Vĩnh Long là một tỉnh trung tâm của vùng ĐBSCL, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu của lưu vực châu thổ sông Mê Kông. Vĩnh Long có thế mạnh về nông nghiệp và được khẳng định qua các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nổi tiếng, tạo nên vị thế thương hiệu riêng cho tỉnh như: bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, sầu riêng Ri6, chôm chôm Bình Hòa Phước, khoai lang Bình Tân…
Cùng với sự đa dạng các mặt hàng nông sản là các sản phẩm chế biến từ nông sản, đến nay Vĩnh Long đã công nhận được 98 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao của 60 chủ thể được phân bổ đều tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, đã phát huy được thế mạnh lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.
Nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, Sở NN-PTNT vừa phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch và Sở Công thương khai trương điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tỉnh Vĩnh Long tại bến cảng hành khách Vĩnh Long. Điểm trưng bày đã nhận được sự tham gia của các cấp, các ngành và 26 chủ thể với 56 sản phẩm OCOP đạt hạng 3, 4 sao.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước nhận xét: “Địa điểm này gần 4 xã cù lao chuyên sản xuất trái cây, rất thuận tiện để mang trái cây tươi qua đây phục vụ khách du lịch trong ngày, cũng như trưng bày sản phẩm OCOP cho khách du lịch biết tham quan và mua sắm khi đi du lịch đến Vĩnh Long”.
Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP từng bước xây dựng hình thành hệ thống các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh. Thời gian tới sẽ có điểm trưng bày và bán các sản phẩm tại khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các điểm kinh doanh du lịch, lưu trú.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Vĩnh Long, tất cả các điểm này cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ các chi phí, điểm bán, người giới thiệu sản phẩm. Các chủ thể chỉ cần đến và trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, những sự kiện cuối tuần hoặc cuối tháng chủ thể OCOP có thể chủ động đến để quảng bá giới thiệu, trực tiếp đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.
Anh Lâm Hoàng Chí, chủ hộ kinh doanh Thiên An 3 ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có sản phẩm thanh long vàng được chứng nhận OCOP 3 sao vào cuối năm 2022. Anh cho hay, thời gian qua được sự hỗ trợ của tỉnh, anh đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh chủ động tìm kiếm khách hàng tiềm năng, từ đó sản phẩm tiêu thụ được nhiều hơn.
“Qua nay, thanh long bán chạy, giá tại hội chợ 70.000 đồng/kg. Sản phẩm OCOP nên tôi được miễn phí trưng bày. Khi tham gia các hội chợ ngoài tỉnh cũng được tỉnh hỗ trợ miễn phí gian hàng”, anh Lâm Hoàng Chí chia sẻ.
Qua đó, có thể thấy Chương trình OCOP của tỉnh Vĩnh Long đã phát huy được tính chủ động, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường gắn với mục tiêu tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của người dân sản xuất sản phẩm chất lượng cao với quy trình đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo thuận lợi nhất trong hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con, các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP. Cùng với đó, hỗ trợ tuyên truyền hình ảnh kết nối cung cầu để người tiêu dùng biết đến sản phẩm. Về lâu dài, quy mô sản xuất, chuỗi liên kết, xuất khẩu phải tốt hơn, sản phẩm chất lượng, bài bản hơn.