| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên - Huế xin Trung ương 2.000 tấn gạo để cứu đói

Thứ Ba 05/04/2022 , 13:34 (GMT+7)

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Trung ương hỗ 2.000 tấn gạo để trợ giúp xã hội đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai.

Có khoảng 20.834 ha lúa vụ đông xuân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập úng do mưa lớn bất thường. Ảnh: CĐ.

Có khoảng 20.834 ha lúa vụ đông xuân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập úng do mưa lớn bất thường. Ảnh: CĐ.

Ngày 4/4, thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất sau đợt mưa lớn bất thường, tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.000 tấn gạo để trợ giúp xã hội đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai.

Đồng thời, địa phương này cũng đề nghị hỗ trợ 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn (bao gồm HN6, Khang Dân 18, HT1, ĐT 100); 10 tấn hạt giống rau và 5 tấn giống ngô LVN6. Hỗ trợ kinh phí để tiêu úng khoảng 7 tỷ đồng và 100 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều phục sản xuất.

Trước đó, từ ngày 31/3 - 3/4, do ảnh hưởng rìa của vùng thấp ở phía Nam Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh và đới gió Đông trên cao nên tại Thừa Thiên - Huế đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là đợt mưa có lưu lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng các sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu...

Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,5m đến +1,0m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê.

Huy động tổng lực máy bơm để cứu lúa. Ảnh: CĐ.

Huy động tổng lực máy bơm để cứu lúa. Ảnh: CĐ.

Tại khu vực hạ du do thủy triều dâng cao +1,04m, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng.

Đợt mưa trái mùa đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo đó, thống kê cho thấy, có khoảng 20.834 ha lúa vụ đông xuân bị ngập úng. Trong đó, ước tính diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng 17.748,6 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30 - 70% là 3.085,4 ha

Diện tích bị ngập úng các cây trồng khác khoảng 2.329,3 ha. Trong đó, rau màu, dưa, đậu các loại: 1.316,8 ha; lạc: 358,5 ha; sắn: 466 ha; sen: 159 ha; ngô: 29 ha; mía: 15 ha; cây dược liệu: 03 ha. Ước diện tích thiệt hại gần như toàn bộ.

Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẩn trương thực hiện một số giải pháp để hạn chế thiệt hại về năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 do ảnh hưởng của mưa lớn và đỗ ngã gây ra.

Theo đó, đối với diện tích lúa bị ngập úng, Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo nhân viên vận hành các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê ven phá, đập Cửa Lác, Thảo Long, cống Quang…để tiêu úng.

Huy động động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập úng, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày sẽ gây thiệt hại lớn đến cây lúa đang ở thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ và hạn chế tối đa các mầm mống gây bệnh cho cây lúa.

Người dân túc trực ngày đêm ở các trạm bơm để tháo nước. Ảnh: CĐ.

Người dân túc trực ngày đêm ở các trạm bơm để tháo nước. Ảnh: CĐ.

Diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ.

Đối với lúa làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

Đối với hoa, rau các loại cần tranh thủ kịp thời thu hoạch rau đến thời kỳ thu để đảm bảo năng suất và chất lượng, những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại, sau khi nước rút tiến hành thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi làm đất để gieo trồng.

Đối với cây màu như ngô, lạc, khoai lang... sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, cần xới xáo, phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Đối với diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng cần tiến hành đào rãnh, khơi thông thoát nước nhanh ra khỏi vườn cây. Để tăng khả năng phục hồi của cây; xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học); tăng cường bố trí cán bộ phụ trách từng địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình ngập úng và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời...

Đợt mưa bất thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm 2 người chết là anh Trần Viết Th. (sinh năm 2000, trú tại thôn Lai Hà, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) và chị Lê Thị Ph. (sinh năm 1986, thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) và 5 người ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc bị thương nhẹ.

Mưa lớn cũng làm 33 nhà tốc mái ở địa phương này bị tốc mái, trong đó có 2 nhà tốc mái hoàn toàn, 07 nhà tốc mái từ 50% trở lên, còn lại 24 nhà dưới 30%. Nhiều tuyến đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp bị nước tràn qua; một số đoạn bị vỡ gây ngập úng nội đồng. 

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.