| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu 'Bò tơ Tây Ninh' đang bị lạm dụng

Thứ Ba 04/04/2023 , 12:11 (GMT+7)

Hiện, bò tơ Tây Ninh đang bị lạm dụng thương hiệu, thậm chí có hiện tượng bò nhập lậu sử dụng chất cấm… bán với danh nghĩa 'Bò tơ Tây Ninh' cần phải ngăn chặn.

Các sản phẩm thịt được gán mác là

Các sản phẩm thịt được gán mác "Bò tơ Tây Ninh" được bày bán tràn lan dọc các tuyến đường ngoại ô TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Tràn lan thịt "Bò tơ Tây Ninh" bán lề đường

Dọc theo tuyến quốc lộ 22, hướng Củ Chi về Hóc Môn, hàng chục điểm bán treo bảng “Bò tơ Tây Ninh” nhưng lại có giá cực rẻ. Những điểm bán này thường chọn nơi có dân cư đông đúc, gần các cổng khu công nghiệp, đông người qua lại.

Theo tìm hiểu của PV Nông nghiệp Việt Nam, các điểm này bán thịt bò có giá từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, trong khi giá thịt "Bò tơ Tây Ninh" chính gốc tại địa phương cũng dao động từ 320.00 - 390.000 đồng/kg.

Khi hỏi về nguyên nhân giá thành của "Bò tơ Tây Ninh" lại rẻ như vậy, sao đủ lời, người bán chỉ trả lời chung chung là lấy hàng nguyên con nên được giá tốt, bán theo giá sỉ. Hay người phụ nữ bán tại đối diện cổng Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi) trả lời khôn khéo hơn: do nhà nuôi nên mổ bán mới có giá thành rẻ như thế.

Khi PV định mua để kiểm chứng chất lượng thịt bò tơ được một người đàn ông cản, nói nhỏ: “Không phải "Bò tơ Tây Ninh" đâu anh, thịt dai, không được chắc mà không có mùi vị thơm đặc trưng. Bò quê em nên em biết”. Người bán sau đó liền chửi thề, đuổi cả vị khách kia và PV đi.

Tương tự, gần KCN Vĩnh Lộc (TP.HCM) hay Tân Đức (Long An)… biển treo thịt "Bò tơ Tây Ninh" cũng được bày bán với nhiều điểm khác nhau. Hầu hết là bò từ các lò mổ tự phát, không có nguồn gốc rõ ràng.

Nghịch lý, "Bò tơ Tây Ninh" được bày bán sôi động tại các khu vực giáp ranh với tỉnh như vậy tại Tây Ninh, PV tìm đỏ mắt mới thấy 1 - 2 địa điểm bán bò tơ. Tất nhiên, giá thịt bò cao hơn những nơi khác. Người bán quả quyết: “Nếu những điểm bán đó đúng là bò tơ Tây Ninh mà giá tốt như vậy, bao nhiêu cũng để lại cho chị”!

Cơ sở chăn nuôi bò vi phạm quy định vì sử dụng chất cấm. Ảnh: Sở NN-PTNT Tây Ninh cung cấp

Cơ sở chăn nuôi bò vi phạm quy định vì sử dụng chất cấm. Ảnh: SNNPTNTTN.

Thống kê của Ủy ban Biên giới quốc gia, đường biên giới giữa tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia dài 220km, địa hình tương đối bằng phẳng. Tiếp giáp biên giới giữa hai quốc gia đa phần là cánh đồng lúa trải dài, trâu bò phía Campuchia thường thả rông nên khó tránh khỏi tình trạng tràn sang biên giới Việt Nam. Điều này vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để buôn lậu trâu bò.

Hồi đầu tháng 3/2023, Công an huyện Châu Thành (Tây Ninh) mới bắt giữ năm người để điều tra về tội buôn lậu bò. Theo đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Tây Ninh phối hợp Công an huyện Châu Thành bắt quả tang tại trại bò của Nguyễn Văn Dũng (ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành) đang nuôi nhốt 37 con bò nhập lậu từ Campuchia. Điều tra mở rộng, công an tiếp tục phát tại trại bò của ông Trương Văn Hiếu đang nuôi nhốt 18 con bò nhập lậu từ Campuchia.

Cả năm người khai nhận, họ chung vốn mua 55 con bò từ Campuchia về Việt Nam để bán kiếm lời. Nếu thuận lợi, số bò trên sẽ được chở đến các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP. HCM bán lại với thương hiệu bò tơ Tây Ninh chính gốc.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, ngoài vấn đề an toàn dịch bệnh thì hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu bò tơ Tây Ninh, một đặc sản của tỉnh.

“Chúng tôi được biết, về phía nước bạn có những trang trại chuyên vỗ béo bò thịt bằng cách sử dụng những chất cấm để tạo nạc, sau đó bán sang Việt Nam. Thậm chí, có cả người Việt trực tiếp điều hành những đường dây này. Tất niên, nếu người tiêu dùng sử dụng những loại nạc bò này ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến sức khỏe”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra 2 quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh Lê Phú Thọ (ấp Hiệp Thành, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) và hộ bà Nguyễn Thị Tiền (ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên). Theo quyết định, cả hai hộ trên đều bị xử phạt số tiền 55 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm (Salbutamol) trong chăn nuôi. Rất may, cả 2 hộ chăn nuôi bò có sử dụng chất cấm này đều được phát hiện kịp thời, nếu không, sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị đe dọa ra sao nếu sử dụng những sản phẩm chăn nuôi nguy hại này.

Salbutamol là thuốc dùng cho người với tên biệt dược là albuterol, Ibuterol… thuộc nhóm β-agonist (thụ thể beta) là nhóm chất được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) cấm sử dụng trong chăn nuôi, do tồn dư hợp chất này gây nguy cơ rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ… Salbutamol còn có thể gây nhược cơ, thậm chí là khiến cơ thể phát triển không bình thường.

Xây dựng thương hiệu "Bò tơ Tây Ninh" gắn với an toàn người tiêu dùng

Trước vấn nạn Tây Ninh đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để buôn lậu bò, vỗ béo bằng chất cấm… Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cho rằng, đây là hành động không thể dung túng.

“Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng, chốt trạm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò. Để trâu bò nhập lậu và dung túng hành động trái phép là có lỗi với nhân dân”, Đại tá Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Xác định việc chăn thả, nhập lậu trâu, bò qua biên giới không chỉ làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục,… mà còn không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân. Ngành chức năng địa phương đã quyết liệt ngăn chặn.

Tỉnh Tây Ninh đang tăng cường giám sát chặt các đàn trâu bò thả rông nhằm kiểm soát và chủ động phòng chống tình trạng buôn lậu trâu bò qua biên giới. Ảnh Lê Bình

Tỉnh Tây Ninh đang tăng cường giám sát chặt các đàn trâu bò thả rông nhằm kiểm soát và chủ động phòng chống tình trạng buôn lậu trâu bò qua biên giới. Ảnh: Lê Bình.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở đang tiếp tục tuyên truyền cho người dân, xử phạt nặng những trường hợp vi phạm.

“Chúng tôi đang tăng cường kiểm soát thật chặt khâu chăn nuôi, kiểm soát ngẫu nhiên tại các lò mổ để kiểm tra hàm lượng chất cấm... để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi trên thị trường là an toàn với mọi người. Đặc biệt, không để thương hiệu bò tơ Tây Ninh bị lợi dụng, ảnh hưởng và mất lòng tin. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi chân chính”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

UBND tỉnh Tây Ninh mới đây cũng đã đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò sản phẩm từ trâu, bò vào Việt Nam.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng quản lý chặt chẽ các cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò trái phép trên địa bàn quản lý.

Cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò qua biên giới. Hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới vào Việt Nam làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục…

Bộ NN-PTNT cho rằng, đây là trâu, bò nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất