| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên - Huế bảo vệ đàn gia súc trước rét đậm

Thứ Hai 21/02/2022 , 20:30 (GMT+7)

Tỉnh Thừa Thiên - Huế rốt ráo triển khai các biện pháp chủ động bảo vệ gia súc trước tình hình mưa, rét đậm kéo dài.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 20/2 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra rét đậm trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng và thành phố Huế 14 độ C, huyện Nam Đông  14 độ C và huyện A Lưới 12 độ C. Rét đậm về đêm ở Thừa Thiên - Huế có khả năng còn duy trì đến hết đêm 23/2.

Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương huyện A Lưới đã vận động người dân nhốt, không thả rông gia súc những ngày mưa, rét. Ảnh: .Tiến Thành

Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương huyện A Lưới đã vận động người dân nhốt, không thả rông gia súc những ngày mưa, rét. Ảnh: .Tiến Thành

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới, hiện địa phương có tổng đàn tổng đàn gia súc 16.754 con (chưa tính lợn), trong đó có 2.513 con trâu, 9.710 con bò, 4.531 con dê. Đến nay, chuồng trại cho gia súc của các hộ chăn nuôi huyện A Lưới đạt gần 80% và đang tiếp tục vận động người dân che chắn, kiên cố hóa chuồng trại.

Rút kinh nghiệm từ phương thức chăn nuôi theo kiểu thả rông gia súc, gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc trong mùa mưa rét, huyện A Lưới đã chủ động xây dựng phương án bảo vệ gia súc gắn với thực tiễn chăn nuôi của người dân.

Phòng NN-PTNT huyện A Lưới đã cử cán bộ phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương về tận thôn, bản hướng dẫn, vận động người dân gia cố, tu sửa chuồng trại để tránh gió lùa, mưa tạt và giữ ấm cho đàn vật nuôi trong những ngày gió rét bằng các vật liệu sẵn có như bao xi măng, phên tre, nứa…. UBND huyện A Lưới cũng đã tiến hành hỗ trợ tấm tôn cho các hộ nghèo có chăn nuôi gia súc để tiến hành che chắn chuồng trại.

Đối với đàn gia súc thả rông không di chuyển về được nơi tránh rét, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân làm chuồng trại hoặc lán trại có che chắn đảm bảo giữ ấm cho gia súc ngay tại khu vực thả gia súc. Đồng thời dẫn dụ gia súc về chuồng, lán trại bằng cách dùng muối hạt trộn với một ít thức ăn tinh rải đến chuồng để gia súc vào ăn, tạo thói quen ăn ở tại chuồng nhằm dễ dàng chăm sóc.

Trước đó, huyện A Lưới cũng đã vận động người dân chủ động dự trữ thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô, sắn khô, khoáng chất) để bổ sung năng lượng cho gia súc, cùng với nguồn thức ăn cỏ trồng. Phòng NN-PTNT huyện đã kết nối với đơn vị cung ứng để người chăn nuôi tại 18 xã, thị trấn toàn huyện mua 500 cuộn rơm làm thức ăn dự trữ (mỗi cuộn 15 - 17kg).

Ngành nông nghiệp huyện A Lưới đã và đang phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi trên địa bàn huyện.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có tổng đàn trâu, bò là 42.581 con, lợn 140.884 con và đàn gia cầm hơn 4.762 nghìn con. Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi để ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công văn giao Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo và áp dụng các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi.

Theo đó, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi…

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.