14 xe ở cửa khẩu Hữu Nghị.
Trước đó, ngày 28/3, tại cửa khẩu Hữu Nghị xuất khẩu được 2 xe linh kiện điện tử (thực hiện gắp container sang moóc của Trung Quốc tại bãi của Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương). Tuy nhiên, trong ngày này có 12 xe mít, thanh long, mặt hàng khác phải quay đầu từ Hữu Nghị đi cửa khẩu khác.
Theo Sở Thông tin Truyền thông Lạng Sơn, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến 20h ngày 29/3 là 1.380 xe, trong đó có 1.062 xe hoa quả, 318 xe hàng khác. Hiện nay, khả năng thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh đã được nâng lên đáng kể sau khi áp dụng hình thức “cắt container” trong xuất nhập khẩu. Cụ thể, số lượng xe hàng xuất khẩu trước đây chỉ xấp xỉ 30 xe/ngày thì hiện nay ổn định ở mức trên 80 xe/ngày, chưa kể có ngày đạt và vượt 100 xe.
Cửa khẩu số mang lại tín hiệu tích cực
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, việc kê khai thông tin trên ứng dụng cửa khẩu số bước đầu mang lại hiệu quả tích cực khi các doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào phần mềm, rồi thực hiện khai báo trực tuyến, sau khi khai báo thành công, tất cả thông tin đều được các lực lượng cập nhật, thời gian khai báo chỉ mất khoảng 1-2 phút.
Điều này giúp giảm bớt thời gian đi lại, cũng như thời gian khai báo thông tin về hàng hóa. Từ ngày 21/2 đến nay, đã có hơn 6.000 xe chở hàng hóa XNK thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh được các doanh nghiệp kê khai trực tuyến trên ứng dụng cửa khẩu số.
Bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Cửa khẩu số được triển khai thí điểm đầu tiên tại Việt Nam nên không thể tránh khỏi việc phát sinh một số vướng mắc nhất định. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới hệ thống nền tảng cửa khẩu số cũng cần cải tiến hơn nữa về mặt chất lượng, tốc độ đường truyền, cũng như các tính năng, công dụng để đảm bảo việc thao tác dễ dàng, tìm kiếm hay đưa ra các báo cáo để trên cơ sở đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đánh giá, phân tích và đưa ra quyết định quản lý cho phù hợp”.
Ý kiến của bà Hồng được đưa ra sau khi có phản ánh của một số doanh nghiệp về việc có thời điểm bị nghẽn mạng cục bộ; đường truyền Internet, mạng wifi tại khu vực cửa khẩu còn yếu khiến việc đăng nhập khó khăn. Một số tính năng của nền tảng cửa khẩu số khi đi vào hoạt động thực tế bị quá tải dẫn đến lỗi hệ thống. Vài doanh nghiệp gặp vướng mắc về quy trình, cách sử dụng.
Ngành Bưu chính Viễn thông Lạng Sơn đã nâng cấp, mở rộng băng thông, đường truyền Internet tăng tốc độ truy nhập tối đa cho các tài khoản sử dụng nền tảng cửa khẩu số, đáp ứng được số lượng lớn tài khoản cùng thực hiện kê khai.
Sở Thông tin và Truyền hông tỉnh Lạng Sơn cũng thiết lập nhóm zalo liên ngành (gồm các ngành, đơn vị liên quan) để trao đổi, thống nhất, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.