| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy 'số hóa' ngành nông nghiệp

Thứ Sáu 26/03/2021 , 15:13 (GMT+7)

Nông nghiệp được xác định là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác…

Chuyển đổi số nông nghiệp – xu thế tất yếu

Ngày 26/3 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Thúc đẩy công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp hướng tới chuyển đổi số.

Tại Hội thảo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là một trong tám ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác… Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HG

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HG

Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp Việt Nam. Internet, trí tuệ nhân tạo đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất...

Thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật; các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác đang được áp dụng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, phân bón...

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh và TS. Phạm Vũ Minh Tú (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) chia sẻ: Để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn và cơ sở tri thức của ngành về đất đai, cây  trồng, vật nuôi, thuỷ sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp (trên không, mặt đất) phụ vụ hoạt động nông nghiệp. Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Cùng đó, cần chuẩn hoá và tự động hoá quy trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; tự động hoá, cơ giới hoá sản xuất, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến một nền nông nghiệp được cơ giới hoá đồng bộ. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số tạo nên một mô hình nông thôn thông minh.

Khó khăn hiện nay, đó là trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau.

Nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do đó, cần đào tạo kỹ năng số cho nông dân áp dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số OCOP

Ông Lê Anh Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp số (Hà Nội) cho biết, sự hiện diện của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra nhiều cơ hội để các chủ thể OCOP (các nhà sản xuất sản phẩm OCOP) chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, định hướng sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thị trường trong nước và xa hơn là thị trường xuất khẩu. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Có thể thấy rằng, tính đến thời điểm hiện tại, chương trình OCOP của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương được gìn giữ, bảo tồn và phát triển, đảm bảo sinh kế cho người dân nông thôn.

'Trong tương lai, để chương trình OCOP thành công hơn nữa, ngoài sự nỗ lực của các chủ thể OCOP, sự vào cuộc và hỗ trợ của nhà nước thì các yếu tố về chuyển đổi số OCOP cũng cực kỳ quan trọng và giúp tiến trình phát triển chương trình OCOP thuận lợi và có những bước tiến nhanh hơn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

'Chuyển đổi số OCOP' cần xuất phát từ chính nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể OCOP. Ảnh: TL

“Chuyển đổi số OCOP” cần xuất phát từ chính nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể OCOP. Ảnh: TL

Cũng theo ông Hoàng, để 'Chuyển đổi số OCOP', cần xuất phát từ chính nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể OCOP, công tác quản lý nhà nước và mục tiêu hướng tới mục tiêu đơn giản về công nghệ, thuận tiện cho người sử dụng.

Theo đó, tránh việc 'đao to búa lớn' mà gây ra gánh nặng, áp đặt các công nghệ và gây mất thời gian vận hành cho người sử dụng. Việc chuyển đổi số cho OCOP cần trải qua các bước như: Xác định đối tượng áp dụng (con người, quy trình,…); xác định công nghệ nào để áp dụng; số hóa các quy trình một cách tối ưu; quản lý và khai thác dữ liệu hiệu quả bằng các ứng dụng công nghệ.

Về bản chất sản phẩm OCOP cũng giống như các sản phẩm hàng hóa đi ra thị trường khác, cần phải được chuẩn hóa chất lượng, chuẩn hóa quy trình, tuân thủ các quy định, đặt dưới sự quản lý và giám sát của các cơ quan nhà nước.

Do đó để chuyển đổi số OCOP toàn diện, hiệu quả, ngoài chuyển đổi bản thân chương trình, cần thiết phải chuyển đổi các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nông nghiệp có liên quan...

Ông Lê Anh Hoàng chia sẻ, mô hình chuyển đổi số quản lý chương trình OCOP tỉnh Lào Cai vào thời điểm cao điểm dịch Covid19 là một ví dụ điển hình về chuyển đổi số OCOP.

Tại thời điểm tháng 4/2020, giãn cách xã hội, các khuyến nghị hạn chế tụ tập đông người từ cơ quan chức năng tác động đến tiến độ tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Do đó, Lào Cai đã nghiên cứu và đưa vào hoạt động một công cụ quản lý, điều hành đề án OCOP cho tỉnh.

Tính đến nay trên hệ thống phần mềm của tỉnh đang quản lý và cập nhật dữ liệu cho trên 50 sản phẩm đã đánh giá phân hạng và rất nhiều sản phẩm đang trong chu trình đánh giá. Ảnh: TL

Tính đến nay trên hệ thống phần mềm của tỉnh đang quản lý và cập nhật dữ liệu cho trên 50 sản phẩm đã đánh giá phân hạng và rất nhiều sản phẩm đang trong chu trình đánh giá. Ảnh: TL

Đến nay, trên hệ thống phần mềm của tỉnh Lào Cai đang quản lý và cập nhật dữ liệu cho trên 50 sản phẩm đã đánh giá phân hạng và rất nhiều sản phẩm đang trong chu trình đánh giá.

Phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu OCOP bao gồm nhiều nội dung như: Website ocoplaocai.gov.vn; phần mềm OCOP, bản đồ số tích hợp trên website; ứng dụng di động.

Trong đó, phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu OCOP sẽ giúp cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt sao OCOP quản lý nhật ký sản xuất sản phẩm; tạo và quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc; in tem nhãn QR để dán lên sản phẩm; giúp cơ sở sản xuất tạo hồ sơ và cập nhật dẫn chứng hồ sơ OCOP; phục vụ hoạt động nộp hồ sơ trực tuyến đánh giá chấm điểm sản phẩm OCOP từ cấp huyện đến cấp tỉnh; lưu giữ và số hóa các hồ sơ cần thiết trong quá trình triển khai.

Thông qua phần mềm, các chủ thể và khách hàng có thể gửi câu hỏi đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp về những vấn đề cần quan tâm, giúp chủ thể có thể quảng bá được sản phẩm của mình trên trang ocoplaocai.gov.vn…

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.