| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 05/01/2024 , 17:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:30 - 05/01/2024

Thực thi công vụ để chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp?

Thực thi công vụ được xã hội giao phó, nhưng các bị cáo trong vụ án Việt Á khi bị buộc tội đưa và nhận hối lộ lại cho rằng ‘chia sẻ lợi nhuận’.

Thực thi công vụ luôn gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, dù cấp cao hay cấp thấp. Thế nhưng, một số cán bộ tha hóa đã tranh thủ thực thi công vụ để trục lợi cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng vụ án Việt Á đang xét xử tại Tòa án nhân dân Hà Nội, thì rõ ràng quá trình thực thi công vụ chống Covid-19, đã biến tướng thành giao dịch khuất tất giữa cán bộ suy đồi và doanh nghiệp gian trá.

Những bị cáo trong vụ án Việt Á như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và các cán bộ khác như Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Huỳnh, Trịnh Thanh Hùng… đều nhận tiền của Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt để thao túng quy trình phê duyệt, lưu hành và thổi giá kit xét nghiệm. Các cựu cán bộ phân bua nhận hối lộ là “quà cảm ơn”, còn Phan Quốc Việt khai: “Bị cáo nhận thức việc hối lộ là sai, nhưng chia sẻ lợi nhuận thì không sai. Việc chia sẻ lợi nhuận không sai, nhưng ở Việt Nam nhạy cảm”.

Câu hỏi đặt ra, cán bộ thực thi công vụ có được phép chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp không? Chắc chắn không. Thực thi công vụ là đang được xã hội giao phó để xử lý các hoạt động nhằm mang lại hiệu quả ích nước lợi dân. Cán bộ thực thi công vụ phải xem lợi ích cộng đồng là trên hết và duy nhất. Cho nên, khái niệm “chia sẻ lợi ích” trong thực thi công vụ, hoàn toàn mang tính chất ngụy biện và bịp bợm.

Muốn “chia sẻ lợi ích” thì cá nhân hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp ký kết với doanh nghiệp. Còn khi đã thực thi công vụ mà cán bộ hướng đến mục đích “chia sẻ lợi nhuận”, thì hình thức giao kèo ấy đã cấu thành tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và “nhận hối lộ”. Đồng thời, cán bộ thực thi công vụ có mưu cầu “chia sẻ lợi nhuận” sẽ phát sinh một hình thức tham nhũng khác, tạm gọi là “tham nhũng chính sách”.  

Giữa vòng quay cuống cuồng của sự thèm khát thụ hưởng vật chất, đạo đức cán bộ trong thực thi công vụ đang có những biểu hiện rất đáng lo ngại. Trước một chủ trương, trước một dự án, trước một công trình thì không ít cán bộ kém tu dưỡng chỉ nắc nỏm bản thân sẽ được gì, thay vì phải đau đáu quần chúng sẽ được gì, Tổ quốc sẽ được gì, dân tộc sẽ được gì?

Vụ án Việt Á phơi bày nhiều sự thật nhức nhối. Ngay giữa bối cảnh sinh mạng hàng triệu đồng bào bị đe dọa nghiêm trọng vì đại dịch toàn cầu, mà vẫn nảy nòi toan tính “chia sẻ lợi nhuận” thì quá chua chát. Chẳng đặng đừng khi nhắc lại một nguyên tắc cơ bản, cán bộ thực thi công vụ phải nhận lãnh cùng lúc hai sự ủy nhiệm, ủy nhiệm về quản lý và ủy nhiệm về gương mẫu. Nếu hai sự ủy nhiệm ấy khập khiễng, sẽ dẫn đến hệ lụy bi thảm bởi những động cơ thấp hèn.   

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm