| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi Ia Mơr đánh thức đại ngàn [Bài 2]: Những vùng đất hồi sinh

Thứ Năm 08/02/2024 , 07:38 (GMT+7)

Bình quân mỗi hộ có 3ha đất canh tác nhưng xã Ia Lốp vẫn có 63% hộ nghèo. Kỳ tích chỉ xảy ra khi dòng nước hồ Ia Mơr chảy về những thôn làng.

Ruộng hoang biến thành “nồi cơm Thạch Sanh”

Những ngày cuối năm, nhiều nông hộ tại Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đăk Lăk) vẫn mải mê cày ruộng để gieo giống. Trước đây, vào dịp này người dân chỉ ở nhà, làm những việc nhỏ nhặt chờ Tết đến. Sự thay đổi này bắt đầu từ khi có dòng nước mát của Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr (Gia Lai) dẫn về.

Giữa trưa, dưới cái nắng hơn 33 độ C của xã biên giới, nơi được xem là nóng nhất của tỉnh Đăk Lăk, anh Lương Văn Nhất (25 tuổi, ngụ làng Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp) đang tất bật cày hơn 2ha ruộng để kịp xuống giống trước Tết.

Nhất cho biết, gia đình từ Thanh Hóa về đây sinh sống gần 20 năm và có được 2ha đất làm lúa nước. Tuy nhiên, do thiếu nước nên gia đình chỉ làm được một vụ và để tưới cho lúa phải bơm từ suối, chi phí đội lên cao nhưng năng suất cũng không đạt.

Có nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr, anh Lương Văn Nhất tranh thủ cày ruộng để xuống giống trước dịp Tết. Ảnh: Quang Yên.

Có nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr, anh Lương Văn Nhất tranh thủ cày ruộng để xuống giống trước dịp Tết. Ảnh: Quang Yên.

Năm ngoái, khi nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr chảy về, gia đình mới bắt đầu cải tạo lại ruộng và làm 3 vụ với tổng sản lượng trên 10 tấn/ha/năm.

“Trước làm một vụ, gia đình đông người nên rất túng thiếu. Giờ đây, chúng tôi không chỉ no đủ mà còn dư giả. Nhà nước đầu tư kênh mương để cấp nước, bà con trong làng ai cũng mừng. Tết năm nay, gia đình tôi chưa mua sắm gì mà dồn lực để gieo sạ. Xong việc đồng áng mới tính chuyện ăn chơi”, anh Nhất chẳng thể ngờ những thửa ruộng người dân bao năm để cỏ mọc hoang lại trở thành “nồi cơm Thạch Sanh” cho cả vùng.

Tương tự, ông Đặng Giàu Hương (ngụ xã Ia Lốp) cũng đang tranh thủ cày xới hơn 1ha đất lúa của gia đình để xuống giống. Lão nông này vừa từ Gia Lai chuyển sang Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp để sinh sống và mua lại đất canh tác được 3 năm nay.

“Trước đây, chủ đất cũ chỉ biết trồng điều, trồng sắn nhưng mất mùa liên tục khiến cuộc sống người dân khổ hơn. Khi có nước, tôi chuyển đổi vườn điều sang trồng lúa, mặc dù không khá giả nhưng có cái ăn và không lo đói”, ông Hương nhấn mạnh.

Dòng nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr giúp vùng 'đất chết' khu vực biên giới Ea Súp hồi sinh với những cánh đồng xanh. Ảnh: Quang Yên.

Dòng nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr giúp vùng "đất chết" khu vực biên giới Ea Súp hồi sinh với những cánh đồng xanh. Ảnh: Quang Yên.

Ông Hoàng Văn Chiến, Trưởng Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp không giấu nổi niềm vui bởi sự đổi thay ngoạn mục của vùng đất này sau hàng chục năm sinh sống. Làng có hơn 120ha đất làm lúa nước. Khi chưa có kênh mương thủy lợi, người dân chỉ làm được một vụ, sản lượng 3-4 tấn/ha. Dù không đến mức đói ăn nhưng để phát triển kinh tế thì còn kém.

Từ năm ngoái đến năm nay, khi có nước người dân bắt đầu cải tạo những vườn cây không hiệu quả. Nhờ nước mà mỗi vụ người dân thu hoạch từ 8-9 tấn lúa/ha mỗi năm, đời sống của bà con ổn định, đi lên.

Trước đây khu vực này không có doanh nghiệp nào tìm đến hợp tác. Tuy nhiên từ khi có nước nhiều doanh nghiệp về xây dựng mô hình liên kết lúa sạch, thành lập HTX để trồng gấc. Khi tham gia vào các chuỗi liên kết này bà con phấn khởi, an tâm sản xuất.

Yên tâm bám trụ vùng biên

Năm 2005, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ia Mơr với dung tích trữ hơn 177 triệu m3. Mặc dù được khởi công năm 2007 nhưng vì một số lý do nên phải giãn tiến độ đến sau năm 2015.

Không chỉ hoàn thành xây dựng hồ, tuyến kênh chính nối hồ Ia Mơr về tỉnh Đăk Lăk cũng được đầu tư hoàn thiện hơn 2 năm nay. Nhờ đó, gần 5.000ha đất của xã Ia Lốp có nguồn tưới. Đi dọc theo tuyến kênh chính dài hơn 19km trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, người dân đã mạnh dạn cải tạo những khu vực canh tác kém hiệu quả. Thay vì cảnh cây cối cháy khô, đất để trống thì nay dọc theo tuyến kênh chính và các nhánh đã phủ một màu xanh mát dịu.

Những khu vực trước đây bỏ hoang tại xã Ia Lốp (Ea Súp) đang được người dân cải tạo để trồng trọt. Ảnh: Quang Yên.

Những khu vực trước đây bỏ hoang tại xã Ia Lốp (Ea Súp) đang được người dân cải tạo để trồng trọt. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lê Anh Ửng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lốp cho biết, địa phương có 1.700 hộ dân với 5.000ha đất canh tác (bình quân gần 3ha/hộ) nhưng tỷ lệ hộ nghèo tại xã trên 63%. Trước đây việc sản xuất của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng vì không có nước. Giờ đây, tuyến kênh dẫn nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr đã tưới cho gần 4.000ha.

Phó Chủ tịch xã Ia Lốp cũng thông tin: “Người dân ở đây chủ yếu là đi kinh tế mới từ Thanh Hóa và Bến Tre từ những năm 2000. Khu vực này đất rộng, bằng phẳng nhưng thiếu nguồn nước. Như bản thân tôi lên đây 20 năm nhưng vẫn chưa khá khẩm. Từ ngày có nước hồ Ia Mơr, cuộc sống của người dân khác hẳn.

Các hộ đang tiếp tục cải tạo đất để sản xuất lúa. Nếu có nước người dân sẽ trồng 2 vụ lúa. Còn vùng cây ăn trái thì cũng “uống” nguồn nước này để nâng cao năng suất. Cứ đà này, khoảng 3 năm nữa tỷ hộ nghèo của địa phương sẽ giảm xuống”.

Ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, xã Ia Lốp là xã biên giới, điều kiện tự nhiên ở đây khó khăn, việc sản xuất của người dân trước đây phụ thuộc vào tự nhiên, trông vào nước trời. Thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, một số hộ trước đây di dân làm kinh tế mới buộc phải trở về địa phương cũ.

Những cánh đồng lúa nước đang được triển khai tại xã Ia Lốp hứa hẹn cho người dân tại đây có cuộc sống đầy đủ. Ảnh: Quang Yên.

Những cánh đồng lúa nước đang được triển khai tại xã Ia Lốp hứa hẹn cho người dân tại đây có cuộc sống đầy đủ. Ảnh: Quang Yên.

Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ia Mơr cũng như các kênh dẫn được đầu tư trên địa bàn xã Ia Lốp. Việc đưa nước về xã Ia Lốp giúp cho địa phương này dần chủ động trong sản xuất nông nghiệp, người dân yên tâm ở lại vùng biên để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng cho biết, xã Ea Lốp của huyện có cánh đồng được nhận nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr, theo thiết kế là 4.000 ha. Theo tổng hợp sơ bộ thì hiện tại, gần một nửa diện tích nói trên đã được tưới nước từ thủy lợi Ia Mơr. Hiện còn 4 hộ dân chưa thống nhất đền bù giải tỏa, sau Tết Nguyên đán, địa phương sẽ làm việc dứt điểm.

“Thủy lợi Ia Mơr từ khi đưa nước về cánh đồng Ea Súp, đời sống kinh tế của bà con trong xã đã khá lên rất nhiều nhờ sản xuất lúa nước hai vụ, canh tác các loại cây trồng khác và phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, còn làm thay đổi tập tục canh tác lạc hậu của bà con từ ngàn đời nay, góp phần đáng kể trong việc cải tạo môi trường, làm thay đổi diện mạo nông thôn xã vùng biên Ea Lốp nói riêng, và của huyện Ea Súp nói chung”, ông Thắng khẳng định.

Xem thêm
Tàu cá vi phạm về VMS còn nhiều, Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để

Nếu không xử phạt nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS, khả năng gỡ được cảnh báo 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024 là rất thấp.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuẩn bị khánh thành tượng đài Bác Hồ cao 18m tại Phú Quốc

KIÊN GIANG Công trình tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc cao 18m và bức phù điêu 2 mặt dài 63m, với hình ảnh danh lam thắng cảnh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.