| Hotline: 0983.970.780

Tiếc 'đứt ruột' hàng trăm gốc sầu riêng chết khô sau sự cố vỡ đê bao

Thứ Năm 18/10/2018 , 06:05 (GMT+7)

Hàng trăm gốc sầu riêng của người dân vùng chuyên canh cây ăn trái ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) đã chết khô, do sự cố vỡ đê bao trong đợt triều cường vừa qua. 

Bao hi vọng về một vụ mùa bội thu của nông dân phút chốc lụi tàn.

07-43-28_hng_trm_goc_su_rieng_dng_tro_bong_tri_vu_dot_ngot_chet_hng_lot_khien_nong_dn_lo_do
Sầu riêng đang trổ bông trái vụ, đột ngột chết hàng loạt do vỡ đê bao

Hiện người nông dân vùng trồng sầu riêng đặc sản nức tiếng ở 2 ấp Tân Bắc và Tân Tây, thuộc xã Tân Phú, đang lao đao vì sầu riêng chết hàng loạt, khiến họ đứng ngồi không yên.

Qua ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại khu vực này, có hàng trăm gốc sầu riêng được người dân xử lý ra hoa trái vụ bị chết. Bao hi vọng về một vụ mùa bội thu bỗng chốc trôi theo dòng nước, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân sầu riêng chết hàng loạt là do đợt triều cường vừa qua, đột ngột tăng cao, nhiều đoạn đê bị vỡ, làm ngập vườn cây ăn trái. Do ngập sâu trong nước nhiều ngày, nhiều ha sầu riêng thối rễ, lá cây úa vàng, chết khô.

Ánh mắt đượm buồn, nhìn về xa xăm và như chưa tin đó là sự thật, ông Hồ Văn Hưởng, ngụ ấp Tân Tây, giọng ủ rũ: “Tôi có khoảng 1ha trồng sầu riêng Ri6, với gần 200 gốc. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tôi sử dụng kỹ thuật ra bông trái vụ. Bao hi vọng tràn trề, bây giờ đã tiêu tan hết rồi, chẳng biết, gia đình phải sống như thế nào trong thời gian tới”.

07-43-28_neu_ti_trong_it_nht_5_nm_toi_cy_su_rieng_moi_cho_tri
Nếu tái trồng, ít nhất 5 năm tới sầu riêng mới cho trái

Theo ông Hưởng, sầu riêng trái mùa hằng năm có giá bán rất cao, dao động ở mức trung bình từ 60 – 85 ngàn đồng/kg (tùy loại). Với mức giá như vậy, cộng với vụ này trổ rộ bông, sai trái, nên ông luôn vững tin vào vụ thu hoạch bội thu.

“Nếu không gặp sự cố, vườn sầu riêng của gia đình tôi năm nay, sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chưa kịp vui mừng chờ ngày thu hoạch, thì cơn ác mộng ập tới”, giọng ông Hưởng rầu rĩ.

Được biết, cũng tại mảnh vườn này, thời điểm cuối năm ngoái, gia đình ông Hưởng thu hoạch gần 4 tấn trái, thu lãi 200 triệu đồng. Dự tính năm nay, năng suất của vườn sầu riêng sẽ tăng gấp đôi. Bởi gần 200 gốc đang trổ bông dày đặc, bây giờ chết trơ lá. Niềm tin vào một vụ mùa bội thu, trong phút chốc trôi theo dòng nước.

Sự cố vỡ đê bao Tân Bắc vừa qua làm nhiều vườn cây ăn trái ở địa phương này ngập sâu trong biển nước, với mực nước rất cao từ 0,5 – 1m . Anh Nguyễn Văn Ngôi, ngụ ấp Tân Tây thông tin: “Gia đình tôi có 0,5ha trồng sầu riêng, với 120 gốc. Mấy ngày qua, cây bị rũ lá, chết hàng loạt. Để tái trồng lại, thì ít nhất phải 5 năm tới, cây sầu riêng mới cho trái. Nếu không gặp sự cố, vườn nhà tôi còn cho thu hoạch khoảng 15 năm nữa”.

07-43-28_nhieu_vuon_su_rieng_o_p_tn_bc_x_tn_phu_bi_thiet_hi_su_su_co_vo_de_bo
Nhiều vườn sầu riêng ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú bị thiệt hại sau sự cố vỡ đê bao

Anh Ngôi còn cho biết, trước khi xảy ra sự cố vỡ đê, vườn sầu riêng của anh vẫn xanh tốt, bông, trái sum xuê. Chỉ khoảng 2 tháng nữa là vào vụ thu hoạch. Nhưng bây giờ, đối với gia đình anh Ngôi, ông Hưởng thì vụ sầu riêng được mùa mà họ luôn trông chờ đã không đến.

Cuộc sống, thu nhập trông chờ vào vườn cây nay đã chết khô. Rồi đây, chẳng biết làm gì để sống. Trong khi đó, thị trường cây sầu riêng giống đang tăng cao, từ 120 – 150.000 đồng/cây, nên người dân càng thiếu vốn để tái trồng lại.

Ông Phạm Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: “Xã chưa nhận được tin báo của người dân về tình trạng cây sầu riêng chết. Trước đó, triều cường dâng cao làm vỡ đê, khiến 80 ha trồng sầu riêng bị ảnh hưởng do ngập nước, chứ chưa ghi nhận tình trạng cây chết”.

Trước đó, ngày 10/10, NNVN đăng bài “Bến Tre: Vỡ đê bao, gây thiệt hại trên 7,5 tỷ đồng” ghi nhận tình trạng triều cường đột ngột tăng cao tại khu vực sông Ba Lai (thuộc ấp Tân Đông, xã Tân Phú) làm vỡ đê bao làm khoảng 80ha cây ăn trái của người dân địa phương ngập sâu, gây thiệt hại hơn 7,5 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm