Sứ mệnh cầu nối
Ngày 1/8/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 2662/QĐ-BNN-TCCB về việc thành lập Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương I trực thuộc Cục Chăn nuôi.
Theo đó, Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương I được thành lập trên cơ sở Đề án tổ chức lại Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi thành Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương I và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương II trực thuộc Cục Chăn nuôi.
Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương I (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thuộc phạm vi quản lý của Cục Chăn nuôi và cung cấp dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Trụ sở chính của Trung tâm đặt tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện Trung tâm có 50 người với 3 phòng chuyên môn, gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi và Phòng Phân tích.
Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm tập trung vào hai mảng chính. Một là thực hiện nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi, thực hiện các nhiệm vụ về dịch vụ công theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của Bộ NN-PTNT.
Hai là cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong chăn nuôi gắn với 3 trụ cột chính của ngành chăn nuôi gồm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi.
Cụ thể, hoạt động đánh giá, chứng nhận sự phù hợp theo phương thức 5 đối với sản phẩm sản xuất trong nước và phương thức 7 đối với các sản phẩm nhập khẩu, chứng nhận VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ... Hoạt động thử nghiệm, phân tích đối với các chỉ tiêu trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong chăn nuôi.
Là đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Chăn nuôi, Trung tâm mong muốn là cầu nối đưa các quy định vào trong đời sống và ngược lại cũng là cầu nối để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để báo cáo Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT nhằm có tiếp cận tổng quan nhất, đa chiều nhất, khách quan nhất. Đây sẽ là một trong những nguồn thông tin, cơ sở quan trọng cho quá trình chỉ đạo, điều hành, xây dựng, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện góp phần xây dựng ngành chăn nuôi thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, bền vững trong thời gian tới.
Đưa các quy định đến gần hơn với người chăn nuôi, doanh nghiệp
Chia sẻ về những mục tiêu của Trung tâm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm cho hay, đối với hoạt động đánh giá, chứng nhận sự phù hợp, Trung tâm sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng cung cấp dịch vụ đánh giá, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi, đồng thời nghiên cứu, xem xét mở rộng ra các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật, theo lộ trình phát triển của Trung tâm.
Về hoạt động thử nghiệm, phân tích, Trung tâm sẽ phát triển các phép thử trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi, các chỉ tiêu hóa học, sinh học, sinh học phân tử... Phát triển các chỉ tiêu về thực phẩm và các lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm sẽ phát triển các chất chuẩn, mẫu chuẩn, phương pháp thử nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi…, mục tiêu sẽ trở thành đơn vị thử nghiệm kiểm chứng, đơn vị trọng tài trong lĩnh vực thử nghiệm.
Trung tâm sẽ mở rộng hoạt động tập huấn, tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ cho doanh nghiệp để các quy định đến gần hơn với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp nắm bắt, hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật với mục tiêu để các quy định khi được ban hành thực sự đi vào cuộc sống, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Về phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, Trung tâm sẽ bám sát các nhiệm vụ chính trị của Cục Chăn nuôi để tham gia xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, của Cục Chăn nuôi, gồm: Kiểm định, giám sát vật tư đầu vào, chất cấm trong chăn nuôi (con giống, thức ăn chăn nuôi), môi trường chăn nuôi.
Mục tiêu hiệu quả, khách quan, minh bạch
Theo ông Tình, hiện nay ngành chăn nuôi nước ta có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Thuận lợi là Việt Nam đã gia nhập các hiệp định thương mại tự do, độ mở thông tin, thành tựu khoa học công nghệ và trình độ chăn nuôi ngày càng tăng lên và sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vào ngành chăn nuôi… Khó khăn là thiên tai ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh ngày càng phức tạp và vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu…”, ông Tình phân tích.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Trung tâm cho biết thời gian tới sẽ luôn bám sát để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Cục Chăn nuôi và sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Cục Chăn nuôi, nỗ lực để việc tổ chức phục vụ hoạt động quản lý nhà nước được kịp thời, chính xác, khoa học, khách quan.
Đối với việc cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, Trung tâm luôn xem sự phát triển của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, của ngành chăn nuôi, vì vậy phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Để có thể triển khai các nhiệm vụ xuyên suốt, thống nhất, ông Tình khẳng định, điều quan trọng nhất là phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của tập thể Trung tâm.
Hai là, đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để bám sát vào những nội dung thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm nhưng cũng phải gắn với hơi thở của đời sống.
Ba là phải đổi mới quy trình, nâng cao trình độ, chuyên môn của chuyên gia, nâng cấp máy móc, trang thiết bị, áp dụng công nghệ để quy trình thực hiện được rút ngắn thời gian và hạn chế tối đa các sai sót.
Và cuối cùng, phải ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong quản lý điều hành để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, để cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có thể giám sát nhau một cách khách quan, minh bạch.
“Trải qua thời gian công tác tại Cục Chăn nuôi, tôi hiểu, thấm nhuần phương châm của Cục là luôn kiến tạo, hỗ trợ, lắng nghe và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người chăn nuôi để đưa ngành chăn nuôi phát triển thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, bền vững. Trung tâm sẽ bám sát mục tiêu này để nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ nhưng vẫn gắn hơi thở đời sống”, ông Nguyễn Văn Tình - Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương nói.