| Hotline: 0983.970.780

Thương lái bỏ cọc, gây loạn giá sầu riêng

Thứ Sáu 15/12/2023 , 15:21 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Có tình trạng thương lái bỏ cọc do chốt giá cao nhưng đến lúc thu hoạch thì giá giảm, gây loạn giá, giá 'bong bóng', gây hoang mang cho người trồng...

Tại diễn đàn Khuyến nông @ "Sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông tổ chức ngày 15/12 tại Đắk Nông, bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân cho biết năm 2023 sầu riêng được mùa, được giá vì xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện nay sầu riêng Đắk Nông chưa xây dựng được chuỗi liên kết để sản xuất bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay sầu riêng Đắk Nông chưa xây dựng được chuỗi liên kết để sản xuất bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, việc mua bán sầu riềng hiện nay đa phần là sự thỏa thuận giữa thương lái và người dân nên khó kiểm soát về giá, dẫn đến có tình trạng thương lái bỏ cọc do chốt giá cao nhưng đến lúc thu hoạch thì giá giảm, gây loạn giá và thiệt hại cho người trồng.

Ngoài ra, do lợi nhuận cao từ việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên một số chủ vườn có tư tưởng trông chờ giá sầu riêng sẽ tiếp tục lên, vì vậy dẫn đến tình trạng tranh mua của các thương lái. 

Việc mua bán đa phần là sự thỏa thuận riêng giữa chủ vườn và thương lái nên công tác kiểm soát hoặc đề nghị thương lái mua sản phẩm cho chủ vườn theo một giá là rất khó. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến giá thị trường, gây loạn giá, giá "bong bóng", gây hoang mang cho người trồng, mặt khác ảnh hưởng đến việc thu mua của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết sản xuất bền vững.

“Hiện nay việc thu mua sầu riêng vẫn thông qua hệ thống thương lái là chủ yếu, doanh nghiệp trực tiếp liên kết và thu mua của nông hộ chưa nhiều, thiếu chuỗi liên kết vùng nguyên liệu quy mô lớn, có tính bền vững.

Diện tích sầu riêng tăng nóng, vượt quy hoạch nên kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, chưa thật sự chú trọng đến chất lượng, đang chạy theo về số lượng. Sản xuất sầu riêng chưa theo kế hoạch của các đơn vị chế biến nên có nguy cơ cung vượt cầu, nguồn hàng không chủ.

Các doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản nói chung cơ sở vật chất, quy mô còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất dẫn tới tình trạng không tiêu thụ hết nông sản, gây ra một số ùn ứ cục bộ vào mùa thu hoạch chính vụ dẫn tới giá cả và chất lượng bị ảnh hưởng”, bà Vân chia sẻ.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cũng cho rằng, diện tích sầu riêng của địa phương phát triển nhanh chóng, ồ ạt và vượt quy hoạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, thiếu sự bền vững, sâu bệnh gây hại nhiều, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người trồng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.