Ngành thủy sản cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lợi trên biển suy giảm nghiêm trọng, tình trạng thu không bù chi tiếp diễn liên miên, giá cả thị trường không như mong đợi… là những vấn đề hết sức nan giải. Trong bối cảnh này vẫn có những điểm sáng đáng ngợi khen, thể hiện qua bước chuyển khá toàn diện của Nghệ An, địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về nghề biển.
Số liệu thống kê đã lột tả đúng bản chất của vấn đề. Trong tháng 10/2023 sản lượng khai thác thủy sản của Nghệ An ước đạt 19.435 tấn, quy đổi tương đương 389 tỷ đồng, trong đó khai thác biển đạt 18.740 tấn, bằng 101,52% so với cùng kỳ; khai thác nội đồng đạt 695 tấn, bằng 103,89% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến 18/10/2023, sản lượng khai thác đạt 178.902/KH 192.000 tấn, giá trị ước đạt 4.090,8 tỷ đồng, đạt 93,17% so với KH năm, bằng 103,18% cùng kỳ... đặt trong bối cảnh khốn khó con số trên thực sự mỹ mãn, cho thấy quyết tâm, nỗ lực cao độ của tất cả các bên, đặc biệt là ngư dân, những người trực tiếp vươn khơi bám biển.
Thu về con cá to, cho sản lượng lớn càng khẳng định ngành thủy sản Nghệ An đang chuyển dịch đúng hướng, đồng thời là lời khẳng định cho chủ trương phòng chống khai thác bất hợp pháp, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC.
Xác định đây là nội dung đặc biệt quan trọng, ngay từ đầu tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch, lộ trình bài bản và tập trung nguồn lực để thực hiện. Tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU, ban hành nghị quyết, chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU (hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực tại cảng cá…)
Đồng thời tăng cường, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ, để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 265/CĐ-TTg. Quyết tâm đi kèm với trách nhiệm là quan điểm của Nghệ An xuyên suốt 6 năm qua.
Vai trò của Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo IUU) được thể hiện đậm nét qua 24 cuộc họp, kiểm tra đánh giá tình hình, kết quả đạt được, cũng như nêu rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ.
Đối với công tác quản lý tàu cá, trên cơ sở hạn ngạch phân bổ, Nghệ An được cấp 1.242 giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, 654 giấy phép khai thác vùng lộng, 1.953 giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ với nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, chụp, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lồng bẫy…
Đến nay toàn tỉnh có 2.470 tàu cá đã được cấp đăng ký chứng nhận, 1.266/1.653 tàu cá đã tiến hành đăng kiểm; 919/1.115 tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, 100% tàu cá cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase.
Thực trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong thời gian gần đây, thể hiện qua số vụ vi phạm giảm mạnh. Trong tháng 10/2023 Chi cục Thủy sản đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, kết quả đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 1 vụ/1 đối tượng/1 phương tiện, sau đó bàn giao cho Đồn Biên phòng tuyến biển xử lý theo quy định.