| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế từ cây trồng chủ lực

Thủy chung với cây sắn

Thứ Ba 14/03/2023 , 06:10 (GMT+7)

'Với huyện Krông Pa, có hai loại cây vĩnh viễn không bao giờ thay thế, đó là cây thuốc lá và cây sắn', ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa khẳng định.

HÌNH RẪY MỲ 2

Sắn là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Trên 22 ngàn ha toàn huyện

Quan điểm chắc nịch của ông Chủ tịch UBND huyện cho thấy cây sắn giữ một vai trò không hề nhỏ trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Bài liên quan

Với hơn 80 ngàn ha sắn được trồng hàng năm, tỉnh Gia Lai đang dẫn đầu cả nước về vùng nguyên liệu sắn. Chính bởi dễ trồng, vốn đầu tư thấp nên sắn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân tại các huyện phía đông và đông nam tỉnh Gia Lai.

Riêng huyện Krông Pa có diện tích sắn dẫn đầu tỉnh với hơn 22 ngàn ha trồng trong 2 vụ của năm 2022. Kế hoạch của huyện là năm 2023 vẫn giữ nguyên diện tích sắn trên 22 ngàn ha. Đến cuối thàng 2/2023, Krông Pa đã trồng được 1.359ha, tập trung nhiều ở các xã Ia Dreh 165ha, Krông Năng 155ha, Chư Ngọc và Ia Rok, mỗi xã có 125ha…

Do có quỹ đất dồi dào với khoảng 50 ngàn ha diện tích đất nông nghiệp, có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây sắn nên huyện Krông Pa xác định rõ phát triển cây sắn trên cơ sở bền vững, dùng làm một trong những cây trồng xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

“Hoàn toàn không phải lo vấn đề đầu ra của sản phẩm sắn, bởi trên địa bàn huyện có hai nhà máy sắn, chuyên thu mua nguyên liệu sắn của bà con, chưa kể đội ngũ tư thương đông đảo, luôn sẵn sàng cạnh tranh để thu mua được nguồn sắn trên địa bàn”, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết.

Với những lợi thế như trên, Krông Pa đầu tư mạnh cho cây sắn là hoàn toàn hợp lý. Theo đó, nông dân trên địa bàn huyện cũng đã mạnh dạn đầu tư cho loại cây trồng này.

HÌNH RẪY MỲ 1 4

Người dân Krông Pa gắn bó với cây sắn từ rất lâu. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trương Văn Quyền (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) có 2,5ha đất trồng sắn từ nhiều năm nay. Tuy năm được năm mất do giá cả bấp bênh, do khô hạn hoặc bệnh khảm lá, nhưng gia đình ông vẫn thủy chung với cây sắn.

“Gắn bó với mảnh đất này, với cây sắn từ nhiều năm nay rồi, tuy có năm được năm kém, nhưng gia đình tôi vẫn quyết theo cây sắn. Nghe nói huyện đang nỗ lực tìm giống sắn mới kháng bệnh, cho năng suất cao nên nông dân như chúng tôi vui lắm, hoàn toàn tin tưởng vào tương lai cây sắn của huyện nhà”, ông Quyền chia sẻ.

Còn ở buôn Prông (xã Ia M’lăh), từ nhiều năm nay, gia đình ông Sil Pin trồng hơn 2ha sắn giống HL-S12, Vụ sắn năm 2021, vườn sắn của gia đình ông gần như bị mất trắng do bệnh khảm lá. “Những cây sắn của gia đình bị bệnh khảm lá rồi úa vàng, sau đó từ từ rơi rụng, chỉ còn lại thân cây trơ trụi. Bệnh khảm lá gần như phá hủy hết cả vườn sắn không thu hoạch được củ nào”, ông Sil Pin ngậm ngùi nhớ lại vụ sắn "đắng" năm đó. Song “đồng đất này rất phù hợp với cây sắn. Sắn bị bệnh là do chất lượng cây giống không đảm bảo, mình tìm loại giống tốt, kháng được sâu bệnh thì sẽ cho thu hoạch tốt thôi”, ông Sil Pin vẫn tin tưởng.

Cùng nông dân gỡ khó

“Đã xác định là cây trồng chủ lực thì bằng mọi giá phải tìm ra biện pháp để cùng với nông dân gỡ khó, xây dựng nên những cánh đồng sắn mang tên… sắn Krông Pa”, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa tràn đầy quyết tâm.

HÌNH RẪY MỲ 1 6

Huyện Krông Pa thực hiện tái cơ cấu để phát triển sắn bền vững. Ảnh: Đăng Lâm.

Những năm qua, cơ cấu giống sắn của tỉnh Gia Lai nói chung và của vựa sắn huyện Krông Pa nói riêng chủ yếu là KM94, KM419, KM140 và KM98.5. Trong đó, giống KM94 được trồng phổ biến, chiếm 39% tổng diện tích.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Để cây sắn phát triển bền vững, huyện sẽ tập trung đưa ra nhiều giải pháp cho người dân. Trước tiên cần thay đổi các giống dễ bị bệnh khảm lá, đồng thời hỗ trợ người dân cung cấp các giống sạch bệnh. Hiện nay phòng NN-PTNT đã tìm được giống sắn sạch bệnh HN3 và HN5. Qua trồng thử nghiệm thì thấy giống sắn này cho năng suất cao và đặc biệt không bị bệnh khảm lá”.

Nguyên nhân của bệnh khảm lá sắn là do người dân thường sử dụng hom giống cũ không đảm bảo chất lượng hoặc giống không rõ nguồn gốc. Thêm nữa, đây là bệnh chưa có thuốc đặc trị và chưa có hom giống mì sạch, kháng bệnh hoàn toàn, dẫn đến lây lan trên phạm vi rộng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên năm nào, phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cũng thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hom giống sắn vào địa bàn, kiên quyết ngăn chặn giống sắn dễ bị nhiễm bệnh. Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, ngành nông nghiệp huyện đã cho trồng thử nghiệm hơn 5ha giống sắn HN3 và HN5. Qua thử nghiệm, nhìn chung năng suất, chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, giống này có giá thành tương đối cao (khoảng hơn 200 ngàn đồng/20 cây), người dân khó có thể tiếp cận được.

“Vụ sắn năm 2022, phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ nông dân các xã trên địa bàn trồng 20ha giống HN3 và HN5, từ đó làm cở sở nhân rộng giống mới này cho người dân sử dụng. Trước mắt, người dân nên sử dụng giống KM94 dù năng suất không cao nhưng khả năng kháng bệnh khảm lá rất tốt”, ông Châu khuyến cáo.

Bên cạnh nỗ lực của ngành nông nghiệp, chính quyền huyện cũng đã rốt ráo chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm mọi biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn sắn của huyện.

597_5969.00_33_10_10.Still129

Giống sắn sạch bệnh sẽ được huyện Krông Pa triển khai mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Văn Thảo thì để có được những vườn sắn có khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất và chất lượng củ cao, cần phải giải quyết tốt hai vấn đề. Trước tiên, phải tập trung tìm hiểu và áp dụng triệt để những công nghệ canh tác tiên tiến, cụ thể là bằng mọi giá phải tận dụng nguồn nước để tưới, phát triển và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt. “Vườn sắn nào được tưới nước, năng suất sẽ tăng lên gấp đôi”, ông Thảo khẳng định.

Tiếp theo là phải thay đổi giống. “Kế hoạch đến năm 2024, muộn nhất là đến năm 2025, toàn bộ diện tích trồng sắn của huyện phải được trồng bằng giống sạch bệnh, cho năng suất và chất lượng cao”, ông Thảo cho biết. Trong năm 2022, hai loại giống HN3 và HN5 đã phủ được 20ha, huyện đã giao ngành nông nghiệp mở rộng thành 200ha trong năm 2023. Bên cạnh đó, phấn đấu đến cuối năm toàn huyện có 270ha giống sắn sạch để năm 2024 sẽ nhân lên thấp nhất cũng được 2.500ha trồng giống sắn sạch (với những vùng trồng có nước tưới thì 1ha sẽ nhân lên được 15ha giống cho vụ sau).

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.

Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2022, xuất khẩu đạt 760,29 nghìn tấn, trị giá 221,04 triệu USD, giảm 10,4% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn năm 2022 ở mức 290,7 USD/tấn, tăng 11,3% so với năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay, năm 2022, sắn và sản phẩm sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch tăng trưởng tốt so với năm 2021.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...