Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên, kéo dài hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ vào tối thứ Ba. Theo đó hai bên nêu rõ các vấn đề kinh tế và thương mại cùng quan tâm và đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường trao đổi thông tin về các chính sách kinh tế của nhau.
Mặc dù vấn đề kinh tế và thương mại không phải là trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh, hội nghị được mong đợi từ lâu được coi là tạo ra âm hưởng cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời làm dịu đi các lệnh trừng phạt của cựu Tổng thống Donald Trump về thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Thị trường tài chính toàn cầu đã đồng loạt có phản ứng tích cực, tăng mạnh trở lại sau cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Dự kiến hoạt động giao thương song phương cũng sẽ tăng lên, do Bắc Kinh đã nhất trí nâng cấp một bản “thỏa thuận nhanh” nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rộng đường đến Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, một khi quan hệ kinh tế giữa hai nước đang trên đà hướng tới hợp tác nhiều hơn, khu vực nông nghiệp Mỹ có cơ hội tăng gấp đôi nỗ lực mở rộng hợp tác với Trung Quốc và khai thác vào thị trường rộng lớn này.
Dong Shaopeng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Renmin của Trung Quốc, nói rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ cả ở trong và ngoài nước đều tăng sau cuộc gặp thượng đỉnh, có thể phản ánh kỳ vọng của thị trường đối với việc xuất khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc sang Mỹ trong những tháng tới.
Các nhà quan sát coi sự kiện vừa kết thúc là một động lực cho thị trường tài chính thế giới vì nó mang lại sự chắc chắn cho tương lai của mối quan hệ Mỹ - Trung vốn được thiết lập để vực dậy tâm lý thị trường.
Trong cuộc gặp hôm thứ Ba, ông Tập Cận Bình đã mô tả quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ về bản chất là đôi bên cùng có lợi và hai bên cần "làm cho chiếc bánh lớn hơn" thông qua hợp tác, một nhận xét mà các nhà phân tích cho rằng đã gửi đi những tín hiệu tích cực cho tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo ông Zhang Xiaoping, giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ (USSEC), Trung Quốc và Mỹ có nhiều lĩnh vực mà họ có thể hợp tác trong nông nghiệp như hệ thống canh tác, xu hướng sản xuất lớn để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp. Ngoài nông nghiệp, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng có thể khởi động hợp tác kinh tế từ lĩnh vực năng lượng sạch, do Mỹ có công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này.
Mặc dù các vấn đề kinh tế và thương mại không phải là trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Trung hôm qua, nhưng cuộc gặp gỡ được mong đợi từ lâu này được coi là động thái mới cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa hai cường quốc, sau khi làm dịu đi những căng thẳng kéo dài của cuộc chiến tranh thương mại từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Cuộc họp giữa ông Tập và ông Biden đã đặt ra định hướng chung cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm vượt qua khó khăn và cả hai bên đều đã nhận ra điểm chung để mở rộng hợp tác", Gao Lingyun, chuyên gia tại Học viện Trung Quốc Khoa học xã hội ở Bắc Kinh, người đã theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng vẫn còn một số tranh chấp giữa hai bên cần phải thương lượng tiếp trong bối cảnh lạm phát tăng cao hay chính sách tài chính lỏng lẻo bất thường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu nhóm đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ, là một trong số những người tham gia hội nghị thượng đỉnh. Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen là một trong những quan chức kinh tế hàng đầu tham dự sự kiện.
Phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp, bà Yellen nói với đài CBS rằng việc dỡ bỏ thuế quan mà chính quyền thời ông Trump áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc "sẽ tạo ra một số khác biệt" đối với lạm phát, đồng thời nói thêm rằng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đang "xem xét lại" bản thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Bắc Kinh.