"Nhờ sự làm việc chăm chỉ của tất cả các nhóm, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi chính thức tuyên bố thông qua tuyên bố chung này", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 9/9.
Việc các quốc gia nhất trí thông qua tuyên chung khiến giới quan sát bất ngờ, trong bối cảnh nhóm G20 bị chia rẽ sâu sắc bởi vấn đề liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Các quốc gia phương Tây trước đó quyết tâm lên án mạnh mẽ Nga tại G20, trong khi những nước khác yêu cầu hội nghị nên chú trọng vào các vấn đề kinh tế hơn.
Ông Amitabh Kant, người đứng đầu đoàn đàm phán G20 của Ấn Độ, thông tin đã có "100% sự đồng thuận từ tất cả các nước" đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố chung.
Theo ông Kant, để đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung, đã có "những cuộc đàm phán rất khó khăn diễn ra không ngừng nghỉ trong vài ngày và tôi thực sự cảm thấy rằng cuối cùng nó đã được giải quyết nhờ sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi".
Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi không đề cập trực tiếp đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga hay yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, thay vào đó chỉ tuyên bố rằng “tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách xâm hại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.
"Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được", tuyên bố nói thêm.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng tuyên bố này "không có gì đáng tự hào", đồng thời cho rằng sự có mặt của Ukraine sẽ giúp các bên tham gia hội nghị hiểu rõ hơn về tình hình.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tuyên bố chung này đã thể hiện rõ ràng lập trường về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bằng cách nói rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia không thể bị xâm phạm bằng bạo lực.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng tuyên bố này có "ngôn từ rất mạnh mẽ về cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine".
Tuyên bố cũng kêu gọi các bên khôi phục sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Hồi tháng 7/2023, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng việc xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này gặp phải những trở ngại nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết Trung Quốc, một đồng minh của Nga, đã ủng hộ tuyên bố này. "Các bên có quan điểm và lợi ích xung đột với nhau, nhưng chúng tôi đã có thể tìm thấy điểm chung cho tất cả các vấn đề", ông nói trong một cuộc họp báo.
Bên cạnh đó, tuyên bố chung cho biết nhóm G20 cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, chấp nhận đề xuất đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử. Tuyên bố chung G20 cũng kêu gọi các nước nhanh chóng “giảm dần sử dụng năng lượng than”, song cho biết điều này phải được thực hiện "phù hợp với bối cảnh quốc gia".