| Hotline: 0983.970.780

Thú y và quan trắc môi trường nước quyết định thành bại nuôi trồng thủy sản

Thứ Tư 12/10/2022 , 08:06 (GMT+7)

Dịch bệnh được khống chế, diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang tăng mạnh nhờ tăng cường công tác thú y thủy sản.

Dịch bệnh thủy sản được kiểm soát tốt

Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và nuôi cá lồng bè trên biển. Công tác thú y thủy sản được tăng cường kết hợp quan trắc nguồn nước định kỳ, giúp người dân quản lý tốt dịch bệnh, giảm thiệt hại. 

Lực lượng thú y cơ sở được tỉnh Kiên Giang bố trí tại Tổ Kinh tế kỹ thuật xã, đã sát cánh đồng hành cùng với ngư dân, giúp phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh thủy sản hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng thú y cơ sở được tỉnh Kiên Giang bố trí tại Tổ Kinh tế kỹ thuật xã, đã sát cánh đồng hành cùng với ngư dân, giúp phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh thủy sản hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, đơn vị thường xuyên thực hiện thu mẫu giám sát dịch bệnh chủ động đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ (gồm tôm sú nuôi, tôm thẻ nuôi và tôm thẻ, tôm sú giống) trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, thực hiện công tác thú y thủy sản, Chi cục đã tiến hành xét nghiệm hơn 1.050 mẫu tôm giống các loại, để kiểm soát các bệnh đốm trắng, bệnh còi, hội chứng tôm chết sớm (EMS), bệnh virus gây hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) và vi bào tử trùng (EHP).

Song song đó là thực hiện việc quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, gồm quan trắc môi trường 16 điểm thủ công phục vụ nuôi tôm nước lợ và quản lý, vận hành 7 trạm quan trắc môi trường nước tự động, định kỳ hàng tháng.

Kết quả, về chất lượng nguồn nước được thông tin rộng rãi để các hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm, cua, cá... biết để kịp thời điều chỉnh khi có nhu cầu cấp, thoát nước.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang còn phối hợp với huyện An Biên, An Minh thực hiện quan trắc môi trường trên các kênh cấp nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản tại vùng triển khai các hoạt động sinh kế của Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (ICRSL).

Nhờ tăng cường công tác thú y thủy sản và quan trắc chất lượng nguồn nước, dịch bệnh được khống chế, đã giúp ngư dân phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ tăng cường công tác thú y thủy sản và quan trắc chất lượng nguồn nước, dịch bệnh được khống chế, đã giúp ngư dân phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ đó, dịch bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi thời gian qua được kiểm soát tốt. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 2.900 ha, chủ yếu là bị sốc môi trường 2.598,4 ha, còn lại dịch bệnh đốm trắng 113 ha, hoại tử gan tụy cấp 157 ha, đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp 10 ha, hoại tử  cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô 17 ha, vi bào tử trùng 5,5 ha.

Lực lượng thú y các địa phương đã cấp phát hơn 25,5 tấn hóa chất xử lý môi trường cho gần 100 hộ nuôi tôm bị bệnh để dập dịch, khống chế không để lây lan ra bên ngoài.

Diện tích và sản lượng đều tăng

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 293.000 ha nuôi trồng thủy sản, vượt kế hoạch của cả năm.

Trong đó, đối tượng nuôi chính như tôm nước lợ là trên 142.000 ha, tăng gần 5,4% so với cùng kỳ.

Các hình thức thả nuôi khá đa dạng, tôm nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp là là 3.365 ha, nuôi luân canh tôm - lúa hơn 110.000 ha, tôm nuôi quảng canh cải tiến gần 29.000 ha.

Ngoài việc tăng cường sản xuất, ương dưỡng gống thủy sản, chất lượng tôm giống cũng thường xuyên được cán bộ chuyên môn kiểm tra, đảm bảo sạch bệnh trước khi tiến hành thả nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài việc tăng cường sản xuất, ương dưỡng gống thủy sản, chất lượng tôm giống cũng thường xuyên được cán bộ chuyên môn kiểm tra, đảm bảo sạch bệnh trước khi tiến hành thả nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch trong tháng 9 ước đạt 27.285 tấn tôm, cua, cá các loại. Riêng tôm nuôi thu hoạch gần 10.700 tấn tôm thương phẩm. Sản lượng thủy sản nuôi tăng so với chu kỳ là do diện tích thả nuôi tăng, thời tiết thuận lợi và dịch bệnh ít xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngư dân đã thu hoạch ước đạt trên 229.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so với cùng kỳ. Tăng mạnh nhất là tôm nuôi các loại, với sản lượng thu hoạch đạt gần 102.000 tấn (tầng gần 22% so với cùng kỳ).

Theo đánh giá, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang tăng và về đích sớm là do diện tích thả nuôi tăng mạnh, đặc biệt các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm nuôi nước lợ, cua biển, cá nuôi lồng bè và các loại nhuyễn thể.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi của Kiên Giang tăng mạnh là do ngư dân diện tích thả nuôi tăng, thời tiết thuận lợi và dịch bệnh ít xảy ra. Ảnh: Trung Chánh.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi của Kiên Giang tăng mạnh là do ngư dân diện tích thả nuôi tăng, thời tiết thuận lợi và dịch bệnh ít xảy ra. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản, trong 9 tháng đầu năm đã xuất bán đạt hơn 20 tỷ con giống, tập trung các loại có nhu cầu thả nuôi lớn như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển và cá các loại…

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá và điều kiện kinh doanh đối với các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh: Thuốc thú y, thuốc thú y thuỷ sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y, thức ăn chăn nuôi, hành nghệ dịch vụ thú y... Qua kiểm tra 89 cơ sở, phát hiện 21 trường hợp sai phạm, đã xử phạt 6 trường hợp, với số tiền là  33 triệu đồng, hiện đang tiếp tục mời lên xử lý.

Trong tháng 9/2022, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang đã thu 44 mẫu tôm để kiểm soát dịch bệnh. Kết quả có 1/44 mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh đốm trắng, 5/44 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, 10/44 mẫu dương tính với bệnh virus gây hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu và 15/44 mẫu dương tính với vi bào tử trùng. Ngoài ra, còn thực hiện thu 20 mẫu giám sát dịch bệnh chủ động trên cá biển nuôi lồng bè tại xã Hòn Nghệ, xã Tiên Hải, xã An Sơn và xã Nam Du, kết quả 100% mẫu cá âm tính với bệnh hoại tử thần kinh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.