| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ: [Bài 2] Vẫn chỉ là tiềm năng

Thứ Ba 01/10/2024 , 06:35 (GMT+7)

Với thế mạnh là sở hữu nhiều hồ lớn, với nhiều điều kiện thuận lợi cho việc nuôi thủy sản, tuy nhiên tỉnh Gia Lai vẫn đang còn loay hoay bên những thân đập lớn.

Lòng hồ thủy lợi Ia Mơ rất lý tưởng cho nghề nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đ.L. 

Lòng hồ thủy lợi Ia Mơ rất lý tưởng cho nghề nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đ.L. 

Dang dở những dự án

Sách “Đại Nam liệt truyện chính biên” nhị tập đoạn viết vào năm Minh Mạng thứ 21 (1841) đề cập đến vùng đất “Hỏa xá” - thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) ngày nay rằng: “Trong vùng dân không biết chữ, vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi; cách sinh nhai thì đào đất trồng cấy, không có cày bừa...”. Và còn một kế sinh nhai khác của người dân bản địa nơi đây, đó là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên dòng sông Ayun.

Đó là chuyện của ngày trước. Còn ngay sau khi khánh thành, hồ chứa của công trình thủy lợi Ayun Hạ đã được kỳ vọng là nơi nuôi trồng thủy sản đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Trên thực tế, đã có một doanh nghiệp ở mãi tận Nha Trang tìm đến, đấu thầu và tổ chức gây nuôi, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ rộng 37km2 này.

Giữa mênh mông dòng nước hung dữ, ông Trần Anh Kiệt, người tổ chức gây nuôi, đánh bắt cá ở lòng hồ Ayun Hạ đã cho thợ khoan sâu vào đá, đổ bê tông đặt các trụ sắt lớn. Giăng ngang dòng sông dài khoảng 50m là hai tấm lưới sắt, được bắt theo hình tam giác. Ở giữa hai tấm lưới sắt đoạn giữa dòng sông, ông Kiệt đặt một chiếc hộp sắt. Độ cao của cái sa hơn 4 mét. Cá từ hồ Ayun Hạ bị cuốn vào dòng nước đổ xuống sông, gặp phải chiếc sa này giữ lại. Công đoạn cuối cùng khá đơn giản, chỉ đứng chờ cá mắc vào chiếc lưới khổng lồ này để bắt lên. Với sáng kiến này, ông Trần Anh Kiệt đã dự thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ III và được xét chọn trao giải ba. 

Theo đó, đã có một thời, cứ tầm 9-10 giờ sáng mỗi ngày, những chiếc xe đông lạnh đứng chờ sẵn trên thân đập, cá từ các tàu cập bến được đưa lên xe, tỏa đi khắp các tỉnh Tây Nguyên, vào đến tận Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đã hết hợp đồng, nghề nuôi cá ở lòng hồ rộng lớn này cũng được xem như là đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Hiện cũng chỉ còn những hộ dân tự phát, đánh bắt cá trên lòng hồ làm kế sinh nhai.

Với lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn ở huyện K'bang, nghề nuôi cá tầm nước lạnh một thời cũng được huyện này quan tâm. Tại đây, sau khi khảo sát, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Kbang là đơn vị chủ dự án, cùng các hộ dân tiến hành thả 10.000 con cá tầm giống xuống 10 lồng chứa tại hồ chứa C thủy điện Vĩnh Sơn (xã Đak Rong).

Mô hình này có quy mô 20 ô lồng, chứa 10.000 con cá tầm giống Sterlet (A.Ruthenus) và chọn 10 hộ gia đình để thực hiện, tổng kinh phí 4 tỷ đồng (vốn sự nghiệp khoa học tỉnh 2 tỷ đồng, vốn của người dân đóng góp 2 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND huyện K'bang, ông Lê Thanh Sơn, cho biết: “Dự án này được ký kết với một đơn vị nhập khẩu trứng cá tầm ở Ukraina từ năm 2013. Đến năm 2014, vì nhiều lý do, đơn vị nhập khẩu vẫn chưa tổ chức thu mua được sản phẩm trứng cá tầm”. Từ đó đến nay, nghề nuôi cá tầm, cũng như một số loài thủy sản đặc hữu khác trên lòng hồ này cũng chịu cảnh dang dở.

Tiềm ẩn những... tiềm năng

Đánh giá từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, điều kiện tự nhiên của tỉnh mang tính đặc thù phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong đó diện tích đưa vào phục vụ hoạt động khai thác và nuôi thủy sản đạt trên 15.000ha, tập trung ở những địa phương như các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Kbang, Chư Prông, Phú Thiện và thị xã: An Khê, Ayun Pa.

Nuôi cá tầm một thời ở lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn. Ảnh: Đ.L. 

Nuôi cá tầm một thời ở lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn. Ảnh: Đ.L. 

Tuy nhiên, việc tổ chức nuôi thủy sản ở Gia Lai đang bộc lộ một số hạn chế như vấn đề liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến của hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức nuôi thủy sản còn lỏng lẻo, phương thức hợp tác xã còn yếu nên sự tương trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không cao.

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn chưa phát huy hết thế mạnh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc khai thác và sử dụng mặt nước hồ chứa hiện nay vẫn đang ưu tiên phục vụ vào mục đích thủy điện, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt,… chưa chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm thủy sản từ khai thác, nuôi trồng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống tại chỗ, lĩnh vực chế biến thủy sản mới phát triển ở quy mô nhỏ, chế biến thủ công.

Theo đó, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, tuy nhiên, xem ra nghề nuôi thủy sản ở Gia Lai vẫn chưa phát huy hết thế mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, ông Thái Văn Dũng, cho biết: “Cần sự hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có tiềm năng, đủ năng lực đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực thủy sản nhằm tận dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước cho các địa phương. Trong đó, thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như sản xuất thức ăn thủy sản công nghiệp, các nhà máy sơ chế chế biến sản phẩm thủy sản công nghiệp, các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu sản phẩm...”.

Ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Nghề nuôi thủy sản của tỉnh còn mang tính tự phát, mô hình nuôi nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; chưa áp dụng, nhân rộng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, lĩnh vực thủy sản còn chịu nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, thời tiết, khí hậu...”.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.