| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu nào cho hoa Đà Lạt?

Thứ Hai 11/01/2010 , 12:08 (GMT+7)

Trên “sân chơi” quốc tế, hoa Đà Lạt – Lâm Đồng vẫn còn quá lép vế. Đến nay Lâm Đồng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cũng như việc quảng bá cho các loài hoa Đà Lạt…

Là trung tâm sản xuất hoa cắt cành lớn nhất cả nước, thế nhưng trên “sân chơi” quốc tế, hoa Đà Lạt – Lâm Đồng vẫn còn quá lép vế bởi cách sản xuất manh mún, mối liên kết giữa sản xuất và thị trường không chặt chẽ. Đến nay Lâm Đồng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cũng như việc quảng bá cho các loài hoa Đà Lạt…

Diện tích, sản lượng đột biến

Nghề trồng hoa Đà Lạt đã có bước phát triển vượt bậc trong 15 năm trở lại đây. Nếu năm 1995 chỉ có 120 ha sản xuất hoa cắt cành với những loài hoa chủ yếu như layơn, hoa hồng, đồng tiền với sản lượng khoảng 40 triệu cành thì đến năm 2009 đã phát triển được 3.500 ha (trong đó 1.521 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao), sản lượng 1,1 tỷ cành với doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu khoảng 110 triệu cành với giá trị kim ngạch đạt gần 13 triệu USD.

Đà Lạt còn là địa phương được đánh giá ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất hoa có chất lượng cao nhiều nhất toàn quốc. Theo đó đã sớm áp dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, có những doanh nghiệp đạt trình độ sản xuất công nghệ cao trong khu vực. Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã giúp nông dân tăng thu nhập lên rất nhiều. Nếu năm 2008 giá trị sản xuất bình quân của Lâm Đồng đạt 52 triệu đồng/ha/năm thì năm 2009 toàn tỉnh có 150.000 ha có thu nhập trên 60 triệu đồng, trong đó trên 10.000 ha đạt doanh thu từ 100 triệu – 2 tỷ đồng/ha/năm phần nhiều từ diện tích trồng hoa.

Mặc dù ngành trồng hoa phát triển vượt bậc về diện tích và năng suất, thế nhưng điểm yếu của ngành hoa Đà Lạt đó là việc sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung (bình quân mỗi hộ chỉ 0,3-0,4 ha). Mối liên kết giữa các nông dân với nhau và doanh nghiệp cũng chưa gắn kết. Trong khi đó, hệ thống cung cấp thông tin về thị trường cho người trồng hoa chưa có, việc quản lý sau thu hoạch còn lộ rõ nhiều yếu kém khiến cho chất lượng hoa thương phẩm còn thấp so với nhiều vùng trồng hoa trên thế giới đã làm giảm sức cạnh tranh…

Loay hoay tìm thương hiệu

TS Nguyễn Quốc Vọng – Trung tâm phát triển Quốc tế (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) khẳng định, để hoa Đà Lạt vươn ra khỏi thị trường trong nước và bước vào “sân chơi” lớn hơn như thị trường Châu Âu, Nhật, Mỹ thì cần phải xây dựng được thương hiệu. Muốn làm được việc này, Đà Lạt phải có quy trình công nghệ cao trong sản xuất hoa, đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và xuất khẩu. Trên thực tế, muốn xuất khẩu được thì phải chứng minh được hoa của Đà Lạt đẹp và có chất lượng cao.

TS Phạm S - Giám đốc Sở KH – CN Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, thương hiệu mạnh là chìa khóa vàng để khai thác tiềm năng thị trường. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hoa không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai dự án xây dựng thương hiệu cho hoa địa lan và sẽ được cấp giấy chứng nhận thương hiệu trong năm nay. Thời gian tới đây, Sở KH-CN sẽ tập trung nghiên cứu để xây dựng các thương hiệu hoa khô Đà Lạt, giống Invitro Đà Lạt.

Ông Nguyễn Đình Sơn – Giám đốc Cty CP rừng hoa Đà Lạt: Trải qua một lễ hội hoa cùng với 3 Festival hoa Đà Lạt nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở mức giới thiệu các loài hoa đến du khách. Các lễ hội tầm cỡ quốc tế này dường như vẫn chưa phải là nơi để lãnh đạo Lâm Đồng xem đó là dịp để hoạch định những chiến lược phát triển bền vững cho ngành hoa Đà Lạt trong bối cảnh hội nhập.

Ông Lê Văn Liền - TGĐ Cty CP hoa Đại Việt (một chuyên gia về hoa) cho rằng, để hoa Đà Lạt có thể bước chân vào các thị trường khó tính như Nhật, Úc, Mỹ và các nước Châu Âu thì quy trình sản xuất và khâu xử lý sau thu hoạch phải đảm bảo thì đòi hỏi người thực hiện có vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp và nông dân trồng hoa đều có nhu cầu lớn về vốn vay nhưng hiện nay chỉ được ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn (nguồn vốn vay trung hạn, dài hạn rất khó tiếp cận) nên không thể đáp ứng được. Đây là điều cần được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng quan tâm tháo gỡ để ngành hoa Đà Lạt phát triển như một thế mạnh của ngành nông nghiệp.

PGS-TS Dương Tấn Nhựt – Viện Sinh học Tây Nguyên nhìn ở một khía cạnh khác khi nhận định, để ngành hoa “hội nhập” thì phải cải thiện và tạo bước đột phá về giống hoa là yêu cầu cấp bách đối với ngành hoa Đà Lạt. Chúng ta phải lai tạo, sản xuất ra những giống hoa có bản quyền rồi mới xây dựng được thương hiệu. Thực tế cho thấy, người nông dân hoặc các doanh nghiệp sản xuất hoa ở quy mô nhỏ lẻ thì những ông chủ ở các nước khác có bản quyền của các giống hoa không khiếu kiện hoặc gây khó dễ, nhưng nếu sản xuất với quy mô lớn thì chúng ta sẽ gặp phải những rắc rối về bản quyền giống ngay. Bên cạnh đó, Đà Lạt cũng cần phải gấp rút xây dựng chợ hoa đầu mối ở một nơi thuận lợi về giao thông để có chỗ giới thiệu sản phẩm và cung cấp sản phẩm hoa tập trung. Có một điều đáng được quan tâm nữa là cùng một sản phẩm nhưng khi đem đi tiêu thụ ở thị trường quốc tế, giá hoa của Đà Lạt thường thấp hơn rất nhiều so với một số quốc gia khác.

Thiết nghĩ, để ngành hoa Đà Lạt phát triển tương xứng với tiềm năng thì lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cần có sự quan tâm đúng mức qua việc nhanh chóng tháo gỡ những bức xúc, tồn tại bấy lâu của ngành hoa nơi này.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.