Ngày 21/3, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai liên quan đến công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
Khó khăn trong quản lý bệnh dại
Những năm qua, tỉnh Gia Lai là 1 trong những địa phương có ca bệnh dại tử vong cao nhất cả nước. Riêng năm 2023, Gia Lai ghi nhật có 14 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thú y đã đi khảo sát tình hình thực tế tại 2 huyện Chư Sê và Đức Cơ, nơi có những ca tử vong do bệnh dại trong những tháng đầu năm 2024.
Theo báo cáo của huyện Chư Sê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn trong năm 2024 là hơn 18.000 con. Trong năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn có 3 người chết do bệnh dại.
Trước tình hình bệnh dại đang ngày càng báo động, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp UBND xã triển khai các biện pháp phòng chống dại động vật theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh chuồng nuôi có người bị chó cắn chết để tiêu diệt mầm bệnh.
Đồng thời, vận động người dân chủ động mua vacxin phòng bệnh dại để tiêm cho đàn vật nuôi của gia đình. Mặt khác, tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn huyện bị chó cắn chủ động đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vacxin và kháng huyết thanh.
Trong khi đó, tại huyện Đức Cơ, từ đầu năm trên địa bàn cũng có 1 trường hợp tử vong do bên dại tại làng Lung Prông (xã Ia Kriêng). Qua xác minh, trường hợp bị tử vong do chó thả rông chưa được tiêm phòng cắn phải. Trong khi đó, gia đình cũng không kịp thời đưa đi tiêm phòng vacxin nên dẫn đến tử vong.
Theo đánh giá của các địa phương, do nguồn ngân sách còn hạn chế nên việc hỗ trợ tiêm phòng vacxin trên đàn cho nuôi đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu miễn dịch quần thể. Mặt khác, tập quán nuôi chó thả rông của người dân còn phổ biến nên công tác quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, người dân bị chó cắn còn chủ quan không tự giác khai báo và đi tiêm kháng huyết thanh dại.
Nhìn những khó khăn thực tế từ địa phương, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho biết, trên địa bàn xã có khoảng hơn 600 con chó, khó khăn nhất là kinh phí để hỗ trợ phòng, chống bệnh dại.
Bên cạnh đó, ý thức người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số về bệnh dại còn hạn chế. Đơn cử, dù chính quyền đã tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông đại chúng nhưng người dân vẫn không thực hiện.
Mặt khác, kinh tế của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên khi bị chó cắn cũng không dám bỏ tiền đi tiêm kháng huyết thanh dại. Chính vì vậy mà khi người dân bị chó cắn thì chính quyền cũng không nắm được.
Tuyên truyền rầm rộ nhằm tạo hiệu ứng tốt về công tác phòng, chống bệnh dại
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, việc nuôi chó đều có văn bản quy định pháp luật rõ ràng. Chẳng hạn, nuôi chó để thả rông sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí truy tố pháp luật nếu để chó cắn gây hậu quả chết người. Văn bản quy định rõ ràng là vậy nhưng khi xuống cơ sở, các địa phương chưa thực hiện hoặc than khó.
“Thả rông chó sẽ bị xử phạt hiện có trong văn bản quy định nhưng các địa phương đã thực hiện chưa mà kêu khó. Mức độ của chó cắn nguy hiểm như thế nào, quản lý nuôi cho ra sao chúng ta đã làm được chưa? Rõ ràng việc xử lý bệnh dại khi “trên thì đang nóng, dưới thì nguội”, ông Có chia sẻ.
Cũng theo ông Có, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức người dân, quyết liệt loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đã đưa ra nhiều vấn đề cần phân tích về việc phòng chống bệnh dại.
Cụ thể, Chính phủ và các tỉnh đều có văn bản quy định rất đầy đủ trong công tác phòng, chống bệnh dại, nhưng khi đưa xuống địa phương triển khai thực hiện chưa quyết liệt.
Ngoài ra, kế hoạch hàng năm mà các địa phương xây dựng chưa đúng thời điểm và sát với thực tế. Chính vì vậy, số liệu báo cáo vẫn không đúng theo quy định của Chính phủ.
Trong khi đó, khó khăn nhất vẫn là thông tin tuyên truyền đến các hộ dân nhằm nâng cao nhận thức về bệnh dại. Việc quản lý đàn chó vẫn là cốt lõi. Hiện chó chủ yếu thả rông nên rất khó kiểm soát. Chính vì vậy cần phải quản lý đàn cho tốt hơn tại các địa phương.
Liên quan đến việc tiêm vacxin, Cục Thú y đã đề nghị hỗ trợ vacxin rất nhiều cho tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, cốt lõi vẫn cần sự đồng hành của người nuôi chó để phủ rộng tiêm vacxin hiệu quả trên đàn vật nuôi.
Ngoài ra, cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tử vong do bệnh dại.
Cũng theo ông Long, hiện nay hệ thông thú y cơ sơ gần như không có nên khó tham mưa thực hiện phòng, chống bệnh dại. Chính vì vậy, tỉnh Gia Lai cần phải quan tâm phối kết hợp giữa hệ thống thú y và y tế dự phòng để công tác phòng, chống bệnh dại được hiệu quả.
“Từ những phân tích trên, tôi đề nghị UBND các xã cần quán triệt với làng, bản để triển khai quyết liệt trong tháng 3,4 về phòng, chống bệnh dại.
Tuyên truyền rầm rộ nhằm tạo hiệu ứng tốt về công tác phòng, chống bệnh dại. Về phía huyện, cần có buổi họp tổng thể hơn nữa để thực hiện tháng cao điểm về công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả”, ông Long chia sẻ.