| Hotline: 0983.970.780

Tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi đại trà cho lợn thịt gặp khó

Thứ Tư 07/08/2024 , 09:19 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sở hữu tổng đàn lợn thịt 139.000 con nhưng đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi ở Hải Phòng chưa được 6%.

Toàn TP Hải Phòng có 7.000/139.000 con lợn nuôi thịt được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đinh Mười.

Toàn TP Hải Phòng có 7.000/139.000 con lợn nuôi thịt được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đinh Mười.

Tỷ lệ tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi chưa được 6%

Sau 2 năm bệnh dịch tả lợn Châu Phi được khống chế, ngày 30/5/2024, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại ở Hải Phòng. Đầu tiên là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy rồi sau đó lan rộng tại 6 xã, thuộc 3 huyện (Kiến Thụy, An Dương và Thủy Nguyên).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, nguyên nhân một phần xuất phát từ người chăn nuôi bắt đầu có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chưa chủ động tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Hải Phòng hiện có 114 trang trại chăn nuôi, với số lượng lợn 86.804 con. Bên cạnh đó, có 10.805 hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, với số lượng lợn 73.067 con, chiếm 44,5% tổng đàn.

Cùng với đó, kết quả giám sát sự lưu hành virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2023 tại một số chợ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn thành phố đã phát hiện 3,96% mẫu dương tính. Điều này cho thấy, trên địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Qua điều tra các hộ chăn nuôi xảy ra dịch, xác định nguyên nhân do một số hộ chăn nuôi mua lợn con giống không rõ nguồn gốc (trong đó có hộ mua con giống rao bán qua mạng), không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh phòng dịch, cách ly lợn mới nhập về nuôi và còn sử dụng thức ăn thừa từ các khu công nghiệp làm thức ăn cho lợn,... Thực tế này đã tạo điều kiện cho virus dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập, phát sinh dịch bệnh.

Trước thực trạng này, ngoài các biện pháp khẩn cấp để phong tỏa và khống chế dịch bệnh, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có văn bản gửi các địa phương, các hộ, cơ sở chăn nuôi về việc sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ lợn được tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố vẫn rất khiêm tốn, mới được hơn 7.000 lợn thịt, chiếm gần 6% tổng đàn lợn thịt.

Vẫn còn hơn 10.000 hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Vẫn còn hơn 10.000 hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Về vấn đề này, tại báo cáo gửi đoàn công tác Bộ NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã lý giải, sau khi có Chỉ thị số 21 ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND thành phố Hải Phòng đã có chỉ thị giao cho Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai tiêm vacxin cho đàn lợn nuôi thịt trên địa bàn nhưng quá trìn triển khai gặp một số khó khăn.

Đơn cử như tại quyết định số 972 ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025 chưa có quy định sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ triển khai tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho toàn đàn lợn nuôi thịt của tất cả các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi trang trại và hộ chăn nuôi hay chỉ hỗ trợ chăn nuôi quy mô nông hộ. Việc này gây khó khăn cho các địa phương khi tổ chức triển khai thực hiện.

Khi có thông tin đàn lợn bị phát bệnh sau khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, một số cơ sở, hộ chăn nuôi, đặc biệt đối với những nơi đã thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch đã từng vượt qua dịch bệnh không đồng ý tiêm vacxin. Cơ quan quản lý các cấp lại không có chế tài để yêu cầu bắt buộc và xử phạt nên nếu mua về sẽ có nguy cơ dư thừa vacxin hỗ trợ, gây lãng phí.

Để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh trong thời điểm tỷ lệ tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi còn thấp, giải pháp mà Hải Phòng đưa ra đó là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình vệ sinh phòng dịch, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, nhằm cách ly triệt để khu vực chăn nuôi với môi trường bên ngoài, hạn chế mầm bệnh xâm nhập qua nguồn thức ăn, nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi vào cơ sở chăn nuôi gây tác hại.

Mặt khác, tổ chức triển khai thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc ổ dịch, vùng dịch uy hiếp, vùng đệm,... đảm bảo theo quy định phòng chống dịch hiện hành, nhằm nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn.

Chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào các địa phương đang có dịch tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào các địa phương đang có dịch tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Nguy cơ dịch bệnh lan rộng rất cao

Kiểm tra tình hình dịch tả lợn Châu Phi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện đã có đủ cơ sở pháp lý và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiêm vacxin cho 80% tổng đàn lợn thịt, các địa phương hoàn toàn có đủ căn cứ để triển khai thực hiện.

Thời gian qua, lãnh đạo TP Hải Phòng, các cơ quan liên quan và địa phương rất quan tâm, vào cuộc quyết liệt và có đầy đủ các cái biện pháp phòng chống dịch bệnh khi phát hiện các ổ dịch. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy dịch tả lợn Châu Phi tại Hải Phòng cho thấy, mặc dù mới chỉ có 569 con lợn buộc phải tiêu hủy nhưng nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể tiếp tục lan rộng rất cao do mầm bệnh rất nguy hiểm.

Do vậy, Cục Thú y đã đề nghị các đơn vị liên quan cần khẩn trương tham mưu để trình UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt kinh phí, mua vacxin để tổ chức tiêm phòng đại trà cho đàn lợn thịt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Thực tế tại các xã đang có dịch tả lợn Châu Phi ở Hải Phòng, qua kiểm tra thực tế cho thấy, với những đàn lợn đã tiêm vacxin kịp thời đã được an toàn ngay cạnh ổ dịch, có những đàn đã được xuất bán. Ngược lại với những hộ chưa tiêm vacxin thì đã có lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long thông tin.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) kiểm tra tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Kiến Thủy, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) kiểm tra tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Kiến Thủy, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, sau khi phát hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và các địa phương tích cực vào cuộc thực hiện các biện pháp để khống chế.

Về tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi, hiện tại huyện Thủy Nguyên đã bố trí được một phần kinh phí để hỗ trợ cho người dân, còn huyện Kiến Thụy, lãnh đạo địa phương cũng khẳng định sẽ bố trí được. Do vậy, đề nghị của Cục Thú y địa phương sẽ triển khai sớm, các cơ quan chuyên môn cần sớm tham mưu để UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt kế hoạch tiêm vacxin cho đàn lợn thịt.

Hiện nay, nhiều người dân nuôi lợn ở Hải Phòng chưa có thông tin đầy đủ về vacxin dịch tả lợn Châu Phi, do vậy, thành phố đề xuất Cục Thú y sớm phối hợp tổ chức cuộc hội thảo giữa doanh nghiệp sản xuất vacxin, chính quyền địa phương và người dân để cung cấp các thông tin cho người dân, để người dân yên tâm thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, tổng đàn trên địa bàn hiện tại đang có gần 160.000 con, trong đó lợn thịt có gần 140.000 con, lợn nái có hơn 14.000 con, còn lại là lợn đực giống và lợn con, chăn nuôi lợn chủ yếu tập trung ở các trang trại lớn với 55,5%.

Xem thêm
Gà đồi Yên Thế bay xa bằng chế biến sâu

BẮC GIANG Không cam chịu cảnh thương hiệu của quê hương rơi vào lãng quên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế quyết đưa thương hiệu 'Gà đồi Yên Thế' bay xa bằng chế biến sâu.

Những người thầm lặng phía sau trái sầu riêng xuất khẩu

Tổ khuyến nông cộng đồng xã Phú Phụng thực hiện có hiệu quả vai trò liên kết xây dựng chuỗi giá trị, chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn.

Nông dân Đồng Tháp tiếp cận nhanh với công nghệ số

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp.