| Hotline: 0983.970.780

Thực tế không như chủ đầu tư nói

Thứ Hai 26/03/2012 , 10:09 (GMT+7)

Với cách xử lý thủ công của các công nhân tại đây, nước vẫn chảy từ các khe và khiến người dân rất lo lắng.

Cho dù ngày 23/3, Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) đã có cuộc họp với đại diện Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để thống nhất kế hoạch thực hiện giải pháp khắc phục sự cố nứt đập chứa nước tại Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2). Qua nhận định các chuyên gia cho rằng, hiện tại đập vẫn an toàn kể cả sau khi có một số trận động đất kích thích trong thời gian vừa qua. Thế nhưng với cách xử lý thủ công của các công nhân tại đây và nước vẫn chảy từ các khe vẫn khiến người dân rất lo lắng.

>> Hiện tượng thấm ở đập thủy điện Sông Tranh là không được phép
>> ''Rò rỉ nước đập thủy điện Sông Tranh 2 do lỗi thiết kế''
>> “Thủy điện Sông Tranh 2 rỉ nước là hiện tượng bình thường”
>> Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt hay vẫn ổn định?
>> UBND huyện Bắc Trà My: Giải thích của chủ đầu tư không thuyết phục

Công nhân đang tiến hành dùng ống nhựa để gom nước, cố gắng không cho nước tràn trên thân đập

Chưa có phương án trường hợp xấu nhất

Theo quan sát của chúng tôi vào sáng ngày 24-3, cách bơm hóa chất vào bên trong thân đập TĐST2 nhằm ngăn cản dòng nước chảy ra bên ngoài của chủ đầu tư không có tác dụng. Cho dù nước được các công nhân nối ống để đưa xuống dưới chân đập vào máng thoát nước. Nhưng thực tế thì nước vẫn chảy ra nhiều.

Hỏi về cách xử lý ngăn dòng nước chảy được thực hiện như thế nào, ông Trần Văn Hải - Giám đốc BQL điện lực 3 cho biết: “Chúng tôi đục khối bê-tông ra thành hình tam giác, chiều rộng và chiều sâu lần lượt 2 cm, sau đó dùng máy khoan lỗ sâu vào bên trong 1 mét để lắp ống nhựa vào, sau đó dùng hóa chất bơm vào bên trong. Mục đích bơm hóa chất vào sẽ ngăn không cho dòng nước tiếp tục chảy ra ngoài thân đập. Chất này chúng tôi nhập từ Hàn Quốc, có tên là Plustham. Đây là phương pháp sẽ ngăn được dòng nước!

Nhưng trái với những gì ông Hải nói, sau khi công nhân của Cty Phú Bắc (đơn vị chịu trách nhiệm xử lý chống thấm cho công trình) thực hiện chống thấm với các công đoạn trên thì đến ngày 24-3 vẫn không ngăn được dòng nước. Khi chúng tôi thử mở van của ống nhựa mà theo BQL đó là ống để bơm hóa chất vào bịt dòng nước chảy ra thì nước từ trong ống phun ra tung tóe. Anh Nguyễn Văn Thu, người dân địa phương cũng cho biết: “Tình trạng này cần phải xử lý dứt điểm, chứ chúng tôi không hiểu về khoa học nhưng nước chảy như ri thấy lo quá”. 

Nước vẫn chảy trên thân đập và công nhân đang thực hiện chống thấm

Ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My không giấu nỗi lo lắng: “Bắc Trà My có hơn 50% hộ nghèo, nếu cơ quan chức năng không sớm khắc phục dứt điểm thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên vì người dân không thể ổn định sản xuất được. Trước đó cái vụ động đất đã dẫn đến nguy cơ người dân tộc thiểu số bỏ khu dân cư, bỏ khu tái định cư vẫn còn đó, nay thêm sự cố này làm sao mà chúng tôi không lo lắng được”.

Ông Phong cũng cho rằng, sức ép từ sự cố này hiện rất lớn, từ lãnh đạo nhà nước, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cho đến người dân Bắc Trà My sinh sống các nơi trong và ngoài nước quan tâm luôn gọi điện về hỏi thăm tình hình. Nhiều lãnh đạo các sở ban ngành của Quảng Nam cũng đặt câu hỏi đối với đoàn công tác về chất lượng TĐST2, cũng như mối liên hệ giữa động đất và việc rò rỉ nước trong thời gian qua. Liệu thân đập có xảy ra hiện tượng đứt gãy bên trong? “Giờ thân đập vẫn chảy nước. Người dân và chúng tôi vô cùng lo lắng, ai ở Bắc Trà My mới thấy căng thẳng đến mức nào” – ông Phong nói. Càng đáng lo hơn, khi TĐST2 hiện nay không hề có phương án về trường hợp xấu nhất, vì được thiết kế vĩnh cửu cũng như kịch bản di dân, phòng chống và diễn tập cho dân vùng hạ lưu. Trong khi phía hạ lưu hàng chục nghìn mạng người đang sinh sống.

Liệu có xử lý triệt để trước mùa mưa bão?

Trước tình hình trên, về hướng xử lý tình trạng thấm, HĐNTNN theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục phối hợp, chỉ đạo EVN và các bên có liên quan tiến hành khắc phục. Theo kế hoạch dự kiến, giao EVN chỉ đạo Ban QLDA thủy điện 3, các nhà thầu khẩn trương thực hiện việc tiêu nước trong hành lang, giảm áp lực nước thấm ở phía hạ lưu tiến tới giải quyết việc thấm nước ra mặt ngoài hạ lưu đập. EVN cũng sẽ chỉ đạo tư vấn thiết kế cùng với các chuyên gia khảo sát kỹ hiện trạng của đập, từ đó đưa ra giải pháp chống thấm triệt để và tổng thể cho đập. Hướng ưu tiên xử lý chống thấm tường thượng lưu đập, sau đó cắt dòng thấm phía hạ lưu kết hợp với việc tiếp tục tiêu nước trong hành lang đập. Việc xử lý thấm nêu trên phải hoàn thành trước mùa lũ năm 2012. Đồng thời, EVN chỉ đạo nhà máy thực hiện phát điện hết công suất để nước giảm nhanh và triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý như khoan phụt bê tông, lắp ống thoát nước... 

Liệu sự cố tại TĐST2 có thể vượt qua và đập sẽ đảm bảo an toàn?

EVN cho biết, sẽ chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc phân tích số liệu quan trắc để có thể đánh giá an toàn của đập. Cùng với đó, sau khi hoàn thành công tác xử lý thấm, EVN chỉ đạo Ban QLDA thủy điện 3, tư vấn thiết kế và các nhà thầu tổ chức đánh giá tổng thể chất lượng đập thông qua kết quả quan trắc, hồ sơ nghiệm thu thi công xây dựng đập đối chiếu với yêu cầu thiết kế, từ đó mới có cơ sở kết luận chính thức. Trong mọi trường hợp, yêu cầu phải đảm bảo khả năng chịu lực của đập, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du.

Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng BQL dự án thủy điện 3, mực nước hồ hiện tại là 167,3m và chỉ giảm 30cm so với ngày 21-2 do chỉ có một tổ máy phát điện, tổ máy còn lại đang bảo trì. Trong khi đó, ngay tại khe nhiệt số 16 sát tràn đập phía trái, những công nhân đang gom nước bằng cách nối các đường ống nhựa để dẫn nước về máng thoát nước. Hiện nay những khe nước hai bên tràn vẫn chảy, đặc biệt khe số 16 và số 11 nước vẫn chảy mạnh.

Còn về phía địa phương, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, cho rằng: “Cần có các trang thiết bị hiện đại kiểm tra, quan trắc bên trong thân đập có đứt gãy hay không. Chỉ khi nào khẳng định thân đập không có sự cố, không đứt gãy thì những giải thích về nguyên nhân rò rỉ mới an tâm được”.

Ông Tuấn cũng lo lắng, hiện nay việc khắc phục chỉ ở mức an dân, tức là chỉ làm nước ít xuất hiện trên bề mặt thân đập nhưng thực tế lượng nước thấm qua và đổ về hạ lưu vẫn không đổi. Theo quan sát của ông, lượng nước đổ về phải hơn rất nhiều so với báo cáo. Việc nước đổ về phía hạ lưu nhiều như vậy không biết có làm thủy hóa bêtông bên trong hay không?

Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cũng khẳng định: Nếu cần thiết phải hi sinh lợi ích kinh tế, ngừng việc tích nước, kiểm tra lại thân đập phía thượng lưu thì phải làm ngay để an lòng dân. Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định địa phương không thể đứng ra trả lời vấn đề cho nhân dân yên tâm được mà phải cơ quan cấp cao của trung ương, và phải giải thích một cách khách quan. “Công trình có sai sót trong thi công, trong thiết kế mới chảy nước ra, chứ không thể nói là nằm trong sự cho phép được”, ông Hải nói.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất