| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa giữ vững thế trận giữa 'tứ bề' dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm 01/08/2024 , 20:49 (GMT+7)

Trong khi nhiều địa phương lân cận đang căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi thì tỉnh Thanh Hóa may mắn vẫn giữ vững thế trận phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Lập tổ phản ứng nhanh, sẵn sàng chống dịch

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh trên động vật diễn ra rất phức tạp, nhất là dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng gia tăng mạnh.

Cả nước đã xuất hiện 768 ổ dịch tại 45 tỉnh, thành phố, số lượng ổ dịch đã tăng lên 50% so với năm 2023; trong đó các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa như Ninh Bình, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đều xảy ra dịch.

Áp lực chống dịch là rất lớn bởi tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn lợn lớn 1,3 triệu con, mật độ chăn nuôi cao, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh vẫn chiếm tỷ lệ cao, công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan gặp nhiều khó khăn, mặt khác, tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 18/7/2024, trong đó yêu cầu yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Phân công lực lượng triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, kịp thời phát hiện, tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát sinh còn trong diện hẹp, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vacxin.

Uu tiên bố trí kinh phí mua vacxin và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, rà soát, củng cố, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác quản lý vận chuyển lợn giống...

Hội nghị triển khai Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Quốc Toản.

Hội nghị triển khai Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Quốc Toản.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh trong phát triển ngành chăn nuôi, từ đó góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bàn hành nhiều văn bản, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm, trong đó đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Nhờ vậy, trong nhiều năm, Thanh Hóa không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

"Hiện, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đội, tổ phản ứng nhanh đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại địa bàn các thôn, xã đang có dịch, đặc biệt là tập trung hỗ trợ các huyện đang có nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao để hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh nếu phát sinh. Nhờ vậy, trong khi nhiều địa phương lân cận của tỉnh Thanh Hóa đang căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi thì tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ vững thế trận phòng chống dịch", ông Đặng Văn Hiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết.

Các xe vận chuyển lợn đi tiêu thụ được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Ảnh: Quốc Toản.

Các xe vận chuyển lợn đi tiêu thụ được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Ảnh: Quốc Toản.

Hiện, trung bình hàng tháng, số lợn thịt xuất chuồng của tỉnh Thanh Hóa là 155-160 nghìn con, trong đó có khoảng 110-115 nghìn con giết mổ và tiêu thụ trong tỉnh, khoảng 40-45 nghìn con xuất bán ra tỉnh ngoài. Ước tính cả năm 2024, tổng giá trị sản xuất của chăn nuôi lợn Thanh Hóa tính theo giá thị trường khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng.

Xác định công tác tiêm phòng là then chốt

Ngay sau khi Bộ NN-PTNT có chỉ đạo công tác tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các đơn vị cung cấp vacxin dịch tả lợn Châu Phi hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn lựa chọn cơ sở chăn nuôi lợn để tiêm phòng, bố trí nguồn kinh phí triển khai giám sát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giám sát sau tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu phi trong năm 2024.

Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động kinh phí và chủ động triển khai thực công tác tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi theo đúng hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả vacxin làm cơ sở thực hiện công tác tiêm phòng trong thời gian tiếp theo.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Toản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thử nghiệm được 2,5 nghìn liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi và thu được một số kết quả quan trọng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp hỗ trợ người chăn nuôi lấy 14 mẫu huyết thanh giám sát sau tiêm phòng có 11/14 mẫu (78%) có kháng thể phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt mua dự phòng 5 nghìn liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi dự phòng, lưu trữ tại kho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh: Tả lợn Châu Phi là loại dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Vì vậy, phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan là nhiệm vụ quan trọng, nhất là chú trọng thực hiện tiêm phòng vacxin.

"Thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Đối với công tác tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vacxin, các doanh nghiệp, cơ sở, hộ chăn, đánh giá hiệu quả của công tác tiêm phòng; xây dựng kế hoạch tiêm phòng và giám sát công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ đến tận các đại lý, trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi về việc sử dụng vacxin để đánh giá và xử lý kịp thời các sự cố sau tiêm phòng (nếu có) ngay khi mới phát sinh và trong diện hẹp", ông Cường chỉ đạo.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.