| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại Hải Phòng

Thứ Sáu 02/08/2024 , 06:30 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 33 hộ, 6 xã thuộc 3 huyện ở Hải Phòng, số lợn tiêu hủy đã gần 600 con và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dịch xảy ra tại 3/8 huyện

Tính đến cuối tháng 7/2024, Thủy Nguyên là huyện thứ 3 của thành phố Hải Phòng ghi nhận có ổ dịch tả lợn Châu Phi xảy ra sau huyện Kiến Thụy và huyện An Dương, các xã ghi nhận đã có dịch xuất hiện gồm: Minh Tân, Trung Hà, Gia Minh và Hòa Bình.

Ổ dịch tả lợn Châu Phi ở thôn 8, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Ổ dịch tả lợn Châu Phi ở thôn 8, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Ghi nhận tại xã Minh Tân, ông Hồ Xuân Đản - Chủ tịch UBND xã cho biết, dịch bệnh xuất hiện tại ở địa phương từ ngày 9-19/7 tại hộ gia đình ông Vũ Trọng Đông, ở thôn 8. Hậu quả, dịch bệnh khiến 41 con lợn bị chết, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 2,1 tấn, trong đó, lợn thịt có 40 con và lợn nái có 1 con.

Ở xã Hòa Bình, ông Phạm Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xuất hiện trên địa bàn từ 16/7, tại gia trại của hộ ông Trần Văn Minh, ở thôn Đông Môn, khiến 13 con lợn thịt bị chết. Sau đó, dịch bệnh lan sang hộ ông ông Nguyễn Văn Nghị ở thôn Hà Luận 2, tính đến nay, cả 2 hộ phải tiêu hủy tổng cộng 66 con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi.

Tại xã Gia Minh, dịch bệnh xảy ra ngày 21/7 ở hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, thôn 1, số lợn chết đã lập hồ sơ và tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh là 4 con, trọng lượng hơn 2,7 tạ.

Còn tại xã Trung Hà, dịch bệnh xảy ra ngày 21/7 ở hộ gia đình ông Trần Văn Mười, thôn Rúp, số lợn chết đã lập hồ sơ và tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh là 2 con, trọng lượng là 1,6 tạ.

Lợn mắc bệnh được tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Đinh Mười.

Lợn mắc bệnh được tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Đinh Mười.

Về thông tin lợn chết sau khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Minh Tân cho biết, trên địa bàn có hộ gia đình bà Vũ Thị Lệ, trú tại thôn 2 nuôi 3 con lợn gồm 1 lợn nái nặng hơn 2 tạ và 2 con nuôi để bán thịt, khoảng 60 kg. Gia đình bà Lệ có tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi NAVET - ASFVAC qua dịch vụ, mỗi mũi tiêm có giá là 60 nghìn đồng.

Đàn lợn sau khi tiêm có biểu hiện sốt, chán ăn rồi sau đó chết, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng II cho thấy lợn không nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, điều này chưa thể khẳng định nguyên nhân do vacxin vì nhiều đàn lợn tiêm cùng đợt nhưng đến nay vẫn khỏe mạnh và một số đã miễn dịch.

Tập trung khoanh vùng dịch bệnh

Theo phòng NN-PTNT huyện Thủy Nguyên, sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, UBND huyện đã tổ chức hội nghị với các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, cùng với đó đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Một hộ dân có lợn chết, buồn rầu chỉ về nơi khu chuồng trại trống trơn của gia đình. Ảnh: Đinh Mười.

Một hộ dân có lợn chết, buồn rầu chỉ về nơi khu chuồng trại trống trơn của gia đình. Ảnh: Đinh Mười.

Theo đó, với các vùng đang có dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Thủy Nguyên yêu cầu phải thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, bố trí lực lượng thường trực kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn và thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy lợn bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày.

Đối với vùng bị dịch uy hiếp sẽ thực hiện tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc 1 lần/ ngày trong vòng 1 tuần đầu và 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Còn đối với các xã, thị trấn vùng đệm sẽ thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.

Sau khi có chỉ đạo, tại các địa phương có dịch tả lợn Châu Phi đều thành lập các chốt kiểm soát, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào và cấm vận chuyển lợn ốm, sản phẩm lợn chưa qua chế biến, phân rác thải chăn nuôi,... ra khỏi vùng dịch.

Cùng với việc đẩy mạnh tiêm vacxin, các địa phương lưu ý vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng dịch, các hộ dân không nhập nuôi mới lợn trong thời gian có dịch để tránh làm phát tán, lây lan mầm bệnh.

Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 33 hộ, 6 xã thuộc 3 huyện ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 33 hộ, 6 xã thuộc 3 huyện ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Ghi nhận tại huyện Thủy Nguyên, địa phương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị 5.000 liều vacxin và vật tư (xilanh, kim tiêm, ủng, quần áo bảo hộ), hoá chất, vôi đảm bảo đáp ứng đủ và kịp thời cho việc chống dịch của 4 xã có ổ dịch và các xã, thị trấn bị dịch uy hiếp.

Đến nay, đã cấp phát vắc xin, vật tư cho 4 xã có ổ dịch và các xã, thị trấn bị dịch uy hiếp tổng cộng hơn 1,8 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn Châu Phi, 11 tấn vôi, 200 lít hoá chất, xilanh và kim tiêm gia súc, quần áo bảo hộ phục vụ cho phòng, chống dịch.

“Tất cả các xã, thị trấn đều phải khẩn trương thống kê tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn chưa tiêm vaccine bệnh dịch tả lợn châu Phi để đăng ký, tổ chức tiêm bổ sung, kịp thời bao vây ổ dịch không để lan rộng. Đồng thời, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân hiểu tính chất nguy hiểm của bệnh, không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh”, Văn bản của UBND huyện Thủy Nguyên nêu.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng, tính đến 29/7, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 33 hộ, 11 thôn, 6 xã thuộc huyện Kiến Thụy, An Dương và Thủy Nguyên, số lợn tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh là 552 con, trong đó có 22 con lợn nái, 4 lợn đực giống, 500 con lợn nuôi thịt và 26 con lợn con. Trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 22 tấn.

Một hộ dân ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy buồn bã ký vào biên bản tiêu hủy lợn bị dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Một hộ dân ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy buồn bã ký vào biên bản tiêu hủy lợn bị dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Ngoài các ổ dịch mới tại huyện Thủy Nguyên thì các ổ dịch cũ ở huyện Kiến Thụy và huyện An Dương đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện lợn ốm, chết, tiêu hủy do mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể, tại xã Lê Lợi (huyện An Dương), đến nay đã qua 19 ngày, xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) đã qua 7 ngày.

Tuy vậy, với thực tế nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, không đáp ứng được các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, nên khi có bệnh Dịch tả lợn Châu phi xảy ra rất khó khống chế và bệnh lây lan nhanh.

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục bố trí cán bộ phối hợp cùng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, xã... thường trực tại cơ sở.

Trong đó, tập trung tại huyện Kiến Thụy và huyện Thủy Nguyên, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi và chăn nuôi an toàn sinh học.....

Mặt khác, Chi cục cũng đã cấp phát 2.000 tài liệu hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đơn cử như tại xã Minh Tân, địa phương đang có 105 hộ chăn nuôi lợn với gần 1.000 con, đã tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi được gần 80%, trong đó trước khi dịch bệnh xảy ra các hộ dân tiêm dịch vụ được 204 con. Còn tại xã Hòa Bình, hiện tại địa phương đang có 75 hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 500 con, trước khi dịch bệnh xảy ra, người dân đã chủ động tiêm phòng vacxin được 26 con. Sau khi dịch xảy ra, bằng nguồn hỗ trợ của huyện, địa phương đã tiêm phòng được 310 mũi.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.