| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản 'đè thác ghềnh'

Thứ Bảy 02/01/2021 , 09:01 (GMT+7)

Nhờ nước ta kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và sự chuyển hướng kịp thời của các doanh nghiệp, đã giúp cho thủy sản Việt Nam đứng vững được trong năm 2020.

Tôm là điểm sáng của xuất khẩu thủy sản năm 2020. Ảnh: Sơn Trang.

Tôm là điểm sáng của xuất khẩu thủy sản năm 2020. Ảnh: Sơn Trang.

Phục hồi kịp thời nhờ những nỗ lực vượt khó

Nửa đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Quý I/2020, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,62 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Những thị trường bị tác động giảm nhiều nhất là Trung Quốc (-27%), EU (-16%), Hàn Quốc (-11%) và ASEAN (-7%).

Theo VASEP, do Covid-19, vào cuối quý 1, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp cho ngành thủy sản đứng vững trong đại dịch, bởi các trang trại, nhà máy chế biến thủy sản nhìn chung vẫn duy trì được hoạt động một cách bình thường.

Trong khi đó, do dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở Ấn Độ (hơn 9 triệu ca nhiễm bệnh tính đến cuối tháng 11/2020), đã khiến cho nước này phải kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới hàng tháng trời.

Vì thế, ngành nuôi và chế biến tôm bị tổn thương nặng nề vì thiếu lao động, nguồn tôm nguyên liệu giảm mạnh. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản nước lợ Ấn Độ, ngành tôm nước này có thể bị thiệt hại 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.

Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt tại thị trường Châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước châu Âu đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp thủy sản vẫn nỗ lực vượt khó, tìm đủ mọi cách để duy trì nguồn nguyên liệu, duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong bối cảnh mới.

Các doanh nghiệp, người nuôi đã nắm bắt tình hình khá tốt, cộng với việc Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, đã giúp cho nguồn thủy sản nguyên liệu cũng như thủy sản thành phẩm ở Việt Nam không bị thiếu hụt như ở nhiều nước khác, luôn sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhận thấy trong khi các dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn…) bị ảnh hưởng nặng nề do yêu cần giãn cách xã hội thì nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong các gia đình lại tăng lên do người dân nhiều nước ở nhà nhiều hơn, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng cung ứng cho các hệ thống bán lẻ.

Nhờ những nỗ lực đó, cộng với nhu cầu tăng trở lại khi nhiều thị trường nới lỏng giãn cách xã hội, từ tháng 6/2020, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu phục hồi. Mức tăng trưởng tuy rất khiêm tốn (tăng 0,3%), nhưng đã cho thấy ngành thủy sản Việt Nam bước đầu vượt qua khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bằng chứng là những tháng tiếp theo, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng, dù mức tăng vẫn còn rát thấp (tháng 7 và  8/2020 đều tăng dưới 1%).

Sang tháng 9/2020, xuất khẩu thủy sản có sự tăng trưởng tốt hơn hẳn với mức tăng 13,5%. Đặc biệt, tháng 10/2020, xuất khẩu thủy sản tuy chỉ tăng 10,3% so với tháng 10/2019, nhưng đã đạt 978,86 triệu USD, là mức xuất khẩu cao nhất trong 1 tháng mà ngành thủy sản đạt được từ trước đến nay.

Nhờ tăng trưởng liên tục từ tháng 6 đến tháng 10, nên dù giảm nhẹ trong tháng 11 (giảm gần 0,4% so với tháng 11/2019), xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2020 chỉ còn giảm 1,7% so với cùng kỳ và đạt 7,684 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, nhận định rằng, trong cả năm 2020, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,4-8,5 tỷ USD, gần bằng năm 2019 (8,54 tỷ USD).

Như vậy, tuy không tăng trưởng, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới thị trường hàng hóa toàn cầu, thì việc xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì được ở mức tương đương hoặc chỉ thấp hơn một chút so với năm 2020, cũng là một thành tích rất đáng ghi nhận.

Thu hoạch thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.

Thu hoạch thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.

Điểm sáng con tôm

Xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn giữ được kim ngạch ở mức gần tương đương với năm 2019, chủ yếu là nhờ vào sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm.

Theo Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), sau khi giảm trong năm 2020, nguồn cung tôm toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021, với mức tăng khoảng 8%. Sự chuyển hướng tiêu dùng sang lĩnh vực bán lẻ và những hy vọng về việc dịch vụ thực phẩm dần phục hồi trong năm 2021, sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ cũng như giá tôm trên toàn cầu.

Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, liên tục từ tháng 2 đến cuối năm 2020, xuất khẩu tôm vẫn duy trì được sự tăng trưởng dương. Trong đó, từ tháng 6 trở đi, xuất khẩu tôm liên tục tăng trưởng 2 con số.

Đến tháng 9 và tháng 10/2020, xuất khẩu tôm đều đạt mức tăng trưởng cao là 25%. Tháng 11/2020, xuất khẩu tôm tăng tới 28% và đạt 395 triệu USD, qua đó đưa giá trị xuất khẩu tôm trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2019.

Theo VASEP, với việc duy trì tăng trưởng tốt như trên, dự kiến trong cả năm 2020, xuất khẩu tôm có thể đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt trong năm 2020, trước hết là nhờ việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, qua đó đã tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm tốt hơn các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Ecuador…

Sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu tôm thẻ chân trắng, cũng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng chung của xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo báo cáo của Mirae Asset Securities (MAS), đại dịch Covid-19 buộc nhiều quốc gia thực thi lệnh giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến hoạt động của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng toàn cầu bị đình trệ. Hệ quả của vấn đề này là việc tiêu thụ các loại tôm cỡ lớn có giá trị cao như tôm sú, tôm hùm sụt giảm mạnh.

Ngược lại, do thu nhập bị ảnh hưởng, số lượng các bữa cơm gia đình tăng, nhu cầu thực phẩm ăn liền, đồ ăn nhanh như pizza cũng tăng lên. Do đó, nhu cầu về các loại tôm cỡ nhỏ hơn, rẻ hơn như tôm thẻ chân trắng, được cải thiện một cách mạnh mẽ.

Nhận định nói trên được thể hiện rất rõ nét trong cơ cấu tôm xuất khẩu của Việt Nam năm nay. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng 16% so với cùng kỳ 2019 và chiếm tới 72,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sú giảm 14% và chỉ còn chiếm tỷ trọng 15,7%.

Phải xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam

Thời buổi này, người tiêu dùng có ít thời gian. Do đó, khi vào siêu thị, họ thường lựa chọn những sản phẩm quen thuộc. Vì vậy, nếu không nỗ lực, kiên trì xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam thì làm sao thu hút người tiêu dùng? Nếu không ý thức xây dựng thương hiệu, sản phẩm tôm Việt Nam chỉ có thể tiêu thụ ở các hệ thống trung bình, giá cả trung bình, không thể làm chuyển biến chuỗi giá trị con tôm cũng như nâng tầm tôm Việt trên thương trường thế giới.

(TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta)

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.