Vùng đất giàu tiềm năng
Bình Phước có 3 con sông lớn chảy qua là Sài Gòn, Đồng Nai và Sông Bé cùng hệ thống kênh mương, lòng suối. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 hồ thủy điện là Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng cùng 60 hồ chứa của các công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ.
Nhờ lợi thế này, Bình Phước hiện có 28.300 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản ở địa phương này còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 70 hộ nuôi lồng bè trên các hồ chứa với tổng số lồng nuôi khoảng 150 lồng. Trong đó, tập trung chủ yếu trên hồ Thác Mơ, Cần Đơn, với khoảng 50 hộ, đối tượng nuôi là cá lăng, lóc, rô phi với khoảng hơn 120 lồng. Nhìn chung, hoạt động nuôi lồng bè là ngành nghề chủ yếu của người nuôi nhưng năng suất, hiệu quả nuôi còn hạn chế.
Tỉnh cũng đã xây dựng 16 mô hình tổ nghề cá cộng đồng với gần 1.000 thành viên tham gia. Hoạt động bước đầu đã đạt được một số hiệu quả đáng khích lệ, nhất là tại các hồ chứa nhỏ.
Trên địa bàn tỉnh cũng có 16 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, trong đó, có 1 trại giống cây trồng, vật nuôi (trực thuộc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh), 15 cơ sở kinh doanh giống thủy sản, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 6 triệu con giống các loại. Để các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản cung cấp chất lượng giống đảm bảo cho người nuôi, hàng năm, Sở NN-PTNT đã thực hiện kiểm tra thường xuyên điều kiện sản xuất và kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, để người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh nắm bắt kỹ thuật nuôi các loài thủy sản nước ngọt và công tác phòng, chống dịch bệnh trong quá trình nuôi, hàng năm Sở NN-PTNT tổ chức các lớp tập huấn về thủy sản tại một số huyện, thị xã, thành phố có hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển.
Đồng thời, thực hiện điều tra khảo sát các loại hình nuôi ao theo hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế (cá lăng, lóc, rô phi, lươn, ếch, ba ba...) trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đánh giá và hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, hiện nay, tại một số làng bè đã và đang có hoạt động chế biến các sản phẩm thủy sản được nuôi và đánh bắt tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Qua đánh giá sơ bộ, các sản phẩm này được ưa chuộng và mang lại thu nhập khá tốt, giải quyết sản phẩm đầu ra cho làng bè. Các sản phẩm chế biến hiện có là khô cá lăng, cá lóc, cá lìm kìm, cá trèn...; chả cá thát lát, chả cá mè vinh, chả cá tạp..., nước mắm tự ủ, và một số sản phẩm khác liên quan.
Tuy nhiên, việc chế biến hiện vẫn theo kinh nghiệm, không theo quy trình công nghệ, không được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, trong thời gian tới tỉnh cần hỗ trợ người dân làng bè tạo nên thương hiệu cho sản phẩm là chả cá và cá khô các loại đảm bảo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân làng bè.
Một thực trạng đang diễn ra là tại các dự án phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai dựa vào cộng đồng, người dân tự thành lập và quản lý nhưng ý thức của một số ít trong cộng đồng chưa cao nên hiệu quả phát triển nguồn lợi thủy sản chưa bền vững, chưa tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và chưa tạo sức hút mạnh về lao động.
Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật còn gặp khó khăn, cơ sở vật chất và trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao. Một số cơ chế, chính sách chưa sát với điều kiện thực tiễn; chưa có sự liên kết giữa hộ nuôi với doanh nghiệp chế biến. Hộ nuôi thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, con giống, thức ăn. Việc áp dụng công nghệ nuôi không đồng bộ, khả năng rủi ro cao. Đặc biệt, tình trạng khai thác tận diệt vẫn còn xảy ra... là những rào cản trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở tỉnh hiện nay.
Để phát triển thủy sản bền vững, Bình Phước đang hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ đối với các loài cá có giá trị kinh tế, góp phần phát triển kinh tế và ổn định sinh kế cho người dân. Tỉnh đang rà soát, từng bước hình thành các chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản, đây là vấn đề cần thiết được ưu tiên hàng đầu.
Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước
Kỳ vọng từ chiến lược thủy sản
Theo ông Trần Văn Phương, tuy ngành thủy sản không phải ngành chủ lực địa phương nhưng để phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2377/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, chương trình nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa bền vững; khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản ao, hồ; hình thành các chuỗi khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản nước ngọt, đáp ứng nhu cầu thủy sản cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú ý, chương trình đã đặt ra mục tiêu cho cả 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 là giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản bình quân hàng năm tăng 1-2%. Đến năm 2025, sản lượng thủy sản 4.900 tấn, bao gồm cả sản lượng nuôi trồng và sản lượng khai thác; diện tích nuôi thủy sản 1.650 ha; nuôi thủy sản lồng bè 220 lồng nuôi. Đến năm 2030, sản lượng thủy sản 5.200 tấn, bao gồm cả sản lượng nuôi trồng và sản lượng khai thác; diện tích nuôi thủy sản 1.750 ha; nuôi thủy sản lồng bè 220 lồng nuôi.
Chương trình cũng đề ra nội dung thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó chú trọng đến công tác quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Tổng nguồn kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong cả 2 giai đoạn nêu trên là 27,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước khoảng 12,7 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa huy động từ người dân và nguồn hợp pháp khác khoảng 15,1 tỷ đồng.