| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ĐBSCL giải ngân tốt hơn

Thứ Bảy 01/08/2020 , 17:01 (GMT+7)

Ngày 1/8, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM về giải ngân, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh TP Vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh TP Vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta, với vùng ĐBSCL. Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép…”.

Trước diễn biến tình hình kinh tế thế giới vừa qua, Thủ tướng nhận định: Các đối tác quan trọng của Việt Nam đều gặp khó khăn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng lớn. Trong bối cảnh đó, hôm nay ngày 1/8, Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, trên 85% dòng thuế được xóa bỏ. Điều này sẽ tác động tốt đến ĐBSCL, một trung tâm sản xuất lương thực, trái cây, thủy sản của Việt Nam. Thủ tướng mong muốn ĐBSCL với 20 triệu dân, có vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế cần phấn đấu quyết liệt, đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống nhân dân. 

Lãnh đạo các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ.

Lãnh đạo các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ.

Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. “Có tiền đó mà không giải ngân được thì làm sao tăng trưởng được, có tiền đó mà không có công trình, dự án, cứ lúng túng việc này việc khác thì một câu hỏi là tại sao ở ĐBSCL có tỉnh giải ngân tốt nhưng có tỉnh lại giải ngân chậm”, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không để một lượng vốn nằm như vậy mãi. Do vậy, công việc từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cả yêu cầu về chống dịch và phát triển, bảo đảm việc làm, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành nêu rõ biện pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Đồng thời các địa phương cần nêu rõ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ 2020 ở địa phương mình một cách bứt phá. Nguyên do các vướng mắc nào khiến giải ngân chậm trên địa bàn và ý chí, quyết tâm để thúc đẩy giải ngân. Các nút thắt, điểm nghẽn về môi trường kinh doanh cần tháo gỡ? Đề xuất thêm cho khu vực về cơ chế, chính sách đột phá, nhất là thủ tục đầu tư, tài chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến ĐBSCL nhiều hơn. ĐBSCL cần chuẩn bị sẵn điều kiện gì để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam cũng như cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng.

Tại hội nghị Thủ tướng chứng kiến công bố quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ.

Tại hội nghị Thủ tướng chứng kiến công bố quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hoan nghênh các địa phương đã khắc phục tốt hậu quả của hạn mặn, phòng chống COVID-19 quyết liệt, hiệu quả. Về nhiệm vụ giải pháp thời gian đến, Thủ tướng yêu cầu dù tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, phát triển, có ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn. 

Về phát triển kinh tế xã hội, cố gắng thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương. Tăng trưởng GRDP toàn vùng không thấp hơn mức trung bình cả nước. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%.

Vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2019 đạt khoảng 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 1/3 của vùng và 34,6% GDP ngành nông nghiệp của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, vùng ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước tăng 1,81%. Có 8/13 tỉnh tăng trưởng dương, trong đó, Đồng Tháp đạt 3,41%; Bạc Liêu hơn 2%; An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An tăng trưởng hơn 1%; 5/13 địa phương còn lại tăng trưởng âm.

Đến 30/6/2020 giải ngân vốn đầu tư công của 13 địa phương trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt  34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 33,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%. Riêng tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất 77,3% và đến ngày 15/7/2020 đã đạt hơn 80%, cao nhất cả nước.

                                                                                           (Theo Cổng TTĐT Chính phủ)

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.