Tỷ như ta vừa trở lại một ngôi nhà cũ, ánh sáng ở đấy cả ban đêm và ban ngày đều vừa phải, đủ để nổi rõ những hình ảnh, những bóng dáng và màu sắc mà thuở ban sơ ta hằng trông thấy, ngắm nhìn, để rồi rất nhiều lần trong đời, giữa cái gay gắt chói chang, lòng ta bỗng chạnh lại, se sắt quay về những khắc ghi thơ dại.
Minh họa: Trọng Toàn |
Cuối tháng chạp, khi ghé một nhà vườn ở Hoài Ân, tôi đã chạnh lòng đứng lặng trước một cái ang nước bằng đất nung, da nâu ánh rêu xanh, trên miệng ang có tấm ván đậy he hé, gác hờ hững một cái gáo dừa. Nhà xưa của tôi ở thị trấn Bình Định cũng có một cái y như thế, trên nắp ván còn lác đác những bông dừa vàng óng. Cái ang nước và chiếc gáo dừa là vật dụng thân thiết mọi thành viên gia đình đều chạm tay, để đổ nước từ giếng vào, để sang nước lã đã lắng cặn ra ấm nấu, để múc một gáo nước uống ừng ực cho đã cơn khát, để len lén ngắm gương mặt mình thời thiếu nữ như các chị tôi vẫn hay làm.
Bẵng đi mấy mươi năm, hé tấm ván đậy trên cái ang của nhà khác, tại một vùng quê khác, tôi vẫn có cảm giác vô cùng thân thuộc. Chạm gáo khỏa mặt nước trong, rưng rưng gạn qua thăm thẳm, tôi cố tìm sau bóng mình những hình dáng, những ánh mắt đã vời xa. Nước thấm qua môi, qua cổ, qua một bồi hồi không gọi thành tên, là tôi uống nỗi nhớ của mình, với niềm biết ơn chủ ngôi nhà còn giữ lại những vật dụng mà giữa tiện nghi đồ nhựa, máy lọc hiện thời, không mấy ai còn giữ.
Ở làng quê Bình Định có một thứ nay đã mất dấu là chiếc võng trân. Cây trân mọc hoang ở gò đồng, người ta chặt về, đập dập, ngâm trong nước, nhựa ứa ra đỏ thắm nên còn có tên dân dã là cây xác máu. Đến khi nhựa và cơ tan rốc, chỉ còn xơ trắng rất dai. Người ta đem xơ trân phơi nhiều nắng rồi xe sợi đan võng, thành những mắt lưới hình thoi, tỉ mỉ kỳ công. Một chiếc võng trân lớn dễ đến trăm chân, rộng tầm giang tay người lớn. Ngủ võng trân là một thú tuyệt trần: êm, mát, bay bổng. Yến Lan viết:
Võng mẹ ru hời dưới mái hiên
Hương đồng cỏ nội mặc kề bên
Tôi nằm trong vũng ca dao lạnh
Đón những vầng trăng mẹ vớt lên
Nhớ võng trân, vợ chồng tôi nghe đồn ai đan võng làng xa xóm khuất đến mấy cũng tìm, nhưng không còn ai làm nữa. Lạ thay, sau chuyến đi Malaysia, chồng tôi mang về chiếc võng trân, mừng rỡ như bắt được vàng. Chiếc võng chỉ khoảng 30 chân, có thể ngồi, nằm, đung đưa, nhưng không thể tìm lại giấc ngủ thần tiên trong khung cánh hẹp. Tuy vậy, tìm lại một vật tưởng chừng chỉ còn trong ký ức, sau chừng ấy dặm đường, là cả một nỗi bất ngờ!
Bạn tôi, một doanh nhân thành đạt, bộc bạch rằng điều kiện kinh tế và đặc thù nghề nghiệp đã cho anh rất nhiều cơ hội, đến nhiều nơi chốn, thưởng lãm nhiều món ngon vật lạ, nhưng chưa bao giờ thèm một kỳ trân dị thảo nào như món cá kho của mẹ. Có một lần đi nước ngoài, trong tiệc anh chạm cốc hơi nhiều, nửa đêm thức dậy lạt miệng, chợt thèm cơm với cá chốt kho ớt nghệ, thèm đến bần thần cả người, nhưng kiếm đâu ra cái món nhà quê Giao Chỉ của mẹ giữa đô thành tha phương? Khi quay về nước, thay vì xuống Sài Gòn, anh nối tuyến bay luôn về Phù Cát, đón ta xi “bay” luôn về nhà mẹ. Chỉ là để mẹ chữa cảm bằng cơm nóng với cá chốt kho ớt nghệ. Như một phép màu, cơn cảm cúm biến mất, ngay và luôn!
“Tin không?” - bạn hỏi tôi như vậy, với làn môi ám khói và ánh mắt trẻ thơ. Tin chứ! Đó là điều diệu kỳ có thật! Không chỉ là cơm mẹ nấu, mà cả những quà bánh hàng quán ấu thơ cũng chi phối khẩu vị ta cho đến lúc bạc đầu.
Bánh xèo là một ví dụ. Bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang (Tuy Phước) là món ngon không thể thiếu khi điểm danh món ngon Bình Định thế kỷ 21. Năm, sáu cái lò đất xếp hàng trên bếp, đỏ rực, rộn ràng tiếng than nổ lép bép, tiếng xèo xèo của dầu khi đón bột. Mỗi lá bánh tròn chứa đựng càn khôn với mười hai con tôm đỏ hồng tượng trưng mười hai tháng, với nhúm giá đỗ, hành củ, hành lá tước sợi xanh trắng rất tinh tế vun đầy giữa chiếc bánh vàng ươm.
Nửa chiếc bánh xèo đặt trong nửa chiếc bánh tráng nhúng, cuốn rau sống được tuyển kỹ gồm xà lách, diếp cá, húng thơm, răm, ngò, cải non mát mắt; cùng với dưa leo và xoài/ khế theo mùa. Cuốn bánh ấy chấm nước mắm nhỉ đã pha chế với dứa/me, đường, tỏi, ớt. Chấm một chấm. Cắn một miếng. Dai dai giòn giòn sực sực beo béo cay cay mằn mặn ngòn ngọt chua chua. Tôi chụp ảnh khoe trên facebook, “Thưa rằng đừng lấy làm chơi”, cụ Nguyễn Du sành điệu nếu về thưởng thức cũng sẽ khen tấm tắc.
Thế mà nhạc sĩ Diệp Chí Huy nhỏ nhẹ cãi: “Mình thấy chỉ có bánh xèo thị trấn Bình Định là ngon nhất!”. Ôi miền thơ dại thần thánh của tôi, nơi tôi và những bạn bè như Huy đã lớn lên bằng lúa gạo thảo thơm, bằng tiếng nhạc ngựa và bầu khí quyển hoàng thành cổ tích. Gì chứ, thị trấn Bình Định thì còn nói chi nữa, tôi tán thành ngay quan điểm bánh xèo của Huy! Trong một ca khúc, Huy bảo quê nhà là nơi "về để mà đi", phải chăng hàm ý mỗi lần về là mỗi lần nạp thêm năng lượng cội nguồn, để phóng những đường bay mới lạ. Ấy cũng là nơi tôi thường quay về để hít thở bầu khí quyển thanh tao từ vạn cổ vắt qua những ân tình bè bạn. Từ khung trời này đã thăng hoa những Chế Lan Viên, Yến Lan, Phạm Hổ, Phạm Thế Mỹ, La Hữu Vang, Trần Long Ẩn... - những ngọn gió đã thâu góp tinh hoa Bình Định và qua sông để đến với muôn trùng, để thuộc về trời rộng.
Rất nhiều thứ của thì hiện tại rồi sẽ thành quá khứ. Một nơi chốn, một hương vị, một kỷ niệm nhỏ. Có biển nào không bắt đầu từ mạch nguồn sông suối? Phải chăng, trong mọi hành xử của chúng ta trong hiện tại, đều có sự bẻ lái của quá khứ, mặc nhiên, nhuần nhuyễn, vô hình.
Như là cội mai gầy trước sân nhà tôi, nhà bạn, trong từng nụ hoa bé xíu tích tụ cái bí ẩn của thời gian. Tích tắc. Những búp hoa kia, đến thì, sẽ nở.