Từ nhiều năm nay, người dân ở khắp các nơi đổ về miếu Ngài ở thôn Phú Lễ, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để chữa bệnh. Họ tin rằng, nếu ai thành tâm với ngài sẽ được ngài ban cho nghị lực và bài thuốc “tiên”, giúp tiêu tan mọi bệnh tật. Họ chỉ cần đặt nước, rượu rồi thắp hương cầu khấn, những thứ đó sẽ được phù phép thành “thần dược”.
Đổ xô đi xin “thần dược”
Con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi miếu, cỏ dại mọc tốt um tùm, duy chỉ lối mòn vừa đủ cho xe chạy. Đứng từ xa nhìn lại, ngôi miếu đó tựa như một ngôi mộ, tọa lạc trên khoảnh đất rộng, lọt giữa cánh đồng lúa xanh rờn. Xung quanh có mấy cây bạch đàn đang rướn mình theo gió càng khiến quang cảnh nơi đây thêm u tịch. Ở cửa miếu có đôi câu đối bằng tiếng Hán.
Miếu Ngài bỗng dưng bị người ta lợi dùng thành nơi chữa bệnh
Khi chúng tôi đến đã có nhiều người vào đây làm lễ. Họ đến từ Quảng Bình, Huế, thậm chí là ở Nghệ An, Hà Tĩnh cũng vào. Đa phần những người đến đây là phụ nữ. Với tấm lòng thành kính, họ nhẹ nhàng đặt từng đồ lễ lên bàn thờ trong miếu. Thấy chúng tôi chụp ảnh, một phụ nữ ra quở trách: “Các anh cứ đi loanh quanh miếu như thế, làm sao chúng tôi làm lễ được. Ngài không phù hộ cho thì uống chuyến đi…”. Khi đã yêu cầu chúng tôi ngồi im một chỗ, chị này mới thở phào nhẹ nhõm. Chị tên Thu, quê ở Hà Tĩnh. Năm nay chị Thu đã ngoài 40 tuổi nhưng do bệnh tật nên người còm nhom. Chị thường xuyên đau ốm, chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình không thuyên giảm. Hôm rồi, nghe người dân trong làng chị đồn ở làng Phú Lễ có ngôi miếu thiêng. Chỉ cần người đến lễ thành tâm đặt lễ, xin nước “thánh” về uống là bách bệnh tiêu tan. Mặc đường xá xa xôi, chị Thu cất công tìm về đây.
Không riêng gì chị Thu, mấy người phụ nữ đang ngồi đợi đến lượt vào lễ mà lòng cũng nóng như lửa đốt. Bà Loan, quê ở Quảng Bình vừa làm lễ xong. Bà bước ra ngoài với khuôn mặt tươi tỉnh. Mấy người phụ nữ ngồi quanh đó cũng như được tiếp thêm sức lực. Họ dồn đến hỏi bà Loan: “Làn lễ xong có thấy người khỏe lên không?”. Mặc cho sự chờ đợi của mọi người, bà Loan mở nút chai nước đưa lên miệng uống ừng ực. Uống hết nửa chai nước, rồi bà lại lấy chai rượu nhỏ trong túi ra đưa lên trước mặt ngắm một hồi lâu. Bà nhẹ nhàng đổ rượu ra tay rồi xoa vào khắp người như người ta đánh gió. Sau khi đã xong tất cả những thủ tục rườm rà đó, bà mới quay ra nói với mọi người: “Tôi phải tung đồng tiền âm dương xin mãi ngài mới đồng ý. Ngài đã ban phép vào chai nước và chai rượu này. Nước thì phải uống, rượu phải xoa bệnh mới khỏi”.
Cứ như thế, hết người này đến người khác vào xin lễ khiến ngôi miếu này chẳng mấy khi vãn khách. Ai vào lễ cũng có 1 chai nước, 1 chai rượu để mang về, họ tin rằng ngài đã phù phép biến những thứ đó thành “thần dược”. Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng thế mà người dân ở tận Sài Gòn cũng tìm ra tận đây xin lộc.
Theo ông Lê Văn Đàm, Trưởng làng Phú Lễ, mỗi ngày có khoảng vài chục người đến miếu ngài. Đặc biệt là những ngày rằm, mùng một họ còn kéo đến đông hơn. Đa số là người dân ở nơi khác kéo đến, chứ người dân địa phương ít ra miếu ngài cầu cúng.
Chỉ là tin đồn
Theo lời kể của các cụ cao niên trong thôn, ngôi miếu này có từ đầu thế kỉ thứ XVI. Cạnh ngôi miếu có 3 ngôi mộ, một ngôi nhô cao gọi là mộ ngài còn 2 ngôi thấp hơn gọi là mộ cậu. Tương truyền rằng, ngôi mộ này là của 1 vị tướng rất giỏi thời Lê bị đày về đây. Vị tướng này tinh thông võ nghệ lại còn giỏi nghề thuốc. Khi về định cư tại thôn Phú Lễ, vị tướng này đã nhiệt tình bốc thuốc chữa bệnh, cứu người mà không đòi hỏi công cán. Khi danh tướng này mất, dân làng tỏ lòng thành kính xây 1 ngôi miếu nhỏ bên cạnh mộ và ngọi là miếu Ngài. Hằng năm bà con trong thôn tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của ngài.
Người dân đặt lễ ở miếu Ngài
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Viết Hiền, Công an TP Đông Hà, và được cho biết: “Mỗi ngày có vài chục người kéo đến mộ ngài để cầu cúng. Từ nhiều năm nay nơi đó, không xảy ra hiện tượng gì bất thường. Họ tự đến rồi đi, đó là lòng thành của họ nên chính quyền cũng không ngăn cản gì”. |
Trong những năm chiến tranh ác liệt, bom đạn đã làm ngôi miếu bị hư hỏng hoàn toàn. Sau khi chiến tranh kết thúc, một số cán bộ và người dân trong thôn Phú Lễ tiến hành khai quật ngội mộ ngài. Kết quả, ngôi mộ này không còn gì và cũng không phát hiện ra bất cứ một vật gì liên quan đến vị tướng kia. Ngay cả tiểu sành cũng không có. Sau đó mọi người lấp lại hiện trạng. Do dân làng quá khó khăn nên không có đủ điều kiện để xây lại ngôi miếu. “Không hiểu tin đồn từ đâu, người dân ở khắp nơi mang nước đến đặt nơi mộ ngài khấn vái. Họ cho rằng, ngài hiển linh sẽ biến nước thành thần dược trị được bách bệnh. Từ đó cho đến nay, số người kéo đến ngày một đông”, ông Đàm cho biết.
Cũng theo ông Đàm, có thể ngôi mộ của ngài không được chọn tại làng Phú Lễ mà ở được tang trên rừng. Ngôi mộ này chỉ là ngôi mộ gió, các cụ thời trước tạo nên để tưởng nhớ công ơn của người có công trạng với dân làng. Gần đây, do người dân ở các nơi đến đông, họ có nguyện vọng góp tiền xây lại ngôi miếu. Họ đã dựng lại 1 ngôi miếu nhỏ ở trên bãi đất - nơi có mộ ngài yên nghỉ. Mộ ngài cũng mới được người dân đắp lại. Giờ đây, phía sau miếu, thôn Phú Lễ còn để 1 cái hòm công đức, phía trên có ghi dòng chữ công đức để xây đường vào mộ ngài.
Cũng theo ông Đàm, ngay bản thân ông và các thành viên trong gia đình chưa ra mộ ngài cầu chữa bệnh bao giờ. Việc người dân nơi khác đến cầu, có khỏi bệnh hay không, chưa ai kiểm chứng.
Việc tỏ lòng thành kính, tri ân những người có công trạng với nhân dân là điều rất nên làm. Tuy nhiên, với cách mê tín thái qúa như việc đặt nước lên miếu ngài với hy vọng uống thứ “thần dược” đó để chữa bệnh quả là chuyện khó tin và khó thành.