| Hotline: 0983.970.780

Tỉ lệ tử vong do bệnh dại ở Tây Nguyên cao nhất cả nước

Thứ Bảy 23/03/2024 , 16:05 (GMT+7)

Tỉ lệ tử vong do bệnh dại ở các tỉnh Tây Nguyên trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao nhất cả nước.

Tử vong tăng do bệnh dại duy trì ở mức cao

Ngày 22/3, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo tập huấn giám sát bệnh dại tại tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính từ đầu năm 2024 đến nay đã có 27 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố, tăng 15 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tính từ năm 2013 tới nay cả nước có 887 ca tử vong vì bệnh dại.

Cũng từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 51 ổ dịch tại 23 tỉnh, thành phố, số chó mèo buộc phải tiêu hủy là 186 con. Đặc biệt, cả nước có 24 ổ dịch bệnh dại động vật tại 15 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Trong khi đó, tổng đàn chó mèo cả nước hơn 7 triệu con nhưng tỉ lệ tiêm phòng mới đạt khoảng 54%.

Ông Long đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống bệnh dại. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Long đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống bệnh dại. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, tỉ lệ tử vong do bệnh dại trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao nhất cả nước. Từ năm 2015 tới nay, các tỉnh Tây Nguyên có 110 ca tử vong do dại.

Nguyên nhân do tỉ lệ tiêm phòng vacxin dại vật nuôi tại các tỉnh Tây Nguyên thấp, một số ổ dịch dại thời gian gần đây không diễn ra theo quy luật dịch tễ, bệnh không chỉ bùng phát vào mùa nắng nóng mà cả những tháng cuối năm khi thời tiết lạnh.

Riêng tại Gia Lai, năm 2023 tỉnh này có số người tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước với 14 ca. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Gia Lai có thêm 2 người tử vong tại các huyện Chư Sê và Đức Cơ. Các bệnh nhân tử vong đều chưa được điều trị dự phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh có tổng đàn chó, mèo khá lớn với hơn 210.000 con, nhưng chủ yếu là nuôi thả rông.

Trong khi đó, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị dự phòng trên người chưa đảm bảo. Chẳng hạn, hầu như các huyện chưa có điểm tiêm vacxin và huyết thanh kháng dại để phục vụ điều trị.

Chưa kể, người nuôi chó, mèo chưa quan tâm việc tiêm vacxin phòng dại trên đàn vật nuôi, dẫn tới tỉ lệ tiêm phòng rất thấp, chỉ đạt khoảng 19% tổng đàn. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại vẫn còn hạn chế.

Để phòng, chống bệnh dại trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó cần thay đổi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm, cũng như cách phòng, chống bệnh dại.

Đặc biệt, các địa phương cần phải quản lý tốt đàn chó, mèo, bố trí kinh phí để triển khai tiêm phòng bệnh dại trên đàn vật nuôi, đảm bảo tỉ lệ đạt trên 70%.

Trách nhiệm hơn nữa trong phòng, chống bệnh dại

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong những năm qua, tình hình bệnh dại diễn biến rất phức tạp với nhiều người tử vong. Thậm chí, Việt Nam là 1 trong những quốc gia có nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại. Thậm chí, nhiều ca tử vong do chính chó nhà nuôi cắn phải.

Ông Long cho biết, thời gian qua chúng ta đã ban hành rất nhiều văn bản trong công tác phòng, chống bệnh dại nhưng lại không giám sát, tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt ở các tuyến huyện, xã gần như không nắm bắt được các văn bản quy định để thực hiện.

Trong khi đó, kế hoạch thực hiện việc phòng, chống bệnh dại cũng rất mơ hồ, không đúng với thực tế và thời điểm.

Về phòng, chống bệnh dại không được đổ lỗi cho dân mà trách nhiệm phải là lực lượng cán bộ địa phương. Chỉ những cán bộ này mới hiểu được thực tế, khó khăn của địa phương để thông tin tuyên truyền về việc triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại có hiệu quả.

Tử vong do bệnh dại cắn đang ở mức báo động. Ảnh: Tuấn Anh.

Tử vong do bệnh dại cắn đang ở mức báo động. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc đẩy lùi bệnh dại, vai trò các cơ quan tuyên truyền rất quan trọng, cần sự vào cuộc của truyền thông.

Về việc quản lý đàn chó, ông Long cho rằng, Chính phủ đã quy định rất rõ ràng, nuôi cho thì phải nhốt, nếu ra ngoài phải rọ mõm, nếu không sẽ bị xử phạt. Việc quản lý đàn chó là then chốt để đẩy lùi bệnh dại có hiệu quả.

Hiện nay, tình hình tiêm phòng vacxin bệnh dại tại các địa phương còn chậm. Hiện đang cao điểm mùa dịch mà chưa được tiêm, thậm chí nhiều địa phương còn chưa phê duyệt kế hoạch. Chờ phê duyện kế hoạch xong cũng phải đến tháng 6/2024, khi đó sẽ tăng nhiều ca tử vong và hàng trăm nghìn người khác bị chó, mèo cắn.

Cũng theo ông Long, số người mắc bệnh dại đang rất nhiều, Cục Thú y đã hỗ trợ xét nghệm miễn phí trên cả nước, nhưng không mấy địa phương quan tâm thực hiện.

“Chính vì vậy, rất mong cán bộ thú y và y tế dự phòng ở các địa phương cần trách nhiệm, triển khai quyết liệt hơn nữa để vì người dân kiểm soát tốt đàn chó và bệnh dại trên địa bàn. Mong muốn lớn nhất trong thời gian tới sẽ không có ai bị tử vong do bệnh dai”, ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Chục Thú y cho biết: “Tỉnh Gia Lai là 1 trong những địa phương có số ca tử vong do bệnh dại nhiều nhất. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn con chó, mèo. Vậy tại sao không mạnh dạn đề xuất tỉnh hỗ trợ khoảng 4 tỉ đồng để tiêm phòng vacxin với tỉ lệ 100% cho đàn chó, mèo. Việc đơn giản như vậy không thực hiện được để gây bức xúc cho toàn xã hội trong thời gian qua. Đến cả Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân nơi để xảy ra bệnh dại nguy cơ cao, mà Gia Lai nằm trong số đó”.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.