Thủ tướng đồng ý chủ trương của Bộ Công thương về phương án, số lượng xuất khẩu gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn, đã tác động tích cực đến thị trường lúa, gạo.
Địa phương phấn khởi
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, Thủ tướng giao các cơ quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và đề xuất Thủ tướng phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 trước ngày 25/4. Đồng thời, xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, kể cả đến hết năm 2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 25/4.
Nhận được thông tin, Chính phủ đã đồng ý chính thức cho xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo trong tháng 4, các DN và nông dân ở khu vực ĐBSCL hết sức vui mừng và phấn khởi.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, hàng năm toàn tỉnh gieo sạ hơn 115.000ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm.
Đến nay, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo, nếp tỉnh An Giang đạt 109.546 tấn lúa gạo và 151.650 tấn nếp. Quy đổi sang gạo, nếp đạt 206.423 tấn. Còn lúa gạo đến hết tháng 4, toàn tỉnh có khoảng 48.475 tấn gạo chưa giao theo hợp đồng đã ký của 16 doanh nghiệp, tương đương với 23,6 triệu USD (giá xuất 487 USD/tấn).
Như hiện nay, Chính phủ cho phép xuất khẩu lúa gạo trở lại, vì vậy An Giang chỉ đạo Sở NN-PTNT và Sở Công thương tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên địa bàn đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo theo các đơn hàng đã thỏa thuận trước đây. UBND tỉnh An Giang cũng cho biết thêm, năm 2020 dự kiến toàn tỉnh sản xuất khoảng 4 triệu tấn lúa, quy ra khoảng 2 triệu tấn gạo.
Khi có thông tin chính thức cho xuất khẩu lúa gạo trở lại, trên các con sông, rạch ở An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Sóc Trăng các ghe lúa của thương lái chạy dập dìu trên sông. Còn trên bờ các “cò lúa” cũng chạy xe đến các vùng còn lúa để liên hệ hợp đồng với nông dân khoảng vài chục ha lúa ĐX cuối vụ. Nếu giá thỏa thuận xong thì cho thương lái vào thu mua.
Anh Trần Văn Nhã, thương lái thu mua lúa gạo ở TP Cần Thơ cho biết, giới thương lái vui mừng, nhưng người vui nhất là nông dân. Hiện nay giá lúa ĐX muộn được thương lái mua tại đồng đã tăng 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước.
Cụ thể, lúa OM 50404 tươi tại ruộng 5.100 - 5.200 đồng/kg, Đài Thơm 8 là 5.900 - 6.000 đồng/kg, OM 5451 là 5.700 - 5.800 đồng/kg, OM 18 là 5.900 - 6.000 đồng/kg, RVT 7.000 - 7.300 đồng/kg, Jasmine 5.900 - 6.000 đồng/kg, OM 6976 là 5.500 - 5.600 đồng/kg…
Anh Nhã có chiếc ghe 30 tấn, từ Cần Thơ chạy xuống các tỉnh như Sóc Trăng hay Bạc Liêu mất 2 ngày là có đầy ghe lúa, cộng thêm ngày đưa lúa về nhà máy xay xát gạo bán cho doanh nghiệp là xong một chuyến.
Theo anh Nhã, chuyến mua lúa như tuần trước đây giá chưa tăng nhiều, sau khi trừ hết chi phí lãi 3 - 4 triệu đồng/chuyến. Nay gia lúa bắt đầu tăng và có thể ổn định vì vậy nên tranh thủ mua. Đây là vúa ĐX muộn, chỉ còn vài tỉnh ở ĐBSCL còn lúa. Giá lúa đang tốt, tính ra chuyến đi mua lần này có lời khoảng 7 - 9 triệu đồng là ngon lành.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thông tin Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu gạo là tín hiệu vui cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
“Đến nay, tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất vụ ĐX ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh vẫn an toàn. Lúa ĐX sớm đã thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3, tổng diện tích 16.175ha, năng suất 7,5 - 8,0 tấn/ha. Còn lại 31.608ha lúa ĐX chính vụ, dự kiến thu hoạch đến 30/4 và dứt điểm vào đầu tháng 5. Hầu như toàn bộ diện tích không bị ảnh hưởng của hạn, mặn”, ông Hải cho biết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, diện tích thiệt hại lúa ĐX của tỉnh không đáng kể, chỉ có 252ha. Đây là khu vực khuyến cáo người dân không nên sản xuất vụ lúa ĐX nhưng nông dân vẫn xuống giống và xuống giống quá trễ vụ.
Mặc dù đã điều tiết đủ nước ngọt về khu vực này từ giữa tháng 2 nhưng nông dân không bơm nước lên đồng.
Theo các hộ dân, nếu lấy nước phục vụ cho lúa đến khi thu hoạch vẫn không có lời nên người dân không bơm nước lên đồng cứu lúa.
Anh Đoàn Bạch Đằng, ngụ ấp Trung Hưng 1A, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi cho biết, vụ lúa năm nay gia đình anh gieo sạ 1ha lúa giống Đài thơm 8, năng suất đạt trên 7 tấn/ha.
Trước thời điểm thu hoạch, có thông tin ngưng xuất khẩu gạo, giá lúa giảm ngay 200 đồng/kg, gia đình rất lo vì sợ giá sẽ tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Chính thủ đã cho xuất khẩu gạo trở lại, giá lúa bắt đầu tăng mấy ngày nay. Hiện giá lúa Đài thơm 8 là 5.900 - 6.000 đồng/kg, tăng khoảng 100 - 150 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Trừ các chi phí vụ lúa năm nay gia đình có lãi gần 30 triệu đồng/ha.
Lúa, gạo đầy kho doanh nghiệp
Tại Kiên Giang, rà soát trước khi Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại theo định mức, các doanh nghiệp đang lưu trữ trong kho (vào cuối tháng 3/2020) là trên 134 ngàn tấn lúa, gạo.
Theo thông tin từ Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương Kiên Giang), hiện nay có 3 doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính trên địa bàn tỉnh và 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh có thuê kho chứa và cơ sở xay xát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tổng số lượng kho chứa lúa, gạo của các doanh nghiệp nói trên là gần 394 ngàn tấn, trong đó sức chứa lúa hơn 78 ngàn tấn và trên 315 ngàn tấn gạo.
Qua kiểm tra thực tế vào thời điểm cuối tháng 3, số lượng tồn kho của các doanh nghiệp là 134.409 tấn, trong đó gồm 6.359 tấn lúa và 128.050 tấn gạo.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến ngày 5/4, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 287.500/289.837ha lúa ĐX 2019 - 2020 đã gieo sạ, sản lượng ước đạt gần 2,071 triệu tấn. Giá lúa những ngày qua tăng nhẹ, những hộ thu hoạch trễ khá phấn khởi vì còn bao nhiêu thương lái đặt cọc bao tiêu hết đến đó.
Tại Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết, vụ ĐX 2019 - 2020, bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống trên 60.000ha, đạt 88% so với kế hoạch.
Đến nay, có khoảng 18.000ha lúa gieo sạ ngoài khuyến cáo bị thiệt hại do khô hạn. Nông dân Trà Vinh đã thu hoạch trên 23.500ha, năng suất ước đạt 5,82 tấn/ha. Còn lại khoảng trên 31.000ha đang giai đoạn chín và đòng trổ.
Còn tại Tiền Giang, Sở Công thương cho biết, hiện nguồn gạo dự trữ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 50.000 tấn. Trong đó, tại 4 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH Phước Đạt, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty CP Mỹ Tường và Công ty TNHH Việt Hưng là khoảng 40.000 tấn.
Bên cạnh đó, tại huyện Cái Bè còn có một lượng gạo lớn từ chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc với trên 70 doanh nghiệp xay xát, lau bóng gạo và trong Cụm công nghiệp An Thạnh có trên 29 doanh nghiệp có kho, với sức chứa trên 45.000 tấn.
Vụ lúa ĐX 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang đã gieo sạ trên 58.000ha. Hiện nay, bà con trong tỉnh vừa thu hoạch xong, năng suất lúa đạt khoảng 6,75 tấn/ha. Với nguồn dự trữ tại doanh nghiệp và còn trong dân, sẽ đảm bảo cung cấp đủ gạo cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, lẫn xuất khẩu.
Ông Võ Quốc Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị thu mua dự trữ đạt khoảng 14.000 tấn, bao gồm gạo thường và gạo cao cấp. Lượng dự trữ này tương đương số lượng gạo dự trữ năm 2019.
Cũng theo ông Hưng, lượng dự trữ như trên sẽ góp phần đảm bảo cùng với tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường gạo nội địa. Vì vậy, người tiêu dùng an tâm, không cần phải mua dự trữ, bởi hiện nay ngoài thị trường gạo đang rất dồi dào.