| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 21/05/2020 , 05:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:30 - 21/05/2020

Thủ tục đặc biệt và lợi ích của nghi điểm

Chứng cứ là cơ sở quan trọng nhất để phán quyết. Nguyên tắc chung mà luật pháp quốc tế luôn tuân thủ là mọi lợi ích của nghi điểm đều thuộc về bị cáo.

Sau phiên tòa giám đốc thẩm giữ nguyên phán quyết tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải, đã tạo ra những phản ứng khác nhau trong xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa có báo cáo gửi Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ “tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng”.

Thủ tục đặc biệt mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao áp dụng, đã dựa theo Điều 404 Bộ luật Hình sự “Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”. Đây là một động thái cần thiết, để những người quan tâm đến sự hoàn thiện của pháp luật Việt Nam được dịp trăn trở và suy ngẫm một cách tích cực.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục khẳng định những nghi điểm trong vụ án Bưu cục Cầu Voi, như: Việc mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải thể hiện Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm nhân chứng Thường đến gọi điện thoại, nội dung này rất quan trọng nên phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại.

Chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải là hung thủ không, nên cần phải hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi).

Chưa làm rõ cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân, về con dao mà bị cáo mô tả có khả năng gây ra vết thương đó không.

Chưa làm rõ được động cơ gây án của đối tượng vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay...

Mỗi vụ án liên quan đến mạng người đều không thể sơ sài và cẩu thả, mà phải đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng cả pháp y lẫn pháp chứng.

Đối với hiện trường vụ án, Định luật Lucas được xem như lý luận nền tảng cho công tác điều tra, nêu rõ: Chỉ cần hung thủ đi qua, ắt sẽ để lại dấu vết. Chỉ cần hung thủ gây án, nhất định sẽ để lại chứng cứ vạch tội. Vậy, tại sao vụ án Bưu cục Cầu Voi lại chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo?

Chứng cứ là cơ sở quan trọng nhất để phán quyết cuối cùng. Chứng cứ phải bảo đảm tuyệt đối sự chính xác và sự minh bạch, thì mới được xem là bằng chứng thép.

Nếu chứng cứ đã bị tiếp xúc bởi nhiều đối tượng khác nhau, có thể dẫn đến sự sai lệch hoặc thiên vị khi đánh giá, thì chứng cứ ấy cũng vô hiệu.

Vì vậy, nguyên tắc chung mà luật pháp quốc tế luôn tuân thủ là mọi lợi ích của nghi điểm đều thuộc về bị cáo.