Xác định gỡ cảnh báo “thẻ vàng” là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, mang tính cấp bách của Chính phủ và ngành thủy sản Việt Nam. Từ đó cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, các cấp, nganh, đơn vị liên quan cùng đông đảo ngư dân khắp cả nước đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm, cùng góp sức chung tay vì mục tiêu chung.
Để quản lý hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU, trước tiên cần khung pháp lý hoàn thiện, đồng bộ, hiện tại mọi việc đang đi đúng hướng. Qua rà soát ghi nhận dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) có sự “nâng cấp” rõ rệt so với những đợt thanh tra trước đó, việc lắp đặt thiết bị VMS đạt kết quả rất tốt, phủ sóng gần 100%.
Tín hiệu tích cực tiếp theo là ý thức, trách nhiệm của ngư dân, chủ tàu và các chủ thể liên quan trong việc chấp hành quy định pháp luật (ghi chép nhật ký khai thác; chủ động thông tin khi rời, cập bến; cam kết không đánh bắt vùng biển nước ngoài…), nhìn chung chuyển biến rõ rệt qua từng năm, điều này góp phần giảm tải áp lực cho của cơ quan chuyên ngành.
Ở chiều ngược lại, cơ bản vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong quá trình theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm, phầu nhiều bắt nguồn từ chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Nếu không sớm xử lý dứt điểm, rất khó để gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của EC.
Về phía tỉnh Nghệ An, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo IUU quốc gia, Bộ NN-PTNT về công tác chống khai thác IUU, thời gian qua tỉnh này đã tiến hành rà soát toàn bộ tàu cá, đồng thời cập nhật trên hệ thống Vnfishbase để chủ động quản lý, giám sát, từng bước đưa ngành nghề thủy sản vào guồng quay chuẩn chỉ nhất.
Hiện Nghệ An có hơn 3.400 phương tiện lớn nhỏ, qua phân loại có 2.707 tàu thuộc diện phải đăng ký, 1.643 tàu phải đăng kiểm, 1.106 tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (GSHT).
Trong bối cảnh nghề biển đối diện với muôn vàn thách thức (suy giảm nguồn lợi, thị trường bấp bênh, giá đầu vào tăng phi mã…), để chia sẻ, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, Nghệ An đã linh hoạt ban hành các Nghị quyết thiết thực trong công tác lắp đặt và duy trì tín hiệu thiết bị GSHT tàu cá, nhờ đó có 1.058/1.106 tàu cá đã lắp đặt GSHT, đạt tỷ lệ 95,66%.
Trong nỗ lực phát triển ngành nghề thủy sản theo hướng bền vững nhất, Nghệ An đã cho thấy sự quyết liệt trong quá trình xử lý hành vi vi phạm. Bằng chứng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 về quy chế phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát tàu cá.
Trong năm 2023 (tính đến ngày 11/12/2023) ghi nhận 17.894 lượt tàu mất kết nối. Lực lượng Biên phòng đã xử phạt 7 tàu cá vi phạm (có 2 tàu trên 24m) với số tiền 170 triệu đồng. UBND các huyện cũng đã làm việc với đại diện của 443 cá vi phạm, yêu cầu chủ tàu viết giải trình lý do mất kết nối. Đặc biệt hơn, đã yêu cầu các đơn vị cung cấp GSHT kiểm tra tình trạng hoạt động “chập chờn” của hệ thống thiết bị và làm rõ nguyên nhân, phải nêu cao trách nhiệm thay vì đến đâu hay đến đó.
Thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan chủ trì rà soát, điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm đối với tàu cá mất kết nối trên 10 ngày. Bên cạnh đó, các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng có trách nhiệm kiểm tra kỹ thiết bị GSHT tàu cá đảm bảo hoạt động tốt trước khi khởi hành.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá nâng cao chất lượng thiết bị, có giải pháp thông báo cho chủ tàu ngay khi gặp sự cố. Đồng thời có phương án xử lý nghiêm các đơn vị cung ứng sản phẩm không đảm bảo theo quy định.