Dự án triển khai tại một số địa phương và thu được một số thành công nhất định, trong đó mô hình trình diễn thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, là điểm sáng.
Ông Nguyễn Hữu Điền, cán bộ chăn nuôi của dự án cho biết, quy trình GAHP ở Diễn Trung triển khai năm 2013, gồm 80 hộ chăn nuôi gà và 39 hộ chăn nuôi lợn. Nhờ đầu tư quy mô, bài bản nên mô hình luôn duy trì được sự ổn định cao, thương hiệu sản phẩm sạch nơi đây được nhiều người biết đến rộng rãi.
Khi tham gia mô hình, các hộ thuộc vùng GAHP Diễn Trung được dự án hỗ trợ theo các mức: 1.500.000 đ/hộ (bao gồm vật tư, thiết bị, dụng cụ chăn nuôi); 2.080.000 đ/hộ (vật tư, thiết bị nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học); 4.160.000đ/công trình (xây dựng công trình khí sinh học, hố ủ phân hoặc bể biogas). Ngoài ra, dự án còn tiếp tục hỗ trợ nâng cấp chuồng trại tiêu chuẩn theo quy định cho 570 hộ thành viên với số tiền 2.000.000 đ/hộ...
Triển khai theo cách làm mới mang lại hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ chết của đàn gà thịt trong các hộ GAHP giảm từ 4,75% (bình quân toàn tỉnh) xuống còn 3,8%. Trong khi đó, tỷ lệ chết ở lợn chỉ dao động ở mức 0,85%. Đặc biệt, khi thực hiện theo đúng quy trình GAHP, tình hình dịch bệnh được ngăn ngừa. Thực hiện lấy mẫu kiểm tra cho thấy, lượng tồn dư kháng sinh trong các mẫu thịt lợn, gà đã được cải thiện đáng kể, hiện 2 loại thuốc cấm sử dụng là Salbutamol và Clenbuterol đã không còn lưu hành với tỷ lệ mẫu xét nghiệm đạt chuẩn cho phép là 100%.
Thời gian nuôi cũng có sự khác biệt, nếu trước đây nuôi một lứa lợn theo cách thức thông thường là 105 ngày thì giờ giảm xuống chưa đầy 94 ngày, với gà là 66 ngày/lứa thay vì 58 ngày/lứa.
Ông Đậu Ngọc Hòa, Tổ trưởng tổ VietGAP xã Diễn Trung hồ hởi cho biết: “Gần đây thị trường có nhiều biến động, giá vật nuôi có thời điểm tuột dốc không phanh, điều này gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân.
Sau gần 6 năm thực hiện, dự án LIFSAP Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động trên 9 địa bàn. Trong đó, hoạt động GAHP được thực hiện ở 4 huyện (Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu và Đô Lương). |
Tuy nhiên, mô hình GAHP của chúng tôi không bị ảnh hưởng, nếu như tổng đàn lúc mới đầu triển khai chỉ có 95.000 con (2.700 con gà, 92.300 con lợn) thì đến nay đã tăng gần gấp đôi, luôn duy trì ở mức 160.000-162.000 con/lứa. Không có bất kỳ hộ nào bỏ trống chuồng trại, chưa kể có trên 200 hộ ngoài GAHP muốn đăng ký tham gia để tích lũy thêm kinh nghiệm”.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến thành công, ông Hòa cho rằng, thời điểm này người tiêu dùng đang bị lạc vào mê hồn trận, sản phẩm thật, giả lẫn lộn chẳng biết đường nào mà lần. Nếu vì cái lợi trước mắt thì không thể phát triển bền vững, thế nên tập thể hội viên vùng GAHP Diễn Trung đã định hướng ngay từ ban đầu, bằng mọi giá phải chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thông qua việc cam kết, thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình, 100% sản phẩm làm ra đạt chất lượng VSATTP: “Chúng tôi không xây dựng thương hiệu trong ngày 1, ngày 2. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể, đến nay thương hiệu chăn nuôi quy trình GAHP Diễn Trung đã được biết đến rộng rãi trong và ngoài tỉnh, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn trước rất nhiều”.
Theo đánh giá chung, quá trình chăn nuôi theo hướng GAHP không những cung cấp thực phẩm sạch mà còn góp phần quan trọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí Methane từ phân chuồng và kìm hãm sự phát tán khí gây hiệu ứng nhà kính.
Để mua sản phẩm sạch (GAHP) của xã Diễn Trung, người tiêu dùng hãy liên hệ với ông Đậu Ngọc Hòa, Trưởng ban khuyến nông xã kiêm Tổ trưởng Tổ GAHP xã Diễn Trung.
Địa chỉ: Xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Điện thoại: 01698.373.828 hoặc 0383.862.543