Chúng tôi về xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh- Quảng Bình) ghé thăm nhà ông Nguyễn Mậu Sơn để xem chiếc thuyền trị giá 2 triệu đồng lại rất hiệu quả do ông tự “đóng” mới theo “công nghệ” tự sáng chế...
Vùng đất Quảng Ninh được bao bọc bởi hai con sông Kiến Giang và Đại Giang. Vì vậy, hàng năm dễ xảy ra lũ lụt. Có năm lũ quét làm hàng chục ngôi nhà, hàng chục người bị lũ cuốn trôi ra biển mất tích.
Người dân ở đây thường mua sắm thuyền gỗ để làm nghề đánh bắt và khi xảy ra cơ sự lũ lớn thì dùng thuyền đi cứu người, di chuyển lúa gạo. Do mỗi ngày gỗ rừng càng cạn kiệt. Gỗ lớn để đóng được thuyền ngày càng khan hiếm, đắt đỏ nên người dân không còn cơ hội sắm thuyền. Những con thuyền gỗ cũng dần vắng bóng.
Người ta thay thế thuyền gỗ bằng các loại thuyền đóng bằng nhôm, sắt. So với thuyền gỗ thì công dụng kém xa. Theo ông Sơn, thuyền nhôm vừa đắt, vừa ẩn chứa mối nguy hiểm.
“Thuyền gỗ lỡ khi bị sóng nước nhấn chìm thì cũng nổi lập lờ trên mặt nước chứ không chìm hẳn. Người ta cứ bám vào hai bên mẹn thuyền mà chờ người đến cứu giúp. Nếu là thuyền nhôm thì bị chìm mất tận đáy sông luôn. Khi thuyền nhôm bị chìm, nhiều người đã chết do đuối nước”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng bảo, thấy lũ năm ngoái khủng khiếp quá, nhà ai cũng kêu cứu vì không có phương tiện. Sau mấy đêm suy tính, ông Sơn nhớ chuyện phao bè nên đi mua hơn chục ống nhựa loại tốt có “phi” 90 chở về để làm…thuyền.
Đáy thuyền được kết nối bằng 7 ống nhựa lớn. Hai đầu được ông Sơn cắt nối cho vuốt ngược lên làm mũi, lái con thuyền. Mỗi bên mạn thuyền là hệ thống 5 ống nhựa nhỏ hơn được xếp chồng lên nhau.
Những ống nhựa để dài 4m, ông cắt nối thành 6m rồi ghép thành con thuyền. Phía sau đuôi thuyền được nối vắt ngược lên để khi cần là rắp máy đẩy vào cho thuận tiện.
Toàn bộ đáy thuyền, mạn thuyền được kết nối bằng những thanh thép mỏng. Con thuyền được chia làm 3 khoang. Thanh giằng mặt mạn thuyền được làm bằng thép chắc chắn.
Hai bên đáy thuyền, ông Sơn thiết kế kẹp chặt hai ống nước lớn làm ống giảm lắc cho con thuyền khỏi tròng trành. Khi sử dụng, trong lòng thuyền có thể lát tôn, ván hoặc tấm bạt dày là được, nước không vào lòng thuyền.
Khi dùng thuyền vận chuyển hàng nặng thì cho nước đầy vào hai ống giảm lắc. Thế là con thuyền đi nhẹ nhàng, không hề lắc lư nên vững tâm hơn
“Ưu điểm của con thuyền ống nhựa này là rất khó chìm và nếu nước vào đầy thì nó vẫn lập lờ nổi chứ không chìm nghỉm như thuyền nhôm vì mỗi ống nhựa được xem như một ống phao rồi”- ông Sơn lý giải.
Mấy hôm bão số 8 vừa rồi, ông Sơn hạ thủy con thuyền xuống để phục vụ bà con đi chở lúa gặt ở ngoài đồng. Vận chuyển vật dụng nặng ở vùng thấp đưa lên vùng cao.. Ông Sơn so sánh, nếu một thuyền nhôm có sức chở chỉ 3-5 người là có giá bán 6 - 7 triệu đồng.
“Trong khi đó, chi phí của thuyền ống nước chỉ hết 2 triệu đồng có sức chở đến 8 người lớn. Ngoài hệ số an toàn cao hơn hẳn thì thuyền ống nhựa đưa vào sử dụng làm đồng, thu hoạch lúa, vận chuyển hàng nặng cũng rất thuận tiện”- ông Sơn so sánh thêm..
Nhiều người dân ở Duy Ninh thấy cũng lạ đều đến xem và ai cũng khen sự tiện dụng, phù hợp, giá thành rẻ của con thuyền ống nhựa này.
Ông Phan Mậu Canh, một người cao tuổi bảo: “Bữa nay mới thấy thêm con thuyền ống nhựa. Có lẽ ống nhựa cũng khá bền, chịu được va đập trong mưa lũ nên cũng phải sắm một chiếc để dùng”.
Không hề giấu bí quyết làm nên con thuyền ống nhựa này. Ông Nguyễn Mậu Sơn bảo: “Tôi cũng muốn phổ biến cách làm thuyền này cho bà con vùng lũ để có phương tiện tốt, rẻ mà sử dụng… Nếu ai cần thì tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật làm thuyền cho”- ông Sơn bộc bạch tấm lòng.