| Hotline: 0983.970.780

Thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cá, dân lồng bè Cát Bà trúng đậm

Chủ Nhật 26/03/2023 , 12:22 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Thương lái ồ ạt thu mua thủy sản các loại với giá cao, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Cát Bà đã trúng đậm, có người không còn cá để bán.

Người dân phấn khởi bán cá. Ảnh: Viết Cường.

Người dân phấn khởi bán cá. Ảnh: Viết Cường.

Hơn 1 tháng qua, hoạt động buôn bán và nuôi trồng thủy sản tại các lồng bè ở Cát Bà diễn ra náo nhiệt hơn bình thường. Cũng những con người ấy, vào thời điểm dịch Covid-19 đã từng thất vọng, từng nghĩ đến bỏ nghề nuôi trồng thủy sản do cá ế ẩm không bán được thì nay lại yêu đời đến lạ.

Gia đình ông Đinh Như Đang có 150 ô nuôi cá lồng bè, đợt dịch Covid-19 cũng như các hộ dân nuôi cá khác, ông Đang từng mất ăn mất ngủ khi hàng chục tấn cá cứ lớn lên theo thời gian mà giá cả thì càng ngày càng giảm. Có thời điểm do quá bí bách, gia đình ông Đang đã phải bán cá song với giá chỉ còn 120 nghìn đồng/1kg.

Sau khi vãn dịch, các hoạt động trở lại bình thường, nhất là sau Tết Nguyên đán 2023, thương lái mua cá nhiều, gia đình ông Đang đã bán được toàn bộ số cá tồn dư và đã thả được hàng vạn con giống mới.

Thư thả cho đàn cá con lúc nhúc ăn, ông Đinh Như Đang thi thoảng lại nhẩm hát một vài câu, nhà bên cạnh mấy người đàn ông đang lô nhô cân cá, trong nhà cũng mở nhạc xập xình, có nhà còn bật cả karaoke hát ngay buổi chiều giữa biển khơi.

Ông Đinh Như Đang thư thả cho cá ăn khi đã bán hết số cá tồn dư từ đợt dịch Covid-19. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đinh Như Đang thư thả cho cá ăn khi đã bán hết số cá tồn dư từ đợt dịch Covid-19. Ảnh: Đinh Mười.

“Từ trước tết bắt đầu bán được, còn ra giêng tôi có 40 tấn loại cá song trên 4kg, lúc đó mới bán được 200 nghìn đồng/1kg thôi, như thế tôi đã sướng lắm rồi”, ông Đang bộc bạch.

Cũng theo ông Đang, những ngày gần đây, thương lái Trung Quốc thường đến tận bè để mua và trả tiền trực tiếp, do các hộ dân không còn cá để bán nên mỗi ngày, thương lái Trung Quốc thu mua khoảng 4-5 tấn cá. Nếu có khoảng 40-50 tấn thì họ cũng mua ào hết ngay.

Hiện tại, loại cá song từ 1,5kg cho đến 3kg, thương lái Trung Quốc sẽ thu mua từ 280-300 nghìn đồng/1 kg, còn cá song Lai từ 1,5kg-2,5kg thì họ mua 280 nghìn đồng/1kg, còn loại trên 4kg thì họ mua 230 nghìn đồng/1kg. Giá này cao hơn nhiều so với thời điểm dịch Covid-19 và cao hơn hẳn so với những năm trước đây.

“Hơn 20 năm nuôi cá lồng bè ở Cát Bà, chưa bao giờ bán cá sướng như năm nay. Có bao nhiêu thì thương lái thu mua hết bấy nhiêu, họ mua tận nơi, giá rất cao”, ông Đang phấn chấn.

Gia đình ông Bùi Văn Luyện bán cá cho thương lái với giá cao ngay tại bè. Ảnh: Đinh Mười.

Gia đình ông Bùi Văn Luyện bán cá cho thương lái với giá cao ngay tại bè. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh lồng bè của gia đình ông Đang, các hộ gia đình khác như ông Đỗ Văn Toan, Nguyễn Văn Nam, ông Bùi Văn Luyện,… cũng hớn hở ra mặt khi hàng chục tấn cá đã được bán hết.

“Thời gian gần đây, tương lái mua rất mạnh, nhất là thương lái Trung Quốc, từ tết đến giờ tôi bán được mấy chục tấn, nay chỉ còn khoảng 10 tấn cá là loại còn bé, tôi đang nuôi cho lớn hơn”, ông Đỗ Văn Toan chia sẻ.

Tiếp tục ghi nhận, ngoài việc hoạt động buôn bán cá diễn ra thuận lợi, sau khi đã thực hiện việc tháo dỡ, cắt giảm cũng như di chuyển đến các địa điểm mới theo chủ trương của TP Hải Phòng, nhiều hộ dân đã thả giống mới để phục vụ cho nhu cầu của thị trường.

Nhiều hộ nuôi cá lồng bè nhận định, hiện tại cá song ở các nơi trong nước đang rất khan hiếm và thị trường Trung Quốc là càng ít, do vậy vào mùa hè khi khi du lịch hoạt động trở lại sôi động cá song sẽ khan hiếm.

Nhiều hộ dân đang sửa lại lười, lồng bè để nuôi lứa cá mới. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân đang sửa lại lười, lồng bè để nuôi lứa cá mới. Ảnh: Đinh Mười.

Do vậy, nhiều hộ dân đã tính đến việc dừng bán cá, nhất là những loại cá từ 2 đến 3 kg để phục vụ nhu cầu du lịch và bán được giá hơn, bù lỗ cho thời điểm dịch Covid-19.

“Chúng tôi đã khảo sát, cá song các nơi đều khan hiếm, hiện tại chỉ còn Cát Bà là nhiều cá, thương lái các nơi đều phải đổ về đây để mua. Do đó, ngoài việc để lại 20 tấn cá hơn 2kg, vừa rồi tôi bắt 4 vạn con cá song giống để nuôi với giá 100 nghìn đồng/1con”, một hộ dân chia sẻ.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Cát Hải ghi nhận, sau dịch Covid-19, khi hoạt động du lịch trở lại, việc tiêu thụ thủy sản lồng bè diễn ra tốt hơn, đặc biệt là sau tết nguyên đán 2023.

Hiện nay, toàn bộ các lồng bè ở Cát Bà chỉ còn khoảng 300 tấn cá và 5.000m2 giàn nhuyễn thể. Số lượng thủy sản này còn đọng lại do một số hộ dân sau khi tháo dỡ, chuyển về vị trí mới đã bắt đầu nuôi và 1 số hộ còn om cá, chưa muốn bán, đợi giá cao hơn.

Việc thương lái các nơi ồ ạt về thu mua thủy sản đã giúp giải phóng hàng nghìn tấn cá trong thời gian ngắn, điều mà trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra chưa làm được.

“Hiện nay, đã có 411/440 lồng bè đã di chuyển theo yêu cầu, trong đó có 405 lồng bè phải tháo dỡ toàn phần đi chỗ khác. Việc giải phóng được thủy sản sẽ giúp cho việc giải tỏa lồng bè thuận lợi hơn. Theo kế hoạch, chậm nhất là 30/6/2023 sẽ hoàn thành việc tháo dỡ, di dời các lồng bè, tuy nhiên, địa phương đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 4”, lãnh đạo UBND huyện Cát Hải cho hay.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.