| Hotline: 0983.970.780

Tỉa cành tạo tán, kỹ thuật căn bản khi trồng mắc ca

Thứ Ba 27/09/2022 , 14:25 (GMT+7)

ĐIỆN BIÊN Không chỉ tăng diện tích lá được quang hợp, giúp hạn chế gãy đổ, sâu bệnh, việc tỉa cành, tạo tán còn giúp người dân dễ thu hoạch quả mắc ca sau này.

Trời về cuối thu nhưng nắng vẫn như đổ lửa trên những dãy đồi cao quá 1.000m khắp bản Pa Sáng, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Dưới cái nóng hơn 35 độ C, anh Trần Văn Hải, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên vẫn cặm cụi hướng dẫn anh Hờ A Chu, Tổ trưởng Tổ sản xuất mắc ca trên địa bàn cách chăm sóc, nhất là tỉa cành tạo tán mắc ca.

ky thuat

Cán bộ kỹ thuật cẩn thận hướng dẫn bà con chăm sóc cây mắc ca, nhất là những cây mới gieo trồng. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo anh Hải, ngoài đòi hỏi về làm đất và bón phân như cây ăn quả thông thường, để năng suất, chất lượng quả mắc ca được đảm bảo, người trồng phải đặc biệt lưu ý đến việc tạo tán. "Hoa mắc ca không tự phát ở đầu cành mà mọc ra từ nách lá cành 1 - 2 tuổi, độc lập với phát lộc cành non. Vì thế việc tạo tán không chỉ giúp tối ưu hiệu quả quang hợp, mà còn hạn chế gãy đổ, sâu bệnh", anh chia sẻ.

Tán mắc ca tương đối nặng, nên việc cắt tỉa sẽ được thực hiện thường xuyên qua từng năm, quan trọng nhất là 2 - 3 năm đầu. Với cây có sức sinh trưởng mạnh, trung bình mỗi năm cây mắc ca thường phát lộc cành từ 3 - 4 lần. Từ khi ngọn non mọc ra cho đến khi đoạn cành thành thục kéo dài từ 35 - 40 ngày, mỗi đoạn cành lộc thành thục dài 35 - 60cm.

Do đó, khi bấm ngọn hoặc cắt tỉa (hủy ưu thế ngọn) thì các chồi bên được hình thành. Các chồi bên thường phát triển từ 3 chồi nách của 3 nách lá mọc đồng thời cùng lúc. Quá trình cắt tỉa cành, định hình tán phải tiến hành sớm, thậm chí là lúc cây mắc ca đạt 8 tháng tuổi.

doi macca

Những đồi trọc tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên nay được phủ dần cây mắc ca. Ảnh: Bảo Thắng.

Chăm chú ghi nhớ cách chăm cây, anh Hờ A Chu cho biết, đây là đợt thứ hai anh được cán bộ kỹ thuật "cầm tay chỉ việc", sau công đoạn làm đất hồi đầu năm.

Nhà có 4 miệng ăn, A Chu nằm trong số những người đầu tiên trong bản Pa Sáng tin trồng cây mắc ca. Những năm trước, thu nhập chính của gia đình anh hầu như chỉ trông vào lúa nương, và hiếm khi đạt mức 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, từ khi vào làm nhân viên cho Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên, mỗi lao động chính trong gia đình được khoán thù lao chăm sóc là 10 triệu đồng/ha.

"Đất ở đây bạc màu, vừa cao vừa dốc, hầu như chẳng trồng được cây gì. Khi có dự án mắc ca, tôi cũng chưa tin ngay đâu. Nhưng thấy mấy bản phía dưới được làm đường, một số chỗ bắt đầu có điện lưới kéo đến, cái bụng tôi tin", A Chu hồ hởi kể.

Miệng nói, tay A Chu không ngừng thực nghiệm cách phân cành, tạo tán theo hai cách mà cán bộ Hải vừa giới thiệu. Một là kiểu không đồng phẳng, các cành cấp 1 không xuất phát từ một điểm chung. Ở cách này, các cành được đặt so le, dạng xoắn ốc và thường được bấm ngọn sớm ở vị trí 70 - 80cm so với cổ rễ. Hai là cách phân tán cành cấp 1 tập trung một điểm. Với kiểu này, vị trí bấm ngọn phân tán cành cấp 1 cách mặt đất từ 70 - 80cm.

Sau khi cành cấp 1 phát triển thành thục (60 - 70cm) thì bấm ngọn lần 2, các cấp cành tiếp theo để phát triển về các hướng khác nhau sao cho lợi tán, tránh đan xen.

maxresdefault

Việc tỉa cành tạo tán cây mắc ca cần được thực hiện sớm và thường xuyên. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Hờ A Chu bảo mới đầu, anh cũng không biết mắc ca là cây gì. Nhưng dần dà, thấy loài cây này vừa cho bóng mát, vừa giúp xóa đói giảm nghèo, nên cứ có kỹ thuật nào hay, có lợi cho cây là A Chu học bằng được. Tỉa cành tạo tán cũng không phải ngoại lệ, bởi phương pháp này giúp công tác thu hoạch sau 4 - 5 năm nữa dễ dàng. Phương pháp thu hoạch chủ yếu hiện nay là người dân trải bạt xuống đất, đợi quả chín sẽ tự rụng.

Hua Thanh là một trong 3 xã triển khai dự án trồng mắc ca quy mô khoảng 6.800ha của Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên trong thời gian từ năm 2021 đến 2051. Những người dân góp đất cho dự án sẽ được Công ty hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để tiếp tục canh tác lúa, hoa màu.

Nhà A Chu thuộc diện được hỗ trợ trong đợt này. Ngồi dưới bóng những cây mắc ca 2 - 3 năm tuổi, A Chu tâm sự sang năm sẽ dành dụm tiền để sắm một chiếc xe máy, tiện cho việc leo đồi chăm loài cây "nghìn tỷ".

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.