| Hotline: 0983.970.780

Cây mắc ca, từ 'kép phụ' thành vai chính

Thứ Năm 25/08/2022 , 07:15 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Từ trồng xen, trồng để che phủ đất trống núi trọc, cây mắc ca ở Đắk Lắk hiện đã khẳng định được hiệu quả và đang trở thành nguồn thu chính của nhiều gia đình.

Từ cây trồng xen đến nguồn thu chủ lực

Mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, bên cạnh việc mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng, nó còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện môi trường tự nhiên.

Sau thời gian trồng thử nghiệm, cây mắc ca được đánh giá phù hợp với vùng đất tại tỉnh Đăk Lăk, cho năng suất cao, chất lượng tốt và đang đem lại thu nhập lớn cho người dân.

Những năm trước đây, gia đình ông Dương Thanh Thiều (ngụ xã Cư Klông, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) chỉ tập trung trồng cây cà phê, hồ tiêu. Khi vườn cà phê bắt đầu già, ông Thiều bàn với gia đình trồng xen bơ để tăng nguồn thu. Thời điểm này, gia đình ông Thiều thấy mắc ca là cây mới nên mua về trồng thử.

Dẫn phóng viên tham quan vườn 400 cây mắc ca xanh mướt của gia đình, ông Thiều tự hào cho biết từ cây trồng xen, đến nay mắc ca là nguồn thu nhập chính.

IMG_3763

Từ vị thế cây trồng xen, đến nay mắc ca là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Ảnh: Minh Quý.

Ban đầu, ông Thiều chỉ mua trồng thử nghiệm 100 cây. Sau 3 đợt trồng, đến nay khu vườn rộng hơn 2ha của gia đình ông đã có 400 cây mắc ca, trong đó hơn 200 cây đã cho quả. “Lúc mới đưa về trồng, người dân xung quanh nói sau này ai mua. Thời điểm trồng không ai biết đầu ra cây mắc ca như thế nào nhưng tôi vẫn quyết tâm trồng thử”, ông Thiều nhớ lại. 

Cây mắc ca chi phí đầu tư ít, một năm gia đình ông Thiều chỉ bỏ ra chưa đến 50 triệu đồng. Với chi phí thấp như vậy, các hộ ít vốn có thể trồng để giúp xóa đói giảm nghèo. Cây càng um tùm thì càng cho quả nhiều. Mắc ca ngoài cho thu nhập cao về kinh tế còn giúp che phủ, không để đất xói mòn vì tán lớn, rậm, phủ đều kín vườn giống như một khu rừng.

“Năm ngoái, gia đình thu được 3 tấn nhân mắc ca, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 80.000 đồng/kg (quả tươi). Trước đây, trồng mắc ca chỉ nghĩ để trồng xen, tạo cây bóng mát và phủ xanh vườn nên cho cây phát triển tự nhiên, không chăm sóc. Nếu biết cây mắc ca cho kinh tế, gia đình đã tập trung chăm sóc từ đầu thì đến nay thu nhập có lẽ còn cao nữa”, ông Thiều tiếc rẻ.

Tương tự ông Thiều, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk) nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây mắc ca mang lại, nên gia đình đã quyết định mua giống về trồng thử nghiệm.

Qua 10 năm chăm sóc, cây mắc ca đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định. Cây mắc ca đã góp phần giúp ông Hải và nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

IMG_3645

Mắc ca cho thu nhập cao nên nhiều người dân tại Đắk Lắk đang triển khai mở rộng diện tích. Ảnh: Mai Phương.

Ông Hải cho biết, ban đầu khi mới từ quê phía Bắc vào xã Ea Nam lập nghiệp, ông cũng như nhiều hộ dân khác ở đây chỉ tập trung trồng các cây chủ lực như cà phê và hồ tiêu. Một lần tình cờ theo dõi ti vi, ông Hải biết đến cây mắc ca, nên ông tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và phương tiện truyền thông. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định sang huyện Krông Năng để mua cây giống về trồng thử nghiệm.

Năm 2013, trên diện tích đất trống của gia đình, ông trồng hơn 100 cây mắc ca. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên năng suất không đạt, tỷ lệ đậu trái thấp. Không chịu đầu hàng trước khó khăn, ông Hải đã tham gia vào các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, trực tiếp tham quan các mô hình trồng mắc ca hiệu quả ở những địa phương khác.

Theo ông Hải, mắc ca là loại cây lâu năm, dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí ít, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, có thể trồng xen canh trong vườn cà phê để tăng thu nhập. Tuy nhiên, muốn cây đạt năng suất, sau khi thu hoạch phải tỉa cành, trong khoảng 10 đến 12 ngày phải tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho cây.

Đến nay, gia đình ông Hải có 800 cây mắc ca. Mỗi năm gia đình ông thu được hơn hơn 7 tấn quả, trung bình một kg quả mắc ca tách vỏ xanh gia đình ông bán ra thị trường gần 100.000 đồng/kg.

“Trước đây trồng mắc ca người dân xung quanh đều lắc đầu vì chưa biết cây phát triển, cho kinh tế như thế nào. Tuy nhiên đến nay gia đình có thu nhập cao từ cây mắc ca nên những hộ xung quanh cũng đến chia vui và học hỏi kinh nghiệm làm theo”, ông Hải nói thêm.

Cây lâm nghiệp đa mục đích

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.706ha mắc ca, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 1.117ha với năng suất 12 tạ/ha.

Là một trong những người gắng bó với cây mắc ca đầu tiên tại Đắk Lắk, ông Dương Thanh Tương (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần HĐ Đăk Lăk khẳng định đến nay, cây mắc ca đã thành công ở địa phương.

IMG_3651

Cây mắc ca đa có tán rộng, dày, cây xanh quanh năm nên vừa có giá trị phòng hộ, bảo vệ môi trường, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Tương, mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm tại Đăk Lăk gần 20 năm trước. Thời điểm đó nạn phá rừng tràn lan nên chính quyền địa phương lựa chọn cây trồng vừa mang lại giá trị kinh tế vừa giúp phủ xanh núi trống đồi trọc. Lúc đầu, người dân còn nhiều hoài nghi về hiệu quả, giá trị kinh tế của cây mắc ca.

“Tuy nhiên đến nay, cây mắc ca đã mang lại giá trị kinh tế lớn và có thể khẳng định đã thành công ở Đăk Lăk. Hiện nay các công ty lâm nghiệp, nông lâm trường cũng đang bắt đầu chuyển đổi trồng mắc ca thay cho cây keo vì hiệu quả kinh tế mang lại cao”, ông Tương chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, địa phương có đất bazan màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca. Hiện trên địa bàn huyện đã có 4 xã trồng cây mắc ca gồm Ea Nam, Dliê Yang, Ea Hiao, Ea Sol, với tổng diện tích 356,25ha.

Theo ông Hà, qua thực tiễn cho thấy loài cây này phù hợp với vùng đất của huyện, đạt năng suất cao, chất lượng tốt và đang đem lại thu nhập cao cho người dân. Ngoài ra, mắc ca cũng là cây lâm nghiệp đa mục đích, bên cạnh việc mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng, cây mắc ca còn góp phần trồng lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện môi trường thiên nhiên đang bị suy giảm.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Đăk Lăk có nhiều cơ hội để phát triển cây mắc ca thành sản phẩm giá trị kinh tế cao.

IMG_3788

Hiện nay ở Đắk Lắk, nhiều nông dân trồng xen mắc ca với cà phê, cho lợi nhiều đường. Ảnh: Mai Phương.

Sau thời gian trồng thử nghiệm, cho thấy cây mắc ca thích ứng với địa phương và có triển vọng phát triển. Theo quyết định của Bộ NN-PTNT thì đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên sẽ có 45.000ha mắc ca. Trong đó, Đăk Lăk sẽ tham khảo với các đơn vị để phát triển mắc ca theo hướng nhanh, bền vững.

Mắc ca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục đích, do đó có thể trồng trên đất nông nghiệp cũng như đất lâm nghiệp. Cây này có tác dụng che bóng, làm rừng phòng hộ. Cây mắc ca có tiềm năng kinh tế rất lớn.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho biết, địa phương gặp nhiều thách thức như chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung mắc ca làm điểm nhấn để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; chưa xây dựng mô hình để nghiên cứu và đánh giá theo các giải pháp phát triển rừng; chất lượng hạt là yếu tố quan trọng nhưng hiện nay chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể theo dòng và lập địa để làm cơ sở cho sản phẩm được tiếp cận thị trường xuất khẩu; kết quả nghiên cứu, đánh giá về phòng trừ sâu bệnh hại còn hạn chế…

Mắc ca là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao. Cây có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn, vừa có thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trưởng sinh thái. Đặc biệt ở các vùng vùng biên giới, vùng sâu, cây mắc ca góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.