| Hotline: 0983.970.780

Thức đêm mới biết đêm dài

Thứ Bảy 16/03/2019 , 13:10 (GMT+7)

Thế hệ của má ai cũng khoảng mười tám hai mươi đã phải lấy chồng. Má “bị” nhà trai “xem mắt” năm mười sáu tuổi, còn ẵm cháu đi hàng xóm chơi đánh đũa “chuyền chuyền một một đôi”. Năm sau “bị cưới”, chồng của má cũng mới có mười tám tuổi.

Ảnh có tính minh họa

Chỉ hình dung chứ không thể nào biết được người xưa chồng vợ như thế nào. Họ không hé răng, không nửa lời mô tả hay khuyến nghị các con gái nên hay không nên những gì. Một mê cung đáng để tò mò. Cũng chỉ để tò mò mà thôi. Chỉ nghe các chị kháo nhau hồi trước, mỗi khi ba về qua, ba má rì rầm chuyện vãn thâu đêm. Và những đứa con cách nhau đều đều hai năm một. Không ai nghĩ sâu hết mức về chuyện yêu đương của hai đấng sinh thành, ấy là cõi thiêng mà các đứa con biết rằng thực sự mình đã được hưởng cái phúc của yêu đương mà có.

Rồi má góa năm bốn mươi tuổi. Đứa con út ít còn quá nhỏ, thấy má khóc thì khóc theo, biết mình mồ côi cha, vậy thôi. Má vẫn làm lụng bình thường trừ những khi ngồi ở góc vườn nhìn mông lung, thi thoảng kéo ống quần chùi nước mắt. Đêm gái út có nằm chung với má thì cũng không hay biết má trằn trọc ra sao, đơn giản vì trẻ con vật ra đã ngủ tức thì. Có ai hỏi má buồn nhiều không thì bé con trả lời như cái máy, buồn chớ sao không, buồn lắm chớ.

Đến con gái đầu của má góa. Chị cả còn quá trẻ, mới ba mươi ba, nghĩa là tuổi góa của chị còn dài tít tắp. Má thở thườn thượt cho mình và cả cho con. Đứa em út ít đã đủ lớn để biết chị mình loay hoay ra sao với đêm dài. Bởi cô nhỏ từng biết chị mình có những đêm rì rầm, những tiếng hôn rất kêu vào mỗi sáng của chồng trước khi vợ bước ra khỏi giường, và vì biết hình mẫu của một đôi tâm đầu ý hợp là như thế như thế. Nhưng cũng chỉ biết vậy vậy. Thấy chị mình cắm cúi nhiều hơn mỗi khi bước đi, thấy chị hay khóc bất chợt, thấy chị hay vục vặc khi cuộc sống quá gian nan. Bạn bè của chị toàn những bà không góa sớm thì cũng vừa góa, khi ấy mới nghe thấy những tràng cười ré lên khi họ nhắc lại những chuyện gì đó. Những tràng cười bất chợt nhưng vẫn bị kìm nén và kết thúc bằng ngậm ngùi, như đàn đứt dây. Mấy chục năm dài, bỗng dưng em gái phát hiện chị mình không còn ngẩng lên khi bước đi, như một người luôn phải trò chuyện với mặt đất và gương mặt héo úa như có những đám bèo khô lặn vào.

Rồi chính mình góa. Đứa con gái lanh chanh của má và là đứa em út ít của chị. Góa là gì? Là một khúc quanh không thể chống đỡ của cuộc đời. Không còn gì như trước cả, bữa ăn giấc ngủ đến ý nghĩ, động cơ sống và cách sống. Vẫn sống đấy chứ. Thì vẫn sống nhưng chất lượng sống được cân bằng gì? Nhịp của sứ mệnh như những cái mốc, bàn thờ ngày Tết, mồ mả lọ cốt ngày thanh minh, những ngày giỗ, những ngày kỷ niệm âm thầm, nụ hôn đầu, ngày cưới ngày sinh những đứa con, ngày cơ ngơi ngày suýt đổ vỡ… la liệt những ngày những năm những tháng mà chỉ có người ấy mới biết và mới cần đến nó để vỗ về những đêm thâu của mình.

Bắt đầu chú ý những bà góa chung quanh như mình. Chị góa lâu chưa, chồng mất vì nan y hay là…? Sao biết tôi góa mà hỏi vậy? Là vì cái cách bà góa bước đi trong những ngày dài chị ạ, nhìn và đoán biết. Chỉ ngày dài thôi sao, ban đêm mới dài khủng khiếp chứ bạn. Vâng, dài khủng khiếp. Gối vẫn hai, quờ tay để vẫn còn cái gối ấy, lăn lóc trằn trọc, nhiều lần ấp sâu vào gối để tìm lại mùi xưa, dấu xưa. Nhớ và hình dung trong đêm như hình ảnh từ một cuộn phim chậm, từ tốn hiện ra, cho một khán giả duy nhất trong căn phòng thinh lặng tuyệt đối. Vì vậy mà kích thước của hình ảnh đậm như quả núi đổ xuống một trái tim không chịu yên với những câu tự trả lời. Góa là như thế này sao và mãi mãi như vậy cho đến chết sao?

Má có chiến tranh để khỏa kín nửa cuộc đời còn lại từ khi ba mất. Chị cả có hậu chiến và những đứa con nông dân trầm kha đói kém để chiếc đòn gánh của chị cân bằng đẩy chị đi sắp hết hai phần ba cuộc sống đơn lẻ trên đời. Còn mình, chị đã lục tuần, trọn một đời người theo quan niệm Á đông, chị còn bao nhiêu đêm dài mộng mị nữa? Gẫm ra, với mọi con người, đôi lứa là chuyện quan trọng nhất, không gì có thể sánh bằng. Và khi một phụ nữ góa, dù bất cứ tuổi nào, thì cứ vẫn là một bà góa chính hiệu trong phần đời còn lại của chính người đó.

Đêm của những bà góa muôn đời giống nhau, dù góa già hay góa trẻ. Có trong cảnh mới biết nỗi tiếc nhớ ấy vừa riêng tư vừa giống y nhau khi góa phụ đếm tiếng thạch sùng, tiếng gió nạt tiếng mưa rên và dĩ nhiên, cả những tiếng gào thét bị nhốt trong lòng để sớm hôm sau, nhìn từ bề ngoài, mọi thứ dường như vẫn yên tĩnh.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm