| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Thực thi pháp luật là then chốt

Thứ Tư 08/04/2020 , 09:10 (GMT+7)

Thực thi pháp luật là điểm then chốt trong công tác phòng chống khai thác IUU tại Tiền Giang để khẩn trương chuẩn bị đón đoàn Liên minh Châu Âu (EC).

Ban quản lý cảng cá kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương, ngư dân tại cảng cá Mỹ Tho. Ảnh: Trọng Linh.

Ban quản lý cảng cá kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương, ngư dân tại cảng cá Mỹ Tho. Ảnh: Trọng Linh.

Thực thi pháp luật là điểm then chốt

Hiện nay đội tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh Tiền Giang có 1.468 chiếc với 10.385 thuyền viên hoạt động trên tàu. Trong đó, tàu từ 24m trở lên có 139 chiếc. Tàu chiếm số lượng nhiều nhất có chiều dài từ 15-24m có 966 chiếc, trong đó tàu lưới kéo chiếm 594 chiếc. Còn lại là tàu dưới 15m.

Bên cạnh đội tàu đánh bắt, Tiền Giang còn có thêm đội tàu thu mua chuyển tải với đội ngũ lên đến 278 chiếc. Trước các tàu thu mua thủy sản thường không ghi chép, hoặc ghi chép không đầy đủ.

Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống đánh bắt trái phép, ngành thủy sản Tiền Giang có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền ngư dân thực hiện nghiêm chỉnh Luật Thủy sản 2017, khai báo nguồn gốc thủy sản, thực hiện gắn các thiết bị giám sát hành trình…

Bằng nhiều hình thức lồng ghép, các cuộc tuyên truyền đã tạo nên hiệu ứng cao, tác động thay đổi ý thức chấp hành của nguời dân.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tại các cảng cá thì có tuyên truyền pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay quy định những điều cần biết... Nhất là phát thanh tuyên truyền trực tiếp về Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42... tại cảng. Tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn người dân, người ta thiếu cái gì cán bộ mình hướng dẫn trực tiếp cái ấy. Ví dụ như trường hợp người dân ghi nhật ký bị sai, lệch so với giám sát hành trình thì mình in giám sát hành trình ra yêu cầu người dân điều chỉnh lại cho phù hợp”.

Bảng tuyên truyền về Luật thuỷ sản 2017 của Chi cục thuỷ sản Tiền Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Bảng tuyên truyền về Luật thuỷ sản 2017 của Chi cục thuỷ sản Tiền Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Tuy nhiên, theo ông Phong, để công tác phòng chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không truy xuất được nguồn gốc... ngày càng có tác động chiều sâu, hiệu quả hơn nữa thì công tác thực thi pháp luật phải đặt làm đầu. BQL cảng cá cử lực lượng trực tiếp xuống tàu để hướng dẫn thuyền trưởng ghi nhật ký.

Cùng với đó, thực hiện giám sát tàu rời cảng cập cảng. Từ đầu năm đến nay, các cảng cá đã thực hiện giám sát 293 lượt tàu cập cảng, đạt 100%. Qua đó, BQL cảng thực hiện giám sát trên 4.474 tấn thủy sản.

“Ý thức ghi báo cáo nhật ký của ngư dân đã được nâng cao. Khoảng 90% thuyền trưởng, chủ tàu đã thành thạo các thao tác ghi chép nhật ký và thực hiện đầy đủ 100%”, ông Phong cho biết.

Tại cảng cá Mỹ Tho, ngoài phục vụ đội tàu của tỉnh thì cảng còn đón tiếp tàu của các tỉnh khác đến bốc dỡ hải sản như: Bến Tre, Bình Định. Dựa trên việc thực hiện Quy chế phối hợp số 208/QCPH-UBND ngày 14/01/2019 với các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, tỉnh Tiền Giang đã giám sát kiểm tra hơn 190 lượt tàu cập bến tại cảng cá Mỹ Tho.

Tăng cường kiểm tra công tác giám sát tàu cập bến tại cảng cá Mỹ Tho. Ảnh: Trọng Linh.

Tăng cường kiểm tra công tác giám sát tàu cập bến tại cảng cá Mỹ Tho. Ảnh: Trọng Linh.

“Các tàu ở ngoài tỉnh mình cũng thực hiện các thủ tục giống như tàu ở Tiền Giang thôi. Đó là kiểm tra giấy phép, tra danh mục tài liệu IUU xem có hay không? Nếu không có thì mình từ chối cho cập cảng”, ông Huỳnh Thanh Phong cho biết thêm.

Riêng ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang từ đầu năm đến nay đã kiểm tra 36 lượt tàu cá cập cảng, rời cảng. Trong tháng 3/2020, Thanh tra chuyên ngành đã thực hiện một cuộc kiểm tra 60 tàu cá, lập 6 biên bản vi phạm hành chính, tham mưu xử phạt 45 triệu đồng đối với 6 cá nhân vi phạm.

Các lỗi thường xuyên như: Thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định và thuyền trưởng ghi không đầy đủ nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu dưới 24 m.

Ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết lực lượng chấp pháp kiên quyết không cho tàu xuất bến khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Cũng trong tháng 3, Chi cục Thủy sản Tiền Giang đã triển khai thực hiện Công văn số 369/UBND-KTTC ngày 3/2/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính chủ tàu cá có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Theo đó, Chi cục đã phối hợp với UBND TP Mỹ Tho và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh tiến hành xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Thành Long là chủ tàu cá có 2 tàu bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2019.

Còn trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài

Ngày 26/2/2020 Sở NN-PTNT Tiền Giang nhận được Công văn số 203/SNgV-LS&NVNONN của Sở Ngoại vụ về việc thông tin tình hình 20 ngư dân trên tàu TG-94999-TS và TG-94777-TS đang bị giam giữ tại Philippines.

Sở NN-PTNT đã thông tin đến các thành viên Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đồng thời phối hợp với UBND huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn liên hệ với gia đình của các ngư dân nói trên để thông tin tình hình vụ việc cho gia đình ngư dân được rõ.

Đối với vấn đề ý thức không bắt trái phép vùng biển nước ngoài, ông Bùi Văn Em có tàu đang neo đậu tại cảng cá Mỹ Tho cho biết: “Mình chủ động trước. biết vùng đó giáp biên, cận biên mình không có tiếp cận. Đoàn tàu của tôi có 6 chiếc, 60 người làm việc. Anh em xuống ghe cũng như đại gia đình, mình nhắc nhở hỗ trợ lẫn nhau để đừng vi phạm”.

Ngư dân Bùi Văn Em (mô phỏng) vận hành thiết bị liên lạc trên tàu. Ảnh: Trọng Linh.

Ngư dân Bùi Văn Em (mô phỏng) vận hành thiết bị liên lạc trên tàu. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn tàu của ông Em có đội thu mua chuyển tải khá lớn, mỗi tàu dài trên 24m, ông rất chú trọng ghi chép nhật ký mua bán sản phẩm để được cấp chứng nhận xuất xứ.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.